(TNO) Bốn viên gạch hình rồng đời Lý là cổ vật duy nhất còn sót lại trong ngôi đền thiêng hơn 800 năm thờ vị tướng tài ba Ngô Lý Tín.
Đền Gắm ở thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng là nơi thờ ông Ngô Lý Tín, vị tướng tài ba được phong tới chức Thái phó phụ chính dưới triều vua Lý Cao Tông. Đây là một trong bốn linh từ của huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, vẫn được nhân dân địa phương truyền tụng về sự linh thiêng: “Thứ nhất đền Bì (xã Đoàn Lập, Tiên Lãng - PV), thứ nhì đền Gắm”.
Ngôi mộ trong hậu đường đền thờ
Hai viên gạch hình rồng đời Lý trong đền Gắm
|
Ông Đặng Anh Tuyết, Trưởng ban quản lý di tích đền Gắm cho biết đền được xây dựng từ năm 1190, trên bán đảo cửa sông Văn Úc. Hơn 8 thế kỷ đã đi qua, biết bao cơn phong ba bão táp đổ vào bán đảo nơi cửa biển này, nhưng ngôi đền vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Năm 1992, đền được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, lần trùng tu, tôn tạo gần đây nhất là vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Trước đó, một cuộc trùng tu lớn được thực hiện vào năm 1888 dưới triều đại nhà Nguyễn. Theo ông Tuyết, sở dĩ nhà Nguyễn cho trùng tu đền Gắm ở miền quê nghèo, xa kinh đô Huế bởi lẽ vị thánh Ngô Lý Tín được tôn thờ đã có công dẹp giặc ngoại bang, đánh tan nạn hải tặc, giữ yên bờ cõi và ngôi đền nằm ở cửa biển, là vị trí trọng yếu “hải tần phòng thủ”.
“Theo nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử thì vùng đất này trước đây là một thương cảng sầm uất. Vào thế kỷ XVI-XVII, các thương nhân Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan... từng đến vùng đất này để giao thương buôn bán. Các giáo sĩ đạo Thiên Chúa cũng đã đến truyền đạo nên trong vùng có nhiều nhà thờ đạo”, ông Tuyết nói. Trong không gian thanh tịnh, uy nghiêm, câu chuyện mang màu sắc huyền ảo, thực thực hư hư đan vào nhau khiến du khách đến đây không thể bỏ qua những bí ẩn trong ngôi đền thờ Tín Công.
Đền Gắm tựa vào con đê phía sau với vườn cây xanh tỏa bóng
|
Bốn viên gạch hình rồng thời Lý là cổ vật duy nhất còn lại nguyên vẹn trong đền Gắm. Gạch hình vuông, trang trí nổi hình rồng, hai viên ghép lại thành một con rồng hoàn chỉnh. Những viên gạch này đặt ở bậc thềm nối giữa tòa tiền đường và tòa hậu đường của ngôi đền. Đền Đô thờ 8 vị vua Lý ở Từ Sơn, Bắc Ninh cũng có một số viên gạch rồng như này. Bốn viên gạch rồng đời Lý như là cách người dân ghi tạc công lao của Tín Công với đất nước.
Dù được đặt ở ngay lối đi lại nhưng người ra kẻ vào không ai dám giẫm lên vì sợ mạo phạm, hình rồng in nổi trên gạch vì thế mà không bị bào mòn, vẫn giữ được đường nét mạch lạc suốt hơn 800 năm qua. Các cụ cao niên kể lại người dân trong làng rất giữ gìn 4 viên gạch cổ này, đã từng phải canh giữ, nhất là vào những đêm mưa bão vì sợ bọn buôn cổ vật đào trộm mang đi. “Hiện nay, hai viên gạch đã được đưa về bảo tàng huyện Tiên Lãng để trưng bày cho du khách tham quan”, ông Tuyết cho biết.
Đền Gắm nổi tiếng linh thiêng khắp vùng khi ngôi mộ của Ngô Lý Tín nằm ngay trong hậu đường. Trước khi được ốp đá sạch sẽ, ngôi mộ chỉ là một nấm đất với một cọc gỗ lim cắm xuống. Ông Tuyết kể lại quy định trước đây chỉ có quan tri phủ trở lên mới được phép vào thắp hương, dân thường không ai được ngó nghiêng khi đến đền cúng bái. Hiện nay, cánh cửa hậu đường được mở để mọi người vào chiêm bái ngôi mộ.
Ông Tuyết giới thiệu mộ phần của Tín Công
|
Kỳ lạ người chết đuối dạt vào đền Gắm
Nơi an táng thi hài Tín Công chính là trường học mà ông dạy học năm xưa. Ông Đặng Anh Tuyết cho biết phía sau đền Gắm là con đê, còn trước cửa đền là sông Văn Úc, phía xa là dãy núi Đối ở huyện Kiến Thụy và núi Đồ Sơn, các cụ cho rằng đó là thế “rồng cuộn, hổ ngồi”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết, ông Ngô Lý Tín, sinh vào tháng 1.1126, ở trang Vĩnh Đồng, huyện Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), con ông Ngô Huy Hiếu và bà Đào Thị Phúc. Còn theo thần tích làng Cẩm Khê, Tín Công khi sinh ra có hình hài khác thường, mặt mũi phương phi, mình dài, tóc đỏ.
