Tính nữ độc đáo
Từng được biết đến là cây bút văn xuôi nữ hàng đầu thời hậu chiến, mối quan tâm hướng về phụ nữ và những góc nhìn đậm đặc nữ tính vẫn luôn xuất hiện trong văn chương của Trần Thùy Mai. Từ tập truyện ngắn nổi tiếng Thương nhớ hoàng lan đến tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu, ta thấy dù có là ai, là người thị thành hay ở nông thôn, sống đời hiện đại hay từ quá khứ, có chức có quyền hay phải bán mình… thì những nhân vật của Trần Thùy Mai vẫn trường tồn một niềm khát sống và tận hưởng riêng mình.
Nếu như tác phẩm trước được viết vào thời hưng thịnh của triều Nguyễn từ thời Gia Long cho đến đầu thời Tự Đức, thì Công chúa Đồng Xuân khai thác 40 năm sau đầy biến động từ năm 1850 đến 1890 gắn liền hai sự kiện lớn: Thất thủ kinh đô và Tứ nguyệt tam vương (Bốn tháng ba vua). Nhân vật trong tiểu thuyết này cũng có khác biệt về câu chuyện riêng, khi một người đứng trên đỉnh cao tột bậc, người còn lại chịu cảnh hàm oan với vụ loạn luân chấn động lịch sử.
Theo đó Công chúa Đồng Xuân nói về nhân vật Nguyễn Phúc Gia Phúc, con gái út của vua Thiệu Trị, được Thái hậu Từ Dụ coi như con ruột. Sinh thời cá tính và đầy nổi loạn, nàng được gả cho gia tộc Nguyễn Tri, nhưng không hề biết chính những sóng gió của dòng lịch sử rồi sẽ nhấn chìm và khuấy đục mình. Khi các tỉnh miền Nam của đất nước dần bị mất vào tay quân Pháp, thổ phỉ phía bắc thay nhau hoành hành… cũng chính là lúc các quan cận thần có dịp trỗi dậy mà không ai khác là Nguyễn Văn Trường và Tôn Thất Thuyết. Chính việc có mối hiềm nghi với Gia Hưng Công Nguyễn Phúc Hồng Hưu, anh ruột của vị công chúa, mà câu chuyện này đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác biệt.
Thật ra bối cảnh của Công chúa Đồng Xuân không hề xa lạ, khi hơn 2 thập kỷ trước nhà văn Trần Thùy Mai đã từng viết về giai đoạn này trong truyện ngắn Thể Cúc thuộc tập Thương nhớ hoàng lan. Khi đó theo sử triều Nguyễn, bà coi Đoàn Trưng - người cầm đầu “Giặc Chày Vôi” được ghi chép trong mục “Bạn nghịch” của Đại Nam liệt truyện, theo phía phản nghịch. Thế nhưng theo các sử gia sau năm 1945, thì người họ Đoàn lại là anh hùng khi muốn lật đổ vua Tự Đức để quyết liệt đánh Tây.
Do vậy khi viết Công chúa Đồng Xuân, bà đã mô tả lại nhân vật này như một trí thức Việt giữa thế kỷ 19 có những ưu điểm và cả những mặt hạn chế. Bà chia sẻ rằng, “đây là cách nhìn gần với sự thật nhất”, nhưng dù ông có là ai, thì số phận bi đát của vị phu nhân Thể Cúc - con gái của Tùng Thiện Công “cũng không thay đổi”. Và không chỉ có Thể Cúc, những Đoàn Châu, Cúc Tần… trong tiểu thuyết này dù có là thực hay là hư cấu, thì họ cũng thật mạnh mẽ để là chính mình trong một thời đại quá nhiều biến động.
QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC LÂU DÀI
Không chỉ có vụ “lật lại lịch sử” như đã nói trên, Công chúa Đồng Xuân cũng có rất nhiều thay đổi so với những gì ta thường được nghe. Nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ rằng khi còn làm công tác giảng dạy môn Văn học dân gian ở Đại học Sư phạm Huế, bà đã dành ra đến tận 10 năm sưu tầm folklore Bình Trị Thiên và nhận thấy Từ Dụ Thái Hậu, Tôn Thất Thuyết chính là hai nhân vật để lại ấn tượng mạnh nhất trong ký ức dân gian của thời đó.
Về sau, khi chuyển sang làm ở Nhà xuất bản Thuận Hóa, bà lại được giao đọc bản dịch một số bộ sử lớn của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam hội điển sự lệ. Do đó vào năm 2019 bà đã dành hẳn một năm để sắp xếp lại các sự kiện và nhân vật trước khi khởi bút viết bộ tiểu thuyết. Lựa chọn một nhân vật chính có thể không quá phổ biến trong lịch sử Việt, thế nhưng bà bật mí rằng bản thân khi viết là không ngần ngại, vì “mỗi cá nhân đều có thể là nhân vật chính cho câu chuyện về đời mình, và về thời đại mình đang sống”.
Điểm đặc biệt của tác phẩm này đó là từ một nhân vật tưởng như không quá chủ chốt, mà nhiều sự kiện và những con người cùng thời đại đó đã được lần giở theo những cột mốc trong đời Đồng Xuân, từ khi còn là nàng công chúa nhỏ bướng bỉnh trong cung, đến khi lấy chồng, sinh con, rồi thành góa phụ đơn chiếc lẻ loi trong vườn thanh trà. Với số lượng nhân vật vô cùng đồ sộ, khi được hỏi làm thế nào để kiểm soát được sự phức tạp ấy, nhà văn Trần Thùy Mai đã tiết lộ rằng “trong mối quan hệ với Đồng Xuân, các nhân vật này xuất hiện, ẩn mình hay biến mất đều có trật tự… Tình huống sẽ quyết định động thái của họ, chứ họ không thuộc quyền quản lý của tôi”.
