Cội rễ: Di sản cồn cào trong mỗi chúng ta

Tuấn Duy
Tuấn Duy
05/10/2024 05:59 GMT+7

Qua hơn 900 trang sách của Cội rễ (Hải Đăng Books và NXB Văn học ấn hành), tác giả Alex Haley truyền tải thông điệp: Không câu chuyện nào trên cuộc đời này là nhỏ bé cả.

Khi ra mắt vào năm 1976, Cội rễ đã trở thành một dấu ấn lớn không thể phai nhòa đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi nói riêng và toàn thế giới nói chung. Tác phẩm được trao giải Pulitzer ở hạng mục Trích dẫn đặc biệt cũng như giải Sách quốc gia Mỹ một năm sau đó. Cội rễ nổi tiếng đến mức series phim truyền hình cùng tên được gấp rút sản xuất trong năm 1977 và có thời điểm còn vượt qua cả Cuốn theo chiều gió về kỷ lục người xem. Tại VN, năm 1985 dịch giả Dương Tường đã giới thiệu sách với bạn đọc cả nước và kể từ đó tác phẩm vẫn gây được nhiều ấn tượng với đông đảo độc giả.

Cội rễ: Di sản cồn cào trong mỗi chúng ta- Ảnh 1.

Bìa sách Cội rễ

ẢNH: Hải Đăng Books

Hành trình tìm về đất mẹ

Cuốn sách xoay quanh câu chuyện của Kunta Kinte, thành viên bộ tộc Mandinka ở Gambia (châu Phi) vào thế kỷ 18. Khi người da trắng đặt chân đến đây, Kunta bị bắt và bán sang Mỹ làm nô lệ. Với tính kiên cường, anh đã bỏ trốn đến tận 4 lần khỏi một điền trang trồng bông khắc nghiệt để rồi bị chặt một chân trong lần chạy trốn sau cùng. Thương tình, bác sĩ Waller mua anh về và giao cho công việc đánh xe. Tại đây, anh nên duyên với chị giúp việc Bell, từ đó bắt đầu hành trình hơn 2 thế kỷ của 7 thế hệ gia tộc Kinte mà Alex Haley là một trong số đó. Suốt 200 năm có những thay đổi về thời thế, nhưng điều quan trọng là sợi dây nguồn cội đã không đứt lìa.

Alex Haley mất đến 12 năm để truy ngọn nguồn về 7 thế hệ trước đó của gia tộc mình. Có thể coi đây là một tác phẩm bán hư cấu của gia đình ông, khi tên nhân vật cũng như tình tiết bám rất sát tư liệu còn lưu lại cũng như thông qua lời kể của những "griot" - "sử gia" địa phương. Từ nước Mỹ xa xôi, Haley đến Gambia, vào lại ngôi làng Juffure mà Kunta từng sinh sống những ngày thơ ấu. Ông cũng thử thách bản thân sống trong căn hầm của tàu Ngôi sao châu Phi để tự trải nghiệm những gì mà cụ kỵ mình từng phải trải qua trên hành trình đến Mỹ... Vì thế, Cội rễ có sức thuyết phục từ chính lịch sử đã được ghi nhớ, từ trải nghiệm riêng của tác giả cũng như từ những tư liệu mô tả lối sống, văn hóa... vô cùng đa dạng.

Cội rễ: Di sản cồn cào trong mỗi chúng ta- Ảnh 2.

Tác giả Alex Haley

ẢNH: Britannica

Thế nhưng không thể phủ nhận khả năng sáng tạo uyển chuyển của Haley trong việc thổi hồn cho các nhân vật. Như ông chia sẻ: "Vì phần lớn câu chuyện diễn ra lúc tôi vẫn chưa ra đời, nên hầu hết hội thoại và những tình tiết tất nhiên là một sự hỗn hống giữa những gì tôi biết là đã xảy ra với những gì mà quá trình nghiên cứu cho phép tôi cảm thấy rằng nhất định phải xảy ra". Trong bài giới thiệu cho tác phẩm này, Haley tiết lộ những năm tháng chấp bút ông luôn cảm thấy có sự hiện diện của tổ tiên như một sự kết nối về mặt tâm linh giúp ông tiến tới và không bỏ cuộc. Đó là mong ước kể câu chuyện của một cộng đồng đã bị cưỡng bức và bị xóa đi lịch sử của mình mỗi khi nhìn lại bởi người da trắng, do đó đây như một sự giải thiêng hay là hành động giành lại tiếng nói, chứng minh rằng câu chuyện của ai cũng có sức mạnh.

