Coi chừng mua nhầm điện thoại sắp bị khai tử

30/03/2023 15:30 GMT+7

Dự kiến cuối năm nay, số lượng điện thoại sử dụng SIM 2G sẽ giảm mạnh xuống mức 5% và chính thức khai tử vào năm 2024. Tuy nhiên, nhiều sàn giao dịch điện tử hiện nay vẫn đang rao bán các loại điện thoại đời cũ này mà nếu không cẩn thận, người tiêu dùng sẽ dính bẫy.

Chính hãng ngừng bán, trên mạng tràn lan

Coi chừng mua nhầm điện thoại sắp bị khai tử  - Ảnh 1.

Nhiều loại điện thoại 3 chức năng "nghe, gọi, chọi" đang được rao bán tràn lan trên mạng dù sắp đến thời hạn bị khai tử

ĐINH ĐANG

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ cần gõ từ khóa "điện thoại nghe gọi" trên các trang tìm kiếm, lập tức hiển thị rất nhiều trang thương mại điện tử chào bán các loại điện thoại siêu rẻ với tính năng chính nghe gọi. Trong số này, hầu hết là các loại điện thoại đời cũ, tức dùng SIM 2G/3G. Với mức giá chỉ từ 45.000 đến 200.000 đồng, nhiều người mua đã bị đánh lừa vì ham rẻ.

Ông L.M.T, 64 tuổi, ngụ tại H.Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) kể: "Tôi mua điện thoại nghe gọi trên mạng, giá chỉ có 150.000 đồng, máy vẫn nghe gọi được, nhưng rất xấu, lại mau hết pin. Dù sao cũng để con cháu gọi nên tôi cũng không quan tâm lắm". Khi biết loại máy sử dụng SIM 2G này sẽ bị khai tử và trở thành "cục gạch" đúng nghĩa vào năm nay hoặc năm sau, ông T. tỏ vẻ ngạc nhiên và khá tiếc khi bỏ tiền ra mua.

Ông Nguyễn Huy, ngụ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) phản ảnh: "Tôi tìm trên các trang web, thấy có bán loại điện thoại 'cổ' dành cho nghe gọi chỉ có vài chục ngàn, tôi đặt mua và đến lúc giao hàng chỉ nhận được... cục pin, hoàn toàn vô dụng. Đây thực chất là một hình thức lừa đảo".

Theo số liệu thống kê, tính tới cuối năm 2021, Việt Nam đang có khoảng hơn 123 triệu thuê bao di động, trong đó số lượng thuê bao sử dụng smartphone chiếm 75%, con số tăng mạnh so với 60% tại thời điểm 2018. Ở chiều ngược lại, những loại điện thoại cơ bản chỉ hỗ trợ 2G/3G đã giảm mạnh khi chỉ còn chiếm 25%, tương đương với khoảng hơn 25 triệu máy.

Về thời điểm tắt sóng 2G, mới đây, Bộ TT-TT cho biết, dự kiến Việt Nam sẽ ngừng hỗ trợ 2G vào năm 2023. Các thiết bị thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam sẽ bắt buộc phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Đây được đánh giá là biện pháp mạnh để giảm nhanh lượng điện thoại chỉ hỗ trợ 2G/3G nhập về Việt Nam. Cùng với đó, Cục Tần số (Bộ TT-TT) cũng khẳng định không cấp lại tần số cho 2G khi giấy phép của các nhà mạng hết hạn vào năm 2024. Thế nên mua các loại điện thoại này ở thời điểm hiện tại là sự lãng phí lớn vì sắp bị khai tử. 

