Khi hoạt động thể lực, các cơ sẽ hoạt động nhiều nhất. Cơ là cỗ máy ít thân thiện môi trường nhất vì hiệu suất làm việc của cơ rất kém. Cơ chỉ có thể biến đổi 20-25% năng lượng được cung cấp thành công hoạt động. Phần còn lại sẽ thải ra dưới dạng nhiệt làm tăng sự sinh nhiệt trong cơ thể. Khi hoạt động trong môi trường nóng, cơ sẽ dễ bị chuột rút được gọi là chuột rút do nóng. Người ta nghĩ chuột rút do nóng có thể là do mất nước hay mất quá nhiều chất điện giải trong cơ thể. Nhưng trên thực tế chuột rút có thể xảy ra trước, trong hay sau khi hoạt động thể lực và không có nhiều bằng chứng chuột rút do nóng là do mất nước hay điện giải.
Khi nhiệt độ cơ thể lên tới trên 38 độ nhưng dưới 40OC được gọi là kiệt sức vì nóng với các triệu chứng nhịp tim nhanh, tụt huyết áp tư thế, buồn ói hay ói, nhức đầu, đau cơ, chóng mặt và có thể ngất.
Khi nhiệt độ lên trên 40OC chúng ta có tình trạng sốc nóng. Có hai dạng sốc nóng là sốc nóng kinh điển với biểu hiện tăng nhiệt độ cơ thể, mất tiết mồ hôi và thay đổi tri giác. Hai là sốc nóng do hoạt động thể lực mà nguyên nhân là do môi trường nóng cộng thêm tình trạng sinh nhiệt trong cơ thể làm khả năng thải nhiệt cơ thể quá tải. Loại sốc nóng này liên quan đến người làm lao động nặng hay các vận động viên thể thao. Sự khác nhau giữa hai dạng sốc nóng này là ở loại thứ hai khả năng tiết mồ hôi vẫn bình thường.
Phòng tránh say nắng
Phòng tránh say nắng là điều quan trọng nhất. Phòng ngừa bằng cách chỉ nên chơi thể thao vào buổi sáng sớm hay chiều tối khi nhiệt độ môi trường và độ ẩm giảm bớt. Độ ẩm cao làm mồ hôi không bay hơi được do vậy làm giảm cơ chế thải nhiệt quan trọng của cơ thể. Mặc quần áo coton làm mồ hôi dễ bay hơi. Uống nước trong thời gian thi đấu hay chơi thể thao với khoảng thời gian đều đặn, uống bất kỳ khi nào thấy khát. Nhiệt độ nước nên thấp hơn nhiệt độ môi trường (nhiệt độ nước uống từ 15-22OC). Nước nên có mùi thơm cho dễ uống, kích thích khẩu vị.
Đối với những môn chơi kéo dài hơn 1 giờ thì nên thêm loại nước uống có carbohydrate (4-8%) và điện giải (nước khoáng chẳng hạn). Tuy vậy việc cung cấp nước đầy đủ chưa hẳn đã loại trừ khả năng say nắng, vì người ta thấy việc cung cấp lượng nước đã mất cho các môn chơi kéo dài trên 60 phút làm ngăn ngừa sự suy giảm khả năng thực hiện bài tập mà không ngăn ngừa được say nắng hay sốc nóng ở những vận động viên đòi hỏi sức bền (như chạy đường dài, marathon, ba môn phối hợp...).
Một khi đã say nắng hay sốc nóng thì việc nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể là chìa khóa cho việc điều trị thành công. Giảm nhiệt cơ thể bằng cách đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi bớt quần áo, đặt các túi nước đá vào các vùng thải nhiệt nhiều như cổ, nách, háng. Có thể dùng các dung dịch bay hơi nhanh để xịt lên các vùng cơ thể làm tăng tốc độ thải nhiệt. Làm tăng sự đối lưu không khí bằng cách mở quạt. Nhanh chóng đưa nạn nhân vào các cơ sở y tế để điều trị.
Những cách thải nhiệt của cơ thể Có bốn cơ chế giải nhiệt cùng được sử dụng một lúc là cơ chế dẫn nhiệt trực tiếp (nhiệt được dẫn trực tiếp), cơ chế đối lưu (nhiệt được dẫn nhờ sự lưu thông khí quanh cơ thể), sự tỏa nhiệt (nhiệt được dẫn ra môi trường xung quanh) và sự bay hơi (nhiệt được dẫn đi nhờ sự bốc hơi nước qua da và đường thở). Cơ chế cuối cùng là cơ chế quan trọng của cơ thể trong việc làm giảm nhiệt cơ thể khi nhiệt độ môi trường lớn hơn 20OC. Như vậy có thể thấy việc cung cấp đủ nước để cơ thể bài tiết mồ hôi làm giảm nhiệt là rất quan trọng. Luyện tập trong môi trường thông khí tốt (có gió, có quạt, quần áo dễ thấm mồ hôi...) làm tăng sự thải nhiệt cơ thể. |
Theo BS Mai Anh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)