Tiểu thuyết lịch sử 'Cầm Thư quán': Hư - thực giữa 2 bờ mộng mị

Tuấn Duy
Tuấn Duy
23/07/2024 14:15 GMT+7

Sau gần 16 năm từ khi ra mắt, tiểu thuyết lịch sử 'Cầm Thư quán' của tác giả Hà Thủy Nguyên đã trở lại với đông đảo bạn đọc dưới sự ấn hành của NXB Phụ nữ Việt Nam.

Trong những năm qua, Hà Thủy Nguyên - tác giả của Cầm Thư quán - là cái tên được nhiều người yêu sách biết đến với cương vị là biên tập viên cũng như dịch giả cho thương hiệu Book Hunter hơn là một tác giả sách. Song trong quá trình đến với văn chương dày dặn của mình, cô cũng có nhiều tác phẩm ấn tượng và gây xôn xao văn đàn.

Có thể kể đến nhiều tác phẩm ở nhiều đề tài, viết cho đa dạng độc giả như tiểu thuyết khoa học viễn tưởng dành cho thiếu nhi Thiên mã, tập truyện ngắn huyền ảo Bên kia cánh cửa, tập thơ Mùa dã cổ và các tiểu thuyết có tính lịch sử như Điệu nhạc trần gian, Thiên địa phong trần...

Tiểu thuyết lịch sử 'Cầm Thư quán': Hư - thực giữa 2 bờ mộng mị- Ảnh 1.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tác giả Hà Thủy Nguyên và nhà văn Đức Anh trong buổi tọa đàm ra mắt sách gần đây

NXB

Bên cạnh những tác phẩm trên, thì Cầm Thư quán được cô viết năm 19 tuổi trong vòng 3 tháng, từ tháng 8.2005 đến tháng 11.2005 là tác phẩm nổi tiếng và quen thuộc nhất với bạn đọc trong nước. Lấy bối cảnh lịch sử vào thế kỷ 15 dưới thời vua Lê Thánh Tông, đây là một cuốn tiểu thuyết vừa phiêu diêu, tuyệt mỹ, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều suy ngẫm nhân sinh.

Tác phẩm xoay quanh hai chị em Ngọc Thư, Ngọc Cầm – những người tài sắc vẹn toàn, sinh sống tại Cầm Thư quán. Trong khi cô chị được hưởng kho sách đồ sộ cùng với vốn văn, bản tính đằm thắm thì cô em Ngọc Cầm lại được trao truyền khúc hát Hải du có thể làm say đắm biết bao tâm tư còn đang biến động.

Vào một ngày nọ, khi đang phê duyệt tấu chương, vua Lê Thánh Tông tình cờ nghe thấy tiếng đàn tỳ bà tấu khúc Hải du nhưng không thể biết nó đến từ đâu. Trong lần tái ngộ vô tình vợ chồng Ngô Chi Lan, Phù Thúc Hoành bên hồ Dâm Đàm, vua đã được gặp hai chị em này, và biết tiếng đàn đến từ nơi đây.

Nhưng cũng từ đây bi kịch bắt đầu, khi các nhân vật không thể có được điều mình hằng muốn, giữa những vòng xoáy của vật chất, tiền tài, địa vị và danh vọng. Tuy khoác lên mình lớp áo lịch sử, thế nhưng tác giả đã kể được một cốt truyện mà bất kỳ ai cũng từng gặp phải.

Điểm nổi bật đầu tiên là cuốn sách được viết theo lối duy mỹ với nhiều hình tượng cũng như ẩn dụ vô cùng nên thơ, nhưng cũng không kém phần bí ẩn. Đó có thể là nơi thủy đình ở giữa hồ sen hai chị em ở, với sương, với khói... u uẩn bao quanh, nhưng cũng có thể là bí ẩn rất khó chạm vào, bởi tiếng tỳ bà vang lên giữa đêm chuỗi ngọc trai đứt rơi từng hạt xuống nền đá hoa cương, cùng sự quyến dụ như là hồ ly kiếp nào có lần hóa thân...

Tiểu thuyết lịch sử 'Cầm Thư quán': Hư - thực giữa 2 bờ mộng mị- Ảnh 2.

Cầm Thư quán kết hợp nhuần nhuyễn nhiều khía cạnh về đề tài cũng như nghệ thuật viết

NXB

Về mặt nội dung, Hà Thủy Nguyên đã làm rõ được sự xung đột giữa những giáo lý Nho giáo với khao khát tự do và đeo đuổi chân mỹ được ký thác qua Đạo gia, Thiền tông và thú vui tài tử. Ta có thể thấy điều đó ở chi tiết bậc thánh thượng tuy đứng đầu muôn quân, có thể đánh thắng quân Chiêm, nhưng vẫn cô độc khi không thể có được người mình say đắm như ngài thở than: "Ta có thể có cả thiên hạ trên tay… Ta có thể đứng trên đỉnh cao phóng tầm mắt khắp cõi giang sơn… Ấy thế mà, ta không thể nắm giữ được điều ta muốn, ta không thể thấu rõ được điều cần thấu rõ, là do đâu… là vì đâu…".

Đó chính là do những lễ nghi cứng nhắc tam tòng, tứ đức, ngũ thường của Nho giáo, từ đó làm nên hoài nghi của Ngọc Thư, Ngọc Cầm dành cho một người đã có mọi thứ trong tay. Họ không biết được rằng tình cảm ấy chỉ là thoáng qua để rồi sẽ mãi giam họ trong tam cung lục viện, hay là tình cảm thật sự chân thành đi theo tiếng đàn, tiếng hát... Rồi đến lượt họ, họ cũng trông chờ vào một ảo ảnh đâu đó ngoài kia, nhưng không có gì là chắc chắn cả.

Hai người thiếu nữ, có thể nói, là đại diện cho những tư tưởng mới, những người thà chết nghèo, chết khổ nhưng được tự do hơn là sống trong giàu sang mà mãi mòn mỏi chốn lãnh cung. Họ cũng hài lòng với sự kết thúc cùng mối tình câm, mà không mơ tưởng đến phương án sống nhưng đầy giả tạo... Dù là quân vương hay nữ nhi thường tình, đó chính là những khát khao mà bất cứ ai cũng mang theo mình trong cuộc đời này.

Bên cạnh những sáng tạo văn chương, trong tác phẩm này, Hà Thủy Nguyên cũng mang vào đó nhiều bài thơ tiếng Nôm, tiếng Hán của Lê Thánh Tông, của Nguyễn Trãi... do chính mình dịch như cuộc "tụ hợp" của nhiều dòng chảy thú vị. Cô cũng sử dụng rất nhiều đoạn văn trong Nam Hoa Kinh, từ đó nói về ước muốn phiêu diêu, tự do tự tại giữa trời đất này như loài cá côn ở vùng biển bắc hay loài chim bằng rời sang bể nam...

Không dừng ở đó, mạch truyện với nhiều nút thắt cũng như bi kịch được cô sáng tạo, mang đến không ít bất ngờ cho người đọc sách. Có thể nói Cầm Thư quán là tác phẩm ít ỏi kết hợp được không khí cổ văn trong bối cảnh lịch sử cùng cách viết hiện đại, phá cách, cuốn hút người đọc không ngừng. Và cũng có thể chính vì lẽ đó, mà sau 2 thập kỷ, cuốn tiểu thuyết này vẫn còn nguyên giá trị tinh thần dẫu nhiều biến động đã qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.