Nói về phong cách khi viết tiểu thuyết lịch sử, bà chia sẻ rằng mình luôn chọn diễn tả theo cách giản dị nhất, bằng ngôn ngữ rõ ràng và trong sáng nhất. Vì bà quan niệm “tiểu thuyết lịch sử là một cấu trúc đa thanh với rất nhiều nhân vật, nhiều sự kiện, nhiều luận điểm… Do đó việc trình bày sao cho khúc chiết mạch lạc là cả nỗ lực của người viết”. Vì vậy việc viết như là đối thoại, nên mục đích tối thượng là mong muốn người đối diện có thể hiểu rõ tâm tình cũng như ý tưởng một cách dễ dàng.
Bà cũng liên tưởng điều này với việc nấu ăn - hoạt động mà bà rất thích trong cuộc sống hằng ngày. Bà tiết lộ thêm “tôi chọn kết cấu nghệ thuật của tác phẩm như chọn những chiếc đĩa: Nếu món ăn nhỏ gọn đơn giản, tôi sẽ chọn một chiếc đĩa có trang trí cầu kỳ; còn với một món ăn đã nhiều chất liệu, nhiều màu sắc, thì cách hay nhất để trình bày là chọn một chiếc đĩa đơn sắc. Bởi lẽ cuối cùng thì “sự giản dị trong ngôn ngữ là một điều không bao giờ cũ, và luôn là con đường ngắn nhất đi tới trái tim".
TẠO RA MỘT GÓC NHÌN MỚI
Nhà sử học Lê Văn Lan từng nhận định về công việc của Trần Thùy Mai tại buổi tọa đàm Đóa hải đường nơi cung cấm nhân dịp ra mắt tác phẩm này, là việc mà bà đang làm như là đặt stent vào trong “cơ thể lịch sử”. Ông nói: “Chị luồn sợi chỉ của mình dệt thêu thành tác phẩm, để lịch sử sống động với hình hài của nó; hình hài ấy hồng hào hay xám, góc khuất hay tường minh là do người đọc cảm nhận".
Điều này cũng đã cho thấy một xu hướng mới trong cách khai thác đề tài của tiểu thuyết - lịch sử trong những năm tới, đó là sự nổi lên của chủ nghĩa nhân đạo. Theo đó trong suốt công cuộc chống giặc ngoại xâm, rất nhiều nhà văn đã dựa vào chủ nghĩa anh hùng để nhằm nâng cao tinh thần yêu nước như là một điều chính yếu. Nhưng trong thời bình, người đọc cũng như người viết đang có cơ hội và mọi điều kiện để dò xét lại một cách bình thản hơn, điềm tĩnh hơn, từ đó có thể thấy được sự thật và rồi chiêu tuyết cho những thân phận đã bị dập vùi.
Và Trần Thùy Mai đã đi trên con đường đó, như khi bà tiết lộ vì sao mình chọn viết về Công chúa Đồng Xuân. Bà nói: “Tôi chọn nhân vật vì đây là vụ án kết thúc sự xung đột giữa hai phái chủ hòa và chủ chiến. Đồng Xuân, theo đó, chỉ là nhân vật bị sa vào âm mưu, vào sự phân tranh quyền lực, khi Hồng Hưu chủ trương hòa vãn, còn Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thì chủ trương chiến đấu. Chuyện này khá rắc rối nhưng thực tế không có chứng cứ nào lớn nào mà chỉ là thêu dệt, họ được xét xử rất vội vàng và không có nhân đạo. Từ đó tôi thương xót và nghĩ rằng họ xứng đáng được xét xử một cách công bằng”.
Do đó dễ bề lý giải khi trong tác phẩm này, rất nhiều nhân vật sẽ không như những motif mà ta thường biết theo những ghi chép sử liệu. Chẳng hạn như Tôn Thất Thuyết không còn là người ra Chiếu Cần Vương bảo vệ vua tôi bằng mọi giá, mà bản thân ông, xét về bản chất, cũng là một người bản năng, không có được tầm nhìn xa. Trong khi những người từng bị chôn vùi như Phan Thanh Giản, như Nguyễn Phúc Hồng Hưu, như Đồng Xuân… được gột sạch từ cuộc tắm máu quyền lực trong vương triều cũ.
Ngoài ra cũng như Thị Lộ chính danh của cố nhà văn Võ Khắc Nghiêm, bộ tiểu thuyết này cũng có cảnh “mây nước” dễ khiến người đọc phải đỏ mặt. Điều đó tồn tại bởi một tâm thức rằng ta đang quan sát một “chứng nhân” của lịch sử đã được thêu hoa cũng như vẽ vời. Nhưng với riêng Trần Thùy Mai, bà thẳng thắn cho rằng những mô tả đó là phù hợp cho bối cảnh cũng như cuộc đời của chính Đồng Xuân, một người phụ nữ vắng chồng trong buổi loạn lạc, và khi sáng tạo thì “càng ít nói về giới hạn, càng tốt”.
Khép lại Công chúa Đồng Xuân, nhà văn Trần Thùy Mai đã “đóng” rất nhiều vai trò, từ một nhà nghiên cứu lịch sử, một tiểu thuyết gia, một người sắp đặt, một người giải oan… để từ nơi đó, những ai quan tâm dù là về khía cạnh nào: từ lịch sử, văn chương, nữ quyền cho đến tình cảm… cũng sẽ tìm được một giọng nói riêng dành cho chính mình.
Bình luận (0)