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện hệ thống thiết bị di động Thegioididong.com cho biết: "Hiện nay, tại các cửa hàng của Thegioididong.com vẫn đang cung cấp loại điện thoại có chức năng nghe, gọi dành cho những người hoài cổ, cho người lớn tuổi thích mẫu điện thoại đơn giản dễ sử dụng và tiết kiệm pin. Tuy nhiên, đây là loại sử dụng SIM 4G, giá bán từ 800.000 đến trên 1 triệu đồng/cái. Còn loại sử dụng SIM 2G/3G đã ngừng bán rồi. Các loại điện thoại giá rẻ quá cần phải cẩn thận, vì thời hạn sử dụng không còn nhiều, và tiền nào của đó. Lời khuyên dành cho người tiêu dùng là nên lựa chọn những thương hiệu, đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín để mua, nếu không rất dễ bị tiền mất, tật mang".

Đại diện truyền thông của hệ thống FPT Shop cũng thông tin: "Từ tháng 7.2022, các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị di động đã không được phép nhập về loại điện thoại 2G nữa và hiện nay FPT Shop cũng đã ngưng kinh doanh, phân phối mẫu điện thoại này. Các loại điện thoại siêu rẻ bán trên mạng cần phải thận trọng vì đó có thể chỉ là mô hình, hoặc điện thoại cũ đã qua sử dụng, và quan trọng hơn là SIM 2G sắp bị ngừng vĩnh viễn".

Dừng băng tần 2G trong năm nay

Coi chừng mua nhầm điện thoại sắp bị khai tử  - Ảnh 2.

Chính sách hiện nay đang chuyển sang dùng smartphone hoặc điện thoại băng tần 4G/5G để bảo mật tốt hơn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Việc dừng hỗ trợ mạng 2G không phải mới trên thế giới và cũng là giải pháp bắt buộc nếu muốn đẩy mạnh phổ cập 4G cũng như phát triển các công nghệ di động mới như 5G/6G.

Trên thực tế, việc thiếu băng tần để phát triển các mạng di động thế hệ mới luôn là bài toán nan giải của các nhà mạng từ nhiều năm nay. Điển hình là câu chuyện 4G chưa thực sự khai thác tối đa mà nguyên nhân một phần do phải dùng chung băng tần 1.800 MHz với 2G. Theo tính toán, nếu toàn bộ băng tần trên được sử dụng hoàn toàn cho 4G, tốc độ mạng sẽ tăng thêm 25% so với hiện tại.

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo và người có thu nhập thấp có khả năng tiếp cận smartphone hỗ trợ 4G trở lên, các nhà mạng Viettel, VNPT đã phối hợp với nhiều nhà sản xuất nhằm cho ra đời các mẫu điện thoại thông minh giá rẻ có giá từ 500.000 đồng - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi.

Không chỉ nằm ở câu chuyện băng tần và chất lượng mạng, từ nhiều năm nay, mạng 2G được xem là "miếng mồi ngon" đối với tội phạm viễn thông, đặc biệt tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Thông qua những lỗ hổng bảo mật trên mạng 2G, kẻ xấu có thể thực hiện phát tán số lượng tin nhắn rác lên tới 80.000 tin/ngày mà người dùng không cách nào ngăn chặn triệt để. Bên cạnh đó, việc giả mạo các cơ quan, ngân hàng… để thực hiện gửi tin nhắn giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng cũng rất dễ thực hiện thông qua việc khai thác mạng 2G.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, công nghệ 2G xuất hiện từ những năm 1990, do đó các tiêu chuẩn bảo mật cũng như mã hóa không được chú trọng. Hơn thế nữa, việc khai thác các lỗ hổng của 2G không hề phức tạp, chi phí lại thấp nên mạng này luôn được tin tặc tận dụng.

Cụ thể, tận dụng việc mã hóa yếu giữa trạm phát 2G và điện thoại của người dùng, tin tặc có thể tấn công bẻ khóa để thực hiện cuộc gọi đến, chặn cuộc gọi hoặc gửi tin nhắn SMS. Do trạm phát 2G không có tính xác thực với điện thoại nên bất kỳ ai cũng có thể tiến hành giả mạo các trạm này và người dùng cũng không có cách nào để phòng tránh triệt để. Tuy nhiên, đối với mạng 3G/4G/5G đã có cơ chế bảo mật để chống lại các phương thức tấn công tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.