Không nên chủ quan
Trung tâm Chống độc (TTCĐ) Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội vừa tiếp nhận điều trị cho hai bệnh nhân bị ong đốt trong tình trạng nhiễm độc nặng. Bệnh nhân T.V.V (45 tuổi) và G.V.Đ (47 tuổi) bị ong đốt vì đụng phải tổ ong khi làm vườn. Cả hai nhập viện trong tình trạng không tiểu được, suy thận, do bị quá nhiều vết ong đốt.
Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc TTCĐ Bệnh viện Bạch Mai: “Mỗi năm, trung tâm tiếp nhận mấy chục trường hợp nhập viện do ong đốt trong tình trạng nặng. Các nạn nhân của ong đến từ nhiều tỉnh thành: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Ngay cả Hà Nội, nơi rất ít nguy cơ bị ong đốt cũng có bệnh nhân phải nhập viện, thậm chí có ca nhiễm độc gây suy thận”.
TS Phạm Duệ lưu ý, chỉ cần ong đốt 10 mũi trở lên đã rơi vào tình trạng nặng, có thể bị tử vong. Nghiên cứu tại TTCĐ của Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, ong đốt có thể gây bệnh cảnh nguy hiểm, trong đó gây sốc phản vệ. Đây là phản ứng rất mạnh của cơ thể. Vì vậy, có thể chỉ 1-2 nốt ong đốt cũng dẫn đến tử vong. Đặc biệt, nếu bị ong đốt vào các vùng hiểm như vùng họng có thể gây phù vòm họng, khó thở thanh quản cấp dẫn đến tử vong nhanh. Thông thường với trên 10 nốt ong đốt, bệnh nhân đã có thể bị nhiễm độc nặng (bị tan máu, vàng da, thiếu máu cấp, tiêu cơ vân dẫn đến suy thận cấp).
Cần giải độc sớm
Theo TS Phạm Duệ, trong các trường hợp suy thận do ngộ độc thì ong đốt là gây suy thận nặng nề nhất. Bệnh nhân bị ong đốt có thể vô niệu kéo dài đến 20-30 ngày và cần điều trị rất tích cực để thận ổn định trở lại. Trong khi đó, ở bệnh nhân ngộ độc mật cá trắm, cũng là loại ngộ độc nguy hiểm, nhưng thời gian này ngắn hơn, sau khoảng 10-15 ngày. Số bệnh nhân nhập viện nặng do ong đốt hằng năm chiếm số lượng khá lớn trong những ca ngộ độc do sinh vật gây nên. Mức độ nguy hiểm do ong đốt chỉ đứng sau ngộ độc do rắn cắn. Sai lầm nhất của người bệnh là đôi khi chủ quan, không biết được hết sự nguy hại do nọc ong nên điều trị muộn.
Trong khi đó, việc điều trị sớm, đúng phương pháp sẽ giảm rất nhiều các biến chứng nặng do nhiễm độc từ nọc ong. Xử lý sớm hoàn toàn có thể tránh được các biến chứng nặng do nọc ong gây nên. Trước hết cần uống nhiều nước. Với những người bị từ 10 con ong đốt trở lên, nhất là các loại ong vàng, ong vò vẽ (khoanh vàng khoanh đen), ong bắp cày và ong đất. Trường hợp này cần đến bệnh viện để được điều trị ngay, để giúp cho nọc độc của ong được đào thải qua nước tiểu. Thông thường, những bệnh nhân được xử lý sớm, thời gian điều trị tại trung tâm chỉ trong vòng 1-2 ngày và không bị biến chứng nặng. Nhưng nếu đến chậm, việc điều trị có thể phải kéo dài, rất tốn kém và rất lâu hồi phục.
Liên Châu
Bình luận (0)