|
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh dịch hạch ở VN thường tăng lên vào mùa khô - thời điểm phát triển của chuột và bọ chét. Dịch hạch lây sang người khi bọ chét (loài ký sinh trên chuột) hút máu chuột có chứa mầm bệnh, sau đó đốt trên người sẽ truyền vi khuẩn gây dịch hạch.
GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết 12 năm liên tục trong nước không ghi nhận ca bệnh dịch hạch nhưng vẫn liên tục duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh nguy hiểm này. Hiện nay, các vùng nguy cơ luôn được tập trung giám sát bệnh dịch hạch bao gồm: Tây nguyên (nơi từng ghi nhận sự lưu hành của dịch hạch); các cửa khẩu có tiếp nhận hàng hóa nhập khẩu, để phòng nguy cơ chuột có vi khuẩn dịch hạch xâm nhập theo các lô hàng. Ngoài ra, trong nội địa vẫn thường kỳ giám sát các kho hàng ở cảng, nhà ga là nơi thường có chuột sinh sống.
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, các mẫu máu chuột, máu bọ chét ký sinh trên chuột cũng như mẫu máu của ca bệnh nghi ngờ (bệnh nhân viêm hạch) được xét nghiệm trong các năm gần đây đều không thấy vi khuẩn gây bệnh dịch hạch. “Tuy nhiên không phải nhiều năm không có ca bệnh, không ghi nhận chuột mang mầm bệnh là đã thanh toán được bệnh dịch này. Bởi vì vi khuẩn gây dịch hạch còn lưu hành trên các loài gặm nhấm trong tự nhiên, từ đó có thể lây lan sang các loài gặm nhấm gần người như chuột, kéo theo nguy cơ gây bệnh cho người”, GS-TS Nguyễn Trần Hiển lo ngại.
Đặc biệt, theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nguy cơ bệnh dịch hạch xâm nhập tăng cao khi một số quốc gia đã ghi nhận hàng trăm ca mắc trong thời gian gần đây. Vừa qua, Trung Quốc cũng thông báo về một trường hợp mắc dịch hạch thể phổi. Cục Y tế dự phòng đã tăng cường giám sát các cửa khẩu nhằm ngăn chặn bệnh dịch hạch xâm nhập. Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm bởi nó có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Dịch hạch thể phổi có biểu hiện sốt cao, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp, đờm loãng có bọt dính máu.
Cục Y tế dự phòng cho biết dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch (chiếm 90% các thể bệnh); thể nhiễm khuẩn huyết; thể phổi và thể màng não. Vi khuẩn gây dịch hạch có thể bị chết ở 55 độ C trong 30 phút; ở 100 độ C trong 1 phút và các sát khuẩn thông thường. Tại VN, ổ chứa vi khuẩn dịch hạch từng ghi nhận ở các loài chuột cống sống tại các khu dân cư. Người lành có thể bị nhiễm bệnh nếu hít vào trực tiếp vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí do tiếp xúc trực tiếp với dịch hạch thể phổi; vi khuẩn dịch hạch có thể xâm nhập qua da như tiếp xúc tay trực tiếp vào động vật bị bệnh.
Phòng bệnh dịch hạch cần thường xuyên vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở hợp lý, tránh chuột chui rúc, làm tổ; thực phẩm phải được che đậy an toàn, tránh để chuột tiếp xúc. Bệnh dịch hạch có biểu hiện triệu chứng: sốt cao đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, sưng hạch. Ca bệnh dịch hạch phải điều trị cách ly trong bệnh viện. Trong trường hợp xác định có dịch hạch, tùy tình huống cần khẩn trương thành lập khu cách ly ngay tại y tế cơ sở. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế |
Liên Châu
>> Khẩn cấp giám sát bệnh dịch hạch
>> Cảnh báo nguy cơ dịch hạch xâm nhập
>> Bùng phát dịch hạch tại Madagascar, 40 người chết
>> Tăng cường giám sát bệnh dịch hạch
>> Trung Quốc đóng cửa thành phố có bệnh nhân chết vì dịch hạch
Bình luận (0)