Coi chừng móc túi, sàm sỡ... khi đi xe buýt

Thảo Phương
Thảo Phương
25/08/2023 17:23 GMT+7

Xe buýt là phương tiện đi lại phổ biến của phần đông sinh viên. Những bạn trẻ “chân ướt chân ráo” mới đến thành phố cần lưu ý nhiều điều để tránh bị móc túi, sàm sỡ... khi tham gia phương tiện giao thông công cộng này.

Cách để tân sinh viên tránh trở thành ‘con mồi’ khi đi xe buýt - Ảnh 1.

Xe buýt là phương tiện đi lại được nhiều sinh viên lựa chọn

THẢO PHƯƠNG

Đề phòng móc túi, biến thái

‏Theo chia sẻ nhiều sinh viên thì móc túi, trộm cắp, sàm sỡ, chen lấn… là những vấn nạn thường xuyên xảy ra trên xe buýt. Để tránh trở thành nạn nhân, tân sinh viên cần phải lưu ý nhiều điều. ‏

‏Lương Minh Tâm, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết sử dụng xe buýt từ năm nhất đại học đến nay. Tâm chia sẻ: "Mình thấy việc đi học bằng xe buýt khá tiện lợi. Giá vé cho sinh viên rất rẻ, chỉ 3.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, xe buýt vào giờ cao điểm rất đông người nên cần phải biết cách tự bảo vệ tài sản của mình để tránh bị kẻ gian móc túi".‏

‏Kinh nghiệm của Tâm là: "Mình luôn mang ba lô trước ngực. Ví tiền, điện thoại sẽ bỏ vào ngăn trong cùng của ba lô và khóa kéo cẩn thận. Tuyệt đối không bỏ điện thoại, ví tiền vào túi quần, áo". 

Cách để tân sinh viên tránh trở thành ‘con mồi’ khi đi xe buýt - Ảnh 2.

Luôn đeo balo trước ngực khi đi xe buýt để đề phòng móc túi

THẢO PHƯƠNG

"Bên cạnh đó, mình thấy các bạn đi xe buýt mà chặng đường dài thường rất hay ngủ. Tuy nhiên, chỉ nên ngủ khi người ngồi bên cạnh là bạn của mình. Còn nếu đi xe buýt 1 mình thì nên tỉnh táo vì nếu ngủ quên sẽ là cơ hội cho kẻ gian móc túi", Tâm lưu ý.‏

‏Không chỉ móc túi mà việc bị quấy rối trên xe buýt cũng là vấn đề mà các tân sinh viên cần lưu ý. Từng chứng kiến sự việc một nữ sinh bị sàm sỡ trên xe buýt, Lê Vũ Minh Ngọc, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, kể lại: "Thường ở các khung giờ sắp vào lớp hoặc tan trường thì xe buýt nhồi nhét rất đông. Do đó, việc bị kẻ xấu lợi dụng đụng chạm là khó tránh khỏi. Có lần mình chứng kiến cảnh một bạn nữ bị kẻ biến thái sàm sỡ trên xe buýt. Và bạn nữ đã rất can đảm, thay vì im lặng chịu đựng, bạn la lên và chỉ thẳng mặt kẻ biến thái kia. Nhờ vậy mà tài xế và tiếp viên lập tức đuổi kẻ biến thái đó xuống xe".‏

‏Tâm nói thêm: "Mình rất ngưỡng mộ cách xử lý của bạn nữ ấy. Đó là bài học cho tất cả các bạn nữ khi đi xe buýt. Nếu không may rơi vào trường hợp bị kẻ xấu sàm sỡ thì hãy mạnh dạn lên tiếng và phản kháng. Bên cạnh đó, khi sử dụng xe buýt, nếu các bạn nữ mặc váy, quần ngắn thì có thể dùng thêm váy chống nắng".‏

Những tình huống dở khóc dở cười

‏Bên cạnh việc đề phòng móc túi, quấy rối, tân sinh viên cũng cần "thủ sẵn" một số bí kíp để không rơi vào những tình huống dở khóc dở cười khi đi xe buýt.‏

‏Với kinh nghiệm đi xe buýt 3 năm nay, Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: "Trước khi lên xe buýt nên cầm sẵn thẻ sinh viên và tiền lẻ. Nếu có thẻ sinh viên thì 3.000 đồng (không có thẻ sinh viên là 7.000 đồng - PV). Vào giờ cao điểm xe buýt rất đông người. Đừng để tới lúc lên xe mới lục tìm thẻ sinh viên hay tiền lẻ thì rất bất tiện. Và không nên đưa tiền mệnh giá quá lớn như 100.000 đồng trở lên vào những lúc đông khách, vì có thể bị tiếp viên phàn nàn, khó chịu".

Cách để tân sinh viên tránh trở thành ‘con mồi’ khi đi xe buýt - Ảnh 3.

Nên chuẩn bị tiền lẻ khi đi xe buýt

THẢO PHƯƠNG

‏Theo Nguyễn Thị Vân Anh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhiều sinh viên năm nhất mới lên thành phố sẽ chưa quen với việc đi xe buýt. Vì thế thường rơi vào trường hợp không biết đi tuyến số mấy và phải xuống trạm nào để tới được trường. ‏

‏"Có lần mình ngồi luôn trên xe tới khi vào bến mới ngỡ ngàng. Sau này được bạn bè hướng dẫn nên mình tải ứng dụng Bus map để tra cứu các tuyến xe. Trên ứng dụng ấy còn hiển thị giờ xuất bến và tất cả các trạm… nên rất dễ dàng cho việc đi xe buýt. Hoặc nếu không biết xuống trạm nào thì hãy hỏi tiếp viên và nhờ nhắc mình xuống xe khi gần tới nơi", Vân Anh kể.

Cách để tân sinh viên tránh trở thành ‘con mồi’ khi đi xe buýt - Ảnh 4.

Giờ cao điểm xe buýt rất đông khách, tân sinh viên cần chú ý bảo quản tư trang cẩn thận

THẢO PHƯƠNG

‏Đặng Minh Huy, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: "Kinh nghiệm khi đi xe buýt của mình là muốn xuống trạm thì phải nhấn chuông trước, bởi xe không thể dừng đột ngột. Nếu nhấn chuông khi đã gần đến nơi muốn dừng thì có thể phải xuống ở trạm kế tiếp và đi bộ ngược lại".‏‏

‏Anh Lê Xuân Huy (38 tuổi), tài xế xe buýt tuyến số 72, chia sẻ: "Đã có rất nhiều vụ móc túi xảy ra trên xe buýt, vì thế tân sinh viên khi đi xe buýt nên đề cao cảnh giác. Tốt nhất là cho tất cả tài sản có giá trị vào túi, ba lô rồi ôm trước ngực, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong mọi tình huống. Khi xảy ra các vấn đề cần phải lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ của tài xế, tiếp viên và những hành khách trên xe".‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.