Theo yêu cầu của chương trình, truyện ngắn Gió thiên đường của Trần Thùy Mai đã được dịch ra tiếng Nhật và vừa qua, bà Takagi đã đến Huế, đến những địa điểm lưu dấu trong truyện ngắn này để trực tiếp thu hình và có một cuộc đối thoại thú vị với nhà văn Trần Thùy Mai. Sắp tới, Đài truyền hình thành phố Fukuoka sẽ có chương trình giới thiệu về Gió thiên đường và cuộc trò chuyện giữa hai nhà văn Takagi và Trần Thùy Mai.
Đầu tháng 6/2006, đoàn của nhà văn Takagi đã đến Huế quay lại những cảnh ở quán cà phê Vỹ Dạ xưa và lớp khiêu vũ của ông Hoàng Công Thức cùng con gái, nơi mà nhà văn Trần Thùy Mai đã lấy cảm hứng để viết Gió thiên đường. Đoàn cũng vào rạp để quay lại khung cảnh khán giả Huế đang xem phim Gió thiên đường được trình chiếu tại cố đô thời gian qua.
Trong cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai, bà Takagi bày tỏ sở dĩ bà chọn chị và Gió thiên đường để giới thiệu với độc giả Nhật Bản là vì tác phẩm này chị viết rất xúc động về đời sống, về tình yêu của thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay trong một bối cảnh thiên nhiên tươi sáng thực sự. Thực ra, khi nhận được e-mail của những người tổ chức chương trình này, Trần Thùy Mai có gửi 8 truyện ngắn được dịch ra tiếng Anh, trong đó có truyện Thương nhớ Hoàng Lan khá nổi tiếng của chị. Sau đó, họ yêu cầu gửi tiếp 3 truyện nữa. Gió thiên đường là truyện được gửi lần thứ hai và đã được chọn. Chị kể:
- Tôi rất cảm động là ê-kíp làm chương trình đã đọc rất kỹ từng chi tiết của truyện. Chị Kato Sarkae, người dịch Gió thiên đường sang tiếng Nhật đã hỏi tôi rất kỹ những tình tiết truyện và họ đã rất cẩn thận khi quay những cảnh quay để làm sao thể hiện được bối cảnh của truyện ngắn một cách tự nhiên nhất. Trước khi sang Việt Nam, Takagi có gửi cho tôi 3 truyện ngắn được dịch ra tiếng Anh của chị. Takagi Nobuko là nhà văn nữ nổi tiếng của Nhật, chị là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải thưởng văn học Akutagawa kể từ sau chiến tranh. Với 45 tác phẩm đã xuất bản, Takagi hiện là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất ở Nhật. Mới đây, chị đã được trao giải thưởng nghệ thuật của Bộ trưởng Bộ Giáo dục khoa học Nhật Bản.
Trần Thùy Mai là một trong những nhà văn nữ viết khỏe và khá đều tay hiện nay. Những truyện ngắn của chị rất đa dạng, phảng phất không khí đất trời xứ Huế, quan tâm đến mọi mặt của cuộc sống, nhất là lớp trẻ và nhìn họ với một con mắt đầy yêu thương và hy vọng. Đặc biệt, khi giới trẻ cuốn theo nhịp sống hiện đại, chị không hề có tâm trạng hoài nghi, lo sợ hay bế tắc mà luôn tạo ra được một bản lĩnh để lớp trẻ đối mặt, sống hòa nhập với nhịp sống hiện đại, thậm chí biết vượt lên nó để vươn tới những cái đẹp vĩnh cửu.
* Một số người cho rằng truyện ngắn của Trần Thùy Mai viết hơi "nhẹ" và không mấy cách tân, trong khi đó, văn trẻ Việt Nam thời gian qua cũng ồn ào lên nhiều về cái mới, cách mới, nhân tố mới…
- Nền văn học nào cũng phải bao gồm nhiều cách viết, nhiều giọng điệu khác nhau. Bên cạnh những khuynh hướng cách tân về hình thức nghệ thuật, khuynh hướng tìm tòi về phía nội dung cũng là một hướng không thể phủ nhận... Mỗi người cầm bút có sự lựa chọn riêng của mình, và tôi nghĩ mọi sự lựa chọn đều đáng được tôn trọng. Tôi chọn viết cho những người quanh mình, cho những người tôi thương yêu. Tôi không mong tạo ra một sự bùng nổ, chỉ muốn góp một dòng nước ngầm chảy sâu vào từng ngõ ngách của tâm hồn con người. Trong cuộc giao lưu với chị Takagi Nobuko, tôi đã đọc tác phẩm của chị ấy viết trong một xã hội đã công nghiệp hóa từ lâu, trong tác phẩm của Nobuko là khung cảnh sống của những người Nhật thời hiện đại, nhưng không hề thiếu vắng vẻ đẹp của thiên nhiên, chất lãng mạn, chất thơ... Điều đó làm tôi lạc quan hơn và tin rằng cuộc sống con người sẽ không vì hiện đại hóa mà trở nên... trần trụi.
