Trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư Joseph Nye, cựu Chủ tịch Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ, cho rằng: “Trung Quốc thận trọng với COC vì là một nước lớn nên họ muốn dùng sức mạnh trong khi đàm phán song phương. Các bên liên quan ở ASEAN sẽ đạt được nhiều điều khi giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh. COC góp phần thúc đẩy khả năng thương lượng cho các bên trong ASEAN”.
|
Cùng chủ đề COC, Thanh Niên vừa phỏng vấn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), và chuyên gia Swee Lean Collin Koh, Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore).
|
Ông/bà nhận xét thế nào về việc ASEAN thông qua dự thảo sơ bộ COC rồi mới thảo luận với Trung Quốc?
Bà Glaser: Khi ASEAN đưa ra dự thảo COC để thảo luận với Trung Quốc sẽ giúp khối này hướng đến sự cân bằng với Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc bác bỏ thì quan hệ giữa nước này với ASEAN có thể sẽ căng thẳng. Ngược lại, ASEAN cũng cần thể hiện sự cởi mở, sẵn sàng ghi nhận những ý kiến đóng góp từ phía Trung Quốc. Tất nhiên, ASEAN cần giữ vững lập trường đối với những thành tố mà khối cho là quan trọng nhất.
Ông Koh: Việc thông qua dự thảo sơ bộ COC trước khi thảo luận với Trung Quốc là rất cần thiết. Điều này càng trở nên cấp thiết khi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký hồi năm 2002 không còn đem lại hiệu quả. Bước đi này giúp ASEAN củng cố vai trò đối với cấu trúc an ninh trong khu vực. Việc thông qua được dự thảo sơ bộ về COC để đàm phán với Trung Quốc chứng minh rằng các diễn đàn của ASEAN hoạt động hiệu quả. Đây còn là cách để chứng minh sự đồng thuận trong ASEAN.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cho rằng COC “không nhằm giải quyết tranh chấp” mà chỉ để “xây dựng lòng tin và sự hợp tác giữa các bên”. Ông/bà đánh giá thế nào về tuyên bố này?
|
Bà Glaser: COC không hướng đến giải quyết trực tiếp các tranh chấp. Tốt nhất, các tranh chấp cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên hoặc bởi tòa án quốc tế. Tuy nhiên, COC là một cơ chế để thiết lập các nguyên tắc chung về việc không sử dụng bạo lực, tránh đe dọa, ngăn ngừa xung đột. Đồng thời, COC giúp giải quyết những va chạm xung quanh việc khai thác và đánh bắt trên biển, đảm bảo an toàn trên biển. Nếu chỉ trông chờ vào sự tự nguyện mà không có ràng buộc như DOC thì không thể được.
Ông Koh: Tuyên bố trên là đúng. Tuy nhiên, dù chẳng phải là cơ sở để giải quyết tranh chấp nhưng COC là nền tảng giải quyết chứ không chỉ để kiềm chế xung đột trong tương lai. Trước đây, DOC được ký kết nhưng chưa phát huy hiệu quả vì không có sự ràng buộc. Vì thế, COC cần trở thành cơ sở để giải quyết xung đột.
Ông/bà nghĩ ASEAN nên làm thế nào để đảm bảo COC phát huy hiệu quả?
Bà Glaser: ASEAN nên đóng vai trò quyết định đâu là những điều khoản quan trọng nhất và quyết không nhân nhượng về những điều này.
Ông Koh: Như tôi đã nói ở trên, ASEAN phải luôn thống nhất với nhau để tạo ra những điều khoản, dự thảo chung trước khi thảo luận với Trung Quốc. Đặc biệt, ASEAN nên kết hợp các điều khoản ràng buộc trong COC. Khối phải đảm bảo ASEAN luôn đi đầu trong đề xuất, đàm phán và thực thi COC. Đây là nền tảng để bắt buộc Trung Quốc phải tuân thủ COC. Sau khi đạt được COC, ASEAN cần thường xuyên đánh giá việc các bên thực thi những điều khoản đã thỏa thuận.
Ngô Minh Trí
(thực hiện)
>> Trung Quốc làm khó ASEAN ?
>> Nhật sẽ tổ chức hội nghị với ASEAN về an ninh biển
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN
>> ASEAN, Trung Quốc tìm tiếng nói chung về biển Đông
>> ASEAN sẽ không bị đe dọa tấn công hạt nhân
Bình luận (0)