Cội nguồn âm ỉ

Mục đích nói trên thể hiện rất rõ khi tận 1/3 cuốn sách xoáy sâu vào lúc Kunte vẫn còn là một đứa trẻ và lớn dần lên trong làng. Bằng các tư liệu văn hóa - xã hội, Haley đã tái dựng rất nhiều chi tiết một cách cụ thể như thức ăn, nghi lễ hội làng, cách đặt tên con cái... hay cấu trúc gia đình cũng như công cuộc đấu tranh chống người da trắng... Có thể nói Haley đã hư cấu hóa vô cùng những đặc điểm này, khiến các nhân vật trở nên sinh động, hấp dẫn, qua đó văn hóa Phi châu cũng hiện ra một cách đa sắc. Giai đoạn Kunta bị bắt và lênh đênh trên biển cũng khiến độc giả không ngừng lật trang, cho thấy khả năng kể chuyện cuốn hút của tác giả.

Phần còn lại dành cho giai đoạn khi họ sinh sống trong những đồn điền trồng bông. Tại đây quan hệ giữa chủ đồn điền và nô lệ, giữa người da trắng và người châu Phi, giữa người da trắng thượng lưu và giới mới nổi, giữa người châu Phi với những người lai... đã được tái hiện một cách đặc biệt. Dễ thấy Haley minh định rất rõ thái độ công bằng khi không cảm tính, quy chụp, bởi người da trắng theo lối ông viết cũng có người tốt trong khi không phải người da màu nào thì cũng thiện lành. Xen kẽ cùng đó tác giả nhắc đến bối cảnh của các sự kiện quan trọng trong quá trình bãi nô, từ Đại hội lục địa, cuộc xô xát Boston... cho đến cuộc nổi dậy của nô lệ Haiti, nhóm những người Quaker cấp tiến hay tuyến hỏa xa ngầm... Qua đó câu chuyện của một dòng họ đã hợp lưu trở thành câu chuyện của một cộng đồng, là trải nghiệm chung của rất nhiều người.

Điểm ấn tượng nhất trong cuốn tiểu thuyết là Kunte luôn luôn trân trọng những ký ức cũ từ nơi đất mẹ, từ đó trao truyền lại cho con gái và rồi những thế hệ sau luôn được nhắc nhớ rằng mình là ai, rằng dòng họ mình đến từ nơi đâu cũng như tiếng Madinka có phần ít ỏi mà họ còn nhớ để chỉ con sông, cây đàn... vang vọng ra sao. Ra đời đúng 200 trăm sau khi nước Mỹ tuyên bố độc lập, có thể nói Cội rễ đã trao gửi bài học quý giá về cội nguồn thiêng liêng cũng như phơi bày sức mạnh lớn lao, không ngừng hướng đến những điều tốt đẹp của chính con người dù trong cảnh huống vô cùng tối tăm.

Alex Haley (1921 - 1992) sinh ra tại thành phố Ithaca, New York, Mỹ. Ông từng có 20 năm làm việc trong lực lượng cảnh sát biển. Sau khi giải ngũ, Haley bắt đầu theo đuổi nghề viết và trở thành Tổng biên tập của tờ Reader's Digest. Vào năm 1965, Tự truyện Malcolm X là cuốn sách đầu tiên của ông được xuất bản và thành công vang dội. Cội rễ tính đến nay vẫn là tác phẩm nổi bật nhất của ông, được dịch ra 37 ngôn ngữ và đoạt nhiều giải thưởng lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.