Cội bạch mai cổ thụ trước ngôi đình hơn 3 thế kỷ ở miền Tây

Hoàng Phương
Hoàng Phương
09/02/2023 20:20 GMT+7

Hằng năm, cứ đến rằm Thượng Ngươn khách thập phương lại tìm về ngôi đình Phú Tự ở Bến Tre. Ngoài dấu ấn rêu phong cổ kính của ngôi đình, sức hút chính là cội bạch mai cổ thụ ở đây.

Đình Phú Tự (tọa lạc tại ấp Phú Hào, P.Phú Hưng, TP.Bến Tre) thờ Thành hoàng bổn cảnh, được vua Khải Định sắc phong vào năm 1918. Theo các tài liệu xưa, ngôi đình này được xây dựng khoảng hơn 300 năm, khi những lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân tới vùng đất cù lao này khai hoang lập ấp. Lúc đầu đình được dựng bằng tre lá đơn sơ, làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu mưa thuận gió hòa. Theo thời gian, đình được sửa chữa, mở rộng dần như ngày nay.

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 2.

Đình Phú Tự tọa lạc tại ấp Phú Hào, P.Phú Hưng, TP.Bến Tre

HOÀNG PHƯƠNG

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 3.

Đình Phú Tự hiện tại

HOÀNG PHƯƠNG

Cội bạch mai hiện có tàng rất lớn, đường kính rộng chừng 5 - 7 m, được trồng ngay trước sân đình. Nhìn từ xa trông giống như cây gừa, cây sộp, lá có màu xanh đậm giống lá cây mù u. Thân bạch mai sần sùi, rêu mốc. Hiện thân cây chính không còn nhưng từ gốc cây cũ đã mọc ra nhiều chi lớn nhỏ, xòe ngang mặt đất tạo thành tán rộng chừng mấy chục mét vuông. Đây được cho là cội bạch mai độc nhất của toàn vùng.

Không giống như mai vàng mỗi năm phải lãi lá (lặt lá - NV) và trổ bông một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Bạch mai không cần lãi lá mà bông vẫn nở rộ bắt đầu từ rằm tháng giêng (rằm Thượng Ngươn) và kéo dài khoảng 2 tuần. Trước khi trổ bông, lá mai tự rụng bớt rồi từ trong cành cây nhú ra những chùm nụ màu xanh, tròn, to gần bằng trái sung. Những nụ ấy sẽ nở ra những bông hoa 4 cánh trắng tinh với chùm nhụy vàng rất đẹp và tỏa ra mùi thơm dịu dàng, lan tỏa cả một vùng.

Khi bạch mai nở rộ, tán cây toàn một màu trắng, vàng chen với lá xanh. Người xưa cho rằng "đây là vùng phước địa nên sinh xuất kỳ hoa dị thảo". Hiện nay, tại đình Phú Tự còn 4 câu thơ xưa nói về cổ thụ bạch mai: "Khí thiêng un đúc bạch mai thần/Phú Tự đình xưa bóng rợp sân/Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu/Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần".

Liên quan đến bạch mai, giai phẩm Thần Chung Xuân Nhâm Thìn 1952 phát hành tại Sài Gòn có bài của tác giả Dã Hạc nói về nguồn gốc của cây bạch mai ở chùa Sắc tứ Linh Thứu, nay thuộc ấp Chợ, xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Theo tác giả, ở Nam Việt thời điểm đó chỉ 3 nơi có bạch mai. Cây bạch mai thứ nhất được trồng trước một ngôi chùa ở vùng Chợ Lớn xưa. Khi mùa xuân đến, hoa nở hương thơm khắp cả vùng. Đó cũng là dịp các tao nhân mặc khách tới thưởng hoa, đề thơ và uống rượu. Khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, họ lập một đồn tại khu vực đó nên gọi là đồn Cây Mai.

Cây bạch mai thứ hai cũng được trồng trước một ngôi chùa ở chân núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, mà tác giả bài báo cho biết đã chính mắt nhìn thấy vào năm 1932. Riêng cây bạch mai thứ ba được trồng tại chùa Sắc tứ Linh Thứu, mà tác giả cho biết đã "được ngắm, hiểu được hương vị và nét đẹp của mai trắng".

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 6.

Cây bạch mai trước sân đình Phú Tự hiện nay

HOÀNG PHƯƠNG

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 7.

Sau rằm tháng giêng, bạch mai bắt đầu trổ bông

HOÀNG PHƯƠNG

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 15.

HOÀNG PHƯƠNG

300 năm cổ thụ bạch mai - Ảnh 19.

HOÀNG PHƯƠNG

Theo tường thuật của tác giả Dã Hạc: "Cây bạch mai ở chùa Linh Thứu gốc không to nhưng cành nhiều. Mỗi năm có bông rất đậu. Các vị lão thành mà tôi đã hỏi qua đều bảo rằng cây mai này được chiết ra từ một nhánh của bạch mai ở chùa Cây Mai vùng Chợ Lớn. Có người còn nói rõ, vào năm Gia Long thứ 11 (1812), một vị hòa thượng đã chiết cành mai ở chùa Cây Mai đem về trồng trước sân chùa Linh Thứu. Cây mai ngày một lớn, cành lá sum suê. Nhiều người thấy đẹp, chiết đem về trồng nhưng không hiệu quả".

Tác giả bài báo cho biết chính ông cũng đã nhờ một người bạn "rất rành việc trồng cây, thử đất, chiết giùm 2 nhánh. Đợi khi bầu đất đã ra rễ dài, mỗi người một cây đem về trồng, cách ngôi chùa chỉ chừng 10 cây số. Nhưng dùng hết phương cách săn sóc tận tình cũng đành chịu sự vô duyên với tình yêu mai trắng".

Chuyện cây bạch mai cổ thụ trước ngôi đình hơn 3 thế kỷ ở miền Tây - Ảnh 7.

Chùa Linh Thứu ở Tiền Giang

HOÀNG PHƯƠNG


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.