Nữ nhi trong tiểu thuyết lịch sử

27/04/2023 11:51 GMT+7

Sau buổi trò chuyện tại Hà Nội và Huế, mới đây nhà văn Trần Thùy Mai đã có buổi gặp gỡ độc giả TP.HCM nhân dịp ra mắt bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân. Dịp trò chuyện này, bà đã chia sẻ nhiều hơn về hình tượng người phụ nữ, cũng như rất nhiều câu chuyện xoay quanh bộ đôi tiểu thuyết của mình.

Đồng hành cùng bà trong cuộc trò chuyện là sự góp mặt của các chuyên gia và nhà nghiên cứu nổi tiếng trong nước. Một trong số đó là nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyên, người đã dịch thuật cũng như giới thiệu tác phẩm Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn từ học giả Mỹ George Dutton. Ngoài ra thì TS.Phan Thu Vân – giảng viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM cũng đã mang đến phân tích thú vị về các tác phẩm dưới góc nhìn về nhân tính và dân tộc tính.

Nữ nhi trong tiểu thuyết lịch sử - Ảnh 1.

“Lịch sử cho ta biết người ta đã làm gì, trong khi tiểu thuyết lịch sử thì cho ta biết người ta thấy như thế nào”, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ

NXB

Cơ duyên với tiểu thuyết lịch sử

Là một trong những cây bút viết truyện ngắn ấn tượng của văn đàn Việt Nam, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ trước đây khi còn trẻ, lúc còn viết truyện ngắn, chủ yếu là bà thích gì viết đó, nhưng tình cờ là những câu chuyện về tình yêu được độc giả yêu thích. Và bởi tình yêu là một đề tài rất lớn của con người, nên được người đọc yêu thích thì bà cũng rất hạnh phúc.

Khi xa quê hương, sinh sống tại San Francisco, Mỹ, bằng một nỗi hoài hương, bà đã tìm về cùng với lịch sử. Bởi khi là người Việt Nam, ta đi đâu cũng sẽ gắn liền với những năm tháng oanh liệt của cha ông mình. Điều này cũng được hình thành trong 15 năm công tác ở Nhà xuất bản Thuận Hóa, khi bà đã đọc cũng như biên tập những bộ sử lớn như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện… Từ đó vô tình được tiếp xúc với các yếu tố sử liệu.

Cái khó nhất cho những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử là viết câu chuyện mà ai cũng biết kết cục, do vậy người viết phải có những nghiên cứu sâu cũng như các kiến giải mới.

Nhà văn Trần Thùy Mai cũng chia sẻ rằng trong giai đoạn đó, khi đọc sử sách, bà thấy hiện ra nhiều điều cần phải suy ngẫm, cũng như đặt ra câu hỏi là liệu những dữ kiện ấy có đúng hay không? Từ đó nó đã trở thành nền móng cho sự rẽ hướng của bản thân. Bà cũng thừa nhận rằng “cái khó nhất cho những tác giả viết tiểu thuyết lịch sử là viết câu chuyện mà ai cũng biết kết cục, do vậy người viết phải có những nghiên cứu sâu cũng như các kiến giải mới".

Khi được hỏi có phải vì được sinh ra cũng như trưởng thành ở Huế mà bà chủ yếu viết về vương triều nhà Nguyễn hay không, bà chia sẻ rằng con người không thể tách rời cái nôi mà mình sinh ra, nhưng cũng không phải vì là người Huế mà bà viết về lịch sử.

Thôi thúc viết ra của bà bởi Huế là kinh đô của nước ta thế kỷ 18 – 19, cho nên câu chuyện ở Huế chính là câu chuyện của cả dân tộc. Ví dụ biến cố thất thủ kinh đô giờ đây vẫn là một sự kiện chung của người dân Huế vào ngày 23.5 hằng năm, khi họ vẫn còn cúng kiếng dọc bên bờ sông. Nó cũng đánh dấu ngày dân tộc ta mất chủ quyền vào tay quân Pháp.

Nữ nhi trong tiểu thuyết lịch sử - Ảnh 3.

Nhà văn Trần Thùy Mai (áo trắng) cho rằng tiểu thuyết lịch sử gồm có 2 phần: bộ khung lịch sử và sự sáng tạo giữa những khoảng trống

NXB

Lịch sử hay tiểu thuyết?

Đây là vấn đề cũng được khán giả và các độc giả quan tâm tại buổi chia sẻ. Theo đó, nhà nghiên cứu Lê Nguyên cho rằng, dù là tiểu thuyết lịch sử thì các tác phẩm vẫn luôn đòi hỏi 3 trụ cột chính là tính chính xác, tính trung thực và tính khách quan. Vậy liệu có ranh giới nào giữa hai thể loại? Theo ông, giữa những sự kiện lịch sử khác nhau, bao giờ cũng có khoảng trống chưa được ghi chép và đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà văn sử dụng kỹ thuật hư cấu, từ đó giúp cho những sự chuyển biến lịch sử được mượt mà hơn.

Nhà văn Trần Thùy Mai cũng cho rằng tiểu thuyết lịch sử gồm có 2 phần: bộ khung lịch sử và sự sáng tạo giữa những khoảng trống. Theo đó bộ khung phải thật cố định, và ta không thể làm khác đi diễn biến sử kiện hoặc là tính cách nhân vật. Nhưng trong chính những “khoảng cách” và những “khoảng trống” thì các nhà văn cũng có cơ hội để sáng tạo thêm.

