Cởi bỏ tâm lý 'sợ trách nhiệm'

09/08/2022 06:47 GMT+7

TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, khẳng định đầu tư công mà chậm giải ngân thì vốn tư nhân cũng sẽ trì trệ, kéo theo cả nền kinh tế rất khó phục hồi.

Theo ông, đầu tư công vào các dự án hạ tầng, y tế, viễn thông… mục tiêu lớn nhất là để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, người lao động. Thời gian qua, TP.HCM không thu hút được đầu tư một số ngành cần nhiều lao động vì hạ tầng hiện đã quá tải. Dịch vụ phục vụ người dân trở nên khan hiếm, giá cả, chi phí sinh hoạt tăng nên lao động không tuyển được, doanh nghiệp (DN) phải đi chỗ khác làm hoặc thu hẹp quy mô. Nhiều dự án, chương trình TP đã lên quy hoạch, phương án từ hơn 1 thập kỷ trước nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Sau khi mở cửa kinh tế hậu Covid-19, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cùng chủ trương tăng tốc đẩy nhanh dòng vốn đầu tư công đã có tác động về mặt tâm lý cho DN. Nhưng đến nay, sự chậm trễ, ì ạch khiến DN cảm thấy rủi ro, mất niềm tin và sẽ dần kiệt quệ.

Công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh bố trí 200 tỉ đồng, mới giải ngân được 9,3 tỉ đồng

Độc lập

“Một dự án đầu tư lớn “ngốn” khoảng 2.000 lao động, tạo ra bao nhiêu công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách biết bao nhiêu. Chỉ cần mạnh dạn nhanh chóng khơi thông những dự án lớn đang tắc thì kinh tế TP chắc chắn sẽ lập tức đột phá”, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH TP.Hà Nội, đặt vấn đề Hà Nội và TP.HCM được giao vốn đầu tư công rất lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân quá thấp gây lãng phí nguồn lực. “Câu hỏi đặt ra là tại sao lại chậm giải ngân, có tiền nhưng không tiêu được? Lý do chậm do thể chế có một phần, như cơ chế, đền bù đất đai, thủ tục đấu thầu dự án... Nhưng thẳng thắn mà nói do tâm lý nhiều lãnh đạo địa phương vừa qua e ngại sợ làm sai, sợ trách nhiệm”, bà An nói.

Vì thế, theo bà An, phải cởi bỏ được tâm lý sợ chịu trách nhiệm. Người đứng đầu địa phương, lĩnh vực phải rà soát, phân loại các dự án vướng ở đâu để có giải pháp tháo gỡ cụ thể, vào cuộc một cách chi tiết, nếu cần thì kiến nghị Chính phủ vào cuộc hỗ trợ. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có giải pháp quyết liệt, phân rõ trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư cho các bộ ngành, địa phương cũng như nêu trách nhiệm người đứng đầu. Ngành nào, địa phương nào chậm giải ngân cần xem xét rõ nguyên nhân, trách nhiệm thậm chí cắt giảm, điều chuyển sang lĩnh vực khác.

Cùng quan điểm này, TS Huỳnh Thanh Điền cho rằng có một số nguyên nhân cơ bản biến chậm giải ngân vốn đầu tư công thành căn bệnh trầm kha suốt nhiều năm nay. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định nhất là tình trạng lãnh đạo các cấp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, hồ sơ chạy từ sở này qua ban kia. Bên cạnh đó, quy định quá chồng chéo, luật này “đá” luật kia. Nhiều quy định không liên thông từ đầu tới cuối nên trong quá trình phối hợp, các dự án thường xuyên vướng mắc và chậm trễ, không đủ điều kiện để giải ngân.

Sau đó, khi chuyển xuống tới các địa phương, ai cũng làm đúng chức năng, nhiệm vụ nhưng cuối cùng, công việc lại không chạy bởi chỉ lo đảm bảo hoàn thành trách nhiệm nhưng chưa đủ về mặt phối hợp công việc. Thay vì linh hoạt để kéo toàn bộ bộ máy đi chung để đạt kết quả tốt nhất thì cứ mạnh ai nấy làm, không có điều phối chung.

“Điển hình như ở TP.HCM, UBND phải nâng cao hơn nữa vai trò điều phối, thành lập các tổ chuyên ngành để chịu trách nhiệm toàn bộ từng quy trình, theo tiến độ giám sát giải ngân, làm việc với từng sở, ban ngành để tháo gỡ, giải quyết nhanh”, ông Điền nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.