Năm 12 tuổi, Ngô Lý Tín được cha mẹ cho theo học một thầy đồ nổi tiếng ở Kính Chủ, Hải Dương. Nhờ có tư chất thông minh, lại chăm chỉ nên thầy rất quý trò. Năm 18 tuổi cha mẹ lần lượt qua đời. Lúc bấy giờ, quan quân nhiễu nhương, trộm cắp nổi lên, đời sống dân quê vô cùng cực khổ. Sau khi mãn tang cha mẹ, Ngô Lý Tín rời quê hương tìm về trang Cẩm Khê, huyện Bình Hà, trấn Hải Dương (nay là thôn Cẩm Khê, xã Toàn Thắng), một mảnh đất bên bờ sông Văn Úc, mở trường dạy học, đồng thời luyện tập võ nghệ. Thời kỳ đó vùng đất này là nơi giao lưu buôn bán lớn. Chỉ sau một thời gian, danh tiếng của ông đã nổi tiếng khắp vùng.
Điện thờ vị tướng Ngô Lý Tín
|
Mô hình thuyền chở Tín Công và binh lính được tái hiện mỗi dịp lễ hội
|
Năm 1157, giặc ngoại bang xâm chiếm, đất nước lâm nguy. Trong hoàn cảnh đó, ông chiêu mộ 30 tuấn kiệt của Cẩm Khê cùng ông ngày đêm luyện võ để giết giặc, rồi lên kinh đô xin yết kiến vua Lý Anh Tông, lập công giết giặc cứu nước. Nhà vua mừng rỡ phán rằng: “Trời đã giúp trẫm sinh ra tướng giỏi”. Quân của ông đánh đâu thắng đó, được vua Lý Anh Tông phong ông làm Thượng tướng. Sang đến đời Lý Cao Tông, ông vẫn tiếp tục lập công dẹp giặc. Năm 1182, Tín Công đem quân thủy bộ đi dẹp phiến loạn và đánh cướp biển.
Năm 1183, ông được nhà vua giao cho làm Đốc tướng đi chinh phạt ngoại xâm. Toàn thắng trở về, Tín Công được thăng làm Thái phó. Tới năm 1188, Thái sư Đỗ Thuận An mất, Thái phó Ngô Lý Tín được cử làm Phụ chính. Từ một người xuất thân bình dân đã được tiến cử ở vị trí cao nhất của triều đại phong kiến, vốn chỉ dành cho những người thuộc dòng dõi hoàng gia. Năm 1190, quốc gia bình yên, ông đi thuyền trở lại thăm trang Cẩm Khê nhưng không may thuyền gặp cơn phong ba bão táp trên khúc sông Quán Trang (huyện An Lão, TP.Hải Phòng ngày nay). Ông cùng binh lính bị nhấn chìm, trôi dạt về chốn xưa.
Người dân Cẩm Khê thương tiếc đã chôn cất ông tại ngay mảnh đất mà ông từng dạy học. Thương tiếc vị tướng công thần trung nghĩa, vua truyền lệnh xuất 300 quan tiền, miễn sưu thuế, phu dịch cho nhân dân làng Cẩm Khê, đồng thời viết sắc phong, hiện vẫn còn lưu giữ trong ống đồng ở hậu đường.
Ban thờ 30 tuấn kiệt làng Cẩm Khê cùng Tín Công đi đánh giặc
|
Khúc sông Văn Úc trước cửa đền Gắm là nơi nhiều thi thể người chết đuối trôi dạt vào
|
Một trong những điều lạ mà người dân Tiên Lãng khó giải thích được đó là thi thể của người chết đuối trên sông Văn Úc đều trôi dạt vào bờ sông gần đền Gắm. Tuy nhiên, thi thể người chết không dạt vào trước cửa đền, chỉ dạt vào hai bên. Có nhiều gia đình được báo mộng đến khu vực đền tìm kiếm và đều thấy. Điều này càng khiến cho ngôi đền trở nên linh thiêng.
Ông Đặng Anh Tuyết cho biết hằng năm đền Gắm tiếp đón rất đông du khách thập phương đến thắp hương, trong đó có nhiều sinh viên Trường ĐH Hàng hải và cán bộ, chiến sĩ hải quân. Theo tập tục, năm nào trời hạn hán là người dân huyện Tiên Lãng lại tổ chức cầu đảo, rước bộ khắp huyện, từ đền Gắm lên đền Bì rồi tới đình Cựu Đôi ở thị trấn Tiên Lãng, khi rước trở về là trời đổ mưa. Năm 2014, tập tục này được tái hiện lại để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Bình luận (0)