Lịch sử cho ta biết người ta đã làm gì, trong khi tiểu thuyết lịch sử thì cho ta biết người ta thấy như thế nào.

Bà chia sẻ rằng trong quá trình viết, mình chủ yếu dựa vào bộ Đại Nam Thực Lục để đi theo dòng tuyến tính của các sử kiện. Đây là bộ sách chi tiết và rất đầy đủ về triều Nguyễn, nhưng quan trọng hơn là các sử quan ở giai đoạn này cũng rất khách quan, đứng riêng độc lập mà không tự mình bẻ cong ngòi bút. Ngoài ra bà cũng bổ sung vào các dữ kiện ở Đại Nam Liệt Truyện trong chi tiết cuộc đời của các vị quan như Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản…

Còn về cung cách sinh hoạt của giai đoạn đó, bà chủ yếu dùng Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, cũng như các tác phẩm riêng được viết bởi người Pháp. Bên cạnh điều đó, bà cũng kết hợp kho tàng dân gian trong những giai thoại, truyện kể dân gian… về Từ Dụ Thái Hậu hay Tôn Thất Thuyết, từ đó tạo ra những bổ sung thú vị chưa được ghi lại ở trong sử sách. Bà cũng xác định giai thoại có thể không thật chính xác, nhưng nó cũng đã góp phần giúp cho tiểu thuyết thêm phần hấp dẫn.

Ngoài ra trận chiến ở Đồn Kỳ Hòa, hay các vấn đề An Nam và Pháp – bạn hay thù?... cũng được bà khai thác thêm trong các sử liệu được nhà chép sử nước ngoài ghi lại. Nói về khoảng cách giữa hai thể loại, nhà văn Trần Thùy Mai nói rằng: “Lịch sử cho ta biết người ta đã làm gì, trong khi tiểu thuyết lịch sử thì cho ta biết người ta thấy như thế nào”.

Nữ nhi trong tiểu thuyết lịch sử - Ảnh 5.

Nhà văn Trần Thùy Mai giao lưu với độc giả tại Huế

NSCC

Vai trò của phụ nữ

Theo nhà văn Trần Thùy Mai, nhân vật của các tiểu thuyết và phim lịch sử phần đông vẫn là nữ giới. Bởi lẽ trong lĩnh vực này, thì “người nam làm nên lịch sử”, nhưng khi phụ nữ xuất hiện thì câu chuyện nghệ thuật mang tính lịch sử mới được ra đời.

Ta có thể thấy điều đó ở những Ỷ Lan Thái Phi, Dương Vân Nga… Họ chính là những nhân tố nổi trội để sử thành truyện, thành phim và thành kịch bản. Như âm – dương xoay vần, khi có sự kết hợp đó thì mới các câu chuyện mới thú vị hơn, còn trong giai đoạn chỉ toàn nam, thì đó là những sử liệu được dùng để học.

Như một câu nói của một tiểu thuyết gia lịch sử nổi tiếng: “Khi tôi đọc là tôi giải trí, khi tôi giải trí là tôi học nhiều nhất”, do đó trong bộ Từ Dụ Thái Hậu, nhà văn Trần Thùy Mai cũng có ý định như vậy khi chấp bút. Từ đó bà đã tìm ra được sự hòa hợp giữa hậu cung – thế giới phụ nữ, và triều chính – thế giới đàn ông. Và cũng bởi thế mà đã tạo ra rất nhiều chi tiết thú vị, ít người biết.

TS.Phan Thu Vân cũng đồng ý rằng những nhà văn nam thường sẽ tập trung hơn vào các vấn đề thịnh - suy triều đại, đúng – sai, chính nghĩa – phi nghĩa… đặt chủ yếu vào các xung đột tư tưởng, giữa Nho giáo và Phật giáo, phương Đông và phương Tây… Trong khi với Trần Thùy Mai, bà đã đặt ra các vấn đề khác hẳn so với những người đi trước, khi cái nổi bật lên chính là cảm xúc và những cách ngăn về mặt thế hệ.

Bà Vân cũng chia sẻ thêm, khi chọn đối tượng là triều Nguyễn, thì chính vì lịch sử quá nhiều biến động, nên nó sẽ luôn thôi thúc phải tìm hiểu thêm. Mỗi triều vua có các đặc tính khác nhau, mà còn có những sự tiếp nhận khác nhau, ảnh hưởng đến cả triều đại sau này. Chỉ cần một cái chớp mắt, thì một triều vua thoáng chút đã qua. Do đó nhà văn Trần Thùy Mai rất lưu ý sáng tạo nên các nhân vật trẻ em, từ đó cho thấy chúng ta như chỉ mới sinh ra, và là một thân phận nhỏ trong dòng lịch sử.

Và liệu có hay không một lựa chọn khác cho dân tộc mình qua các tiểu thuyết? Đi từ nhân tính trong các thân phận và các mảnh đời ở trong tiểu thuyết, ta cũng dễ thấy nó dần biến chuyển thành dân tộc tính, khi mà số phận của các nhân vật cũng đã dẫn dắt theo chính sự nổi trội của một thời đoạn. Và đó cũng là vai trò chính yếu của các tiểu thuyết lịch sử, khi từ số phận cũng như thân phận của các nhân vật, mà sự biến động của một vương triều và một thời đoạn sẽ được hiện ra vô cùng sống động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.