Bé trai P.T.G., 36 tháng tuổi, nhà ở Bình Dương, nhập viện vì ngón một (ngón cái) tay phải của bé tím đen sau phỏng điện. Các mạch máu nuôi ngón bị hư và tắc mạch khiến ngón tay đen dần và phải nhập viện cắt bỏ ngón, tạo thành một mỏm cụt.
Qua trường hợp này bác sĩ Lê Phước Tân, phó khoa bỏng - chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết phỏng điện là một trong các loại phỏng gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất vì đa số trường hợp đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cả xương ở những nơi điện đi qua.
Ngoài ra, dòng điện còn gây các tác động khác lên hệ tim mạch, thần kinh. Thêm vào đó, di chứng sau phỏng gây sẹo co rút, khủng hoảng tâm lý cho bé vẫn là vấn đề rất lớn và nan giải cho cả nhân viên y tế và gia đình.
Do đó, các bậc cha mẹ nên hết sức cẩn thận đề phòng phỏng do điện. Nên đặt trên cao hoặc che chắn kỹ các ổ cắm điện, đề phòng các dây điện lâu ngày tróc vỏ bọc. Các dụng cụ điện dù không ở tình trạng đang sử dụng nhưng không ngắt điện, các chuôi đèn để hở... đều tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ con.
Nếu không may trẻ bị phỏng, người nhà cần bình tĩnh, không la hét làm bé hoảng sợ thêm mà cần rửa hoặc ngâm vết phỏng của bé vào nước lạnh 10-15 phút. Nếu phỏng do hóa chất nên rửa dưới vòi nước sạch chảy nhẹ để làm trôi bớt và làm loãng lượng hóa chất trên da.
Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm, rượu trắng hay các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc vào vết phỏng, vì sẽ gây kích ứng vùng da phỏng đang bị tổn thương và làm vết phỏng nặng hơn.
Đối với các vết phỏng nhẹ và nông độ 1, 2 sau khi ngâm rửa nước sạch người nhà có thể thoa các loại pomade dùng trong phỏng hiện có trên thị trường như dầu mù u, Biafine, Silverin, sau đó băng lại với gạc sạch để giúp vết phỏng mau lành.
Nếu bé quá đau đớn có thể cho bé uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt dược Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều 10-15 mg/kg trước khi đưa đi bệnh viện. Đối với các vết phỏng độ 2 sâu, độ 3,4 thì bắt buộc phải nhập viện để nhân viên y tế điều trị.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)