Những truyện ngắn của Trần Thùy Mai như Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... thường đi vào những số phận rất nhỏ, lặng lẽ trong nhịp sống thường nhật. Nhưng chứa trong đó là cả một cuộc sống, cả một thế giới rất động mà nếu ai đó không sống, không để ý thì họ chỉ là những gương mặt thoáng qua trong một giây lát mà thôi. Chị sinh ra, lớn lên ở Huế và viết văn rất muộn. Chị bảo rằng, với chị, sống cái đã rồi mới viết, sau đó mới đến giai đoạn sống song hành với viết và viết song hành với sống. Đất Huế an bình và lặng lẽ thế kia, là đất của chiều sâu văn chương. Còn người Huế như nhà văn Phùng Quán đã từng nói: Nắng bùn hóa đá, mưa đá hóa bùn/Sông dịu dàng như một lưỡi gươm/Người nhút nhát tự thiêu khi nổi giận... đã hiện nguyên hình như vậy với những số phận rất dữ dội trong những truyện ngắn tưởng như là "nhẹ" của chị.
- Người ta vẫn nói Huế là đất đi để mà nhớ, không phải ở để mà thương... Người Huế đi lập nghiệp phương xa khá nhiều, riêng tôi vẫn gắn chặt với vùng đất này là vì tôi mê viết về nó. Mặc dù thỉnh thoảng làm cho người ta phiền hà vì dư luận và thành kiến, mặc dù không có một thị trường văn báo sôi động như Sài Gòn, Hà Nội nhưng Huế có không gian tĩnh lặng cho sự suy ngẫm, có khung cảnh thiên nhiên để nuôi dưỡng cảm xúc... Ngày còn đi học, tôi rất thích tập Quê mẹ của nhà văn Thanh Tịnh. Theo tôi, Thanh Tịnh là người đầu tiên viết văn xuôi với một giọng văn rất Huế, nhân hậu, giản dị và làm cho mình rung cảm. Huế hôm nay, dưới những dáng vẻ hiền hòa phẳng lặng vẫn có rất nhiều cuộc đời không phẳng lặng... Tôi cần mẫn dõi theo họ, sống với họ để đúc rút ra thành những trang viết của mình. Để rồi, từ những mảnh đời ấy nói lên khát vọng về sự sống nơi những chốn tưởng chừng âm u khuất nẻo.
* Đa số các truyện ngắn của chị đều viết về tình yêu, những tình yêu đẹp, trong sáng và thánh thiện. Bên cạnh đó, sở trường của chị là những số phận bình thường, nhỏ bé. Có bao giờ chị nghĩ nên viết về tình yêu thật hơn, đời hơn, thậm chí cả "tục" hơn để tăng thêm tính gần gũi của truyện?
- Tôi là một người luôn tin vào giá trị tình yêu (và đó chính là lý do chị Takagi đến thăm tôi năm nay, bởi vì chủ đề cuộc đối thoại năm nay là Tình yêu). Với tôi, tình yêu là một động lực khiến con người có đủ sức mạnh vượt ra khỏi sự trói buộc của những thành trì cũ để làm cho cuộc sống mới hơn, rộng hơn và chân thật hơn. Về yếu tố tình dục, tôi cho rằng ở nước ta, tình dục đã được xem là chủ đề cấm kỵ trong hàng chục thế kỷ nên tâm lý nhiều người vẫn háo hức với nó như háo hức một thứ hàng cấm. Đó cũng là một xu hướng tự nhiên thôi. Với tôi, trong sáng tác, khi cần viết về những cảnh "nóng", tôi không né tránh vì tôi cho đó cũng chỉ là một trong những khía cạnh của cuộc sống con người, nhưng tôi không chủ trương khai thác như một đề tài, vì tôi cho rằng cuộc cách mạng tình dục đã hoàn tất từ đầu thế kỷ hai mươi và với thế giới thì nó đã trở thành một đề tài không còn mang tính đột phá.
* Có phải ở Huế, một số ý kiến cho rằng chị hay lấy nguyên mẫu và thường viết một ai đó có danh tính hẳn hoi?
- Bạn cũng biết rồi đấy, nguyên mẫu ngoài đời và nhân vật trong truyện tuy có dây mơ rễ má với nhau nhưng không phải là một... Người nào cầm bút cũng không khỏi phải xây dựng nhân vật của mình từ hoàn cảnh, tính cách của những con người có thực... Người viết văn bẻ từng miếng nhỏ từ cuộc đời mình hay cuộc đời những người chung quanh, chắp gắn, hòa trộn chúng với nhau để làm thành nhân vật trong tác phẩm. Vào tới truyện thì sự thực cuộc sống đã được nhào nặn với rất nhiều tưởng tượng rồi, không còn là nguyên xi ngoài đời nữa. Đó là một điều đơn giản tưởng như ai cũng biết nhưng trên thực tế đã làm tôi bị một vài người trách móc, trong đó có cả những bạn cũng viết văn... Tôi chỉ mong được hiểu rằng, dù trong chuyện có kẻ xấu người tốt và đôi lúc có ai hao hao một ai đó ngoài đời, nhưng tôi không bao giờ có ý định dùng câu chuyện mình viết ra để ca ngợi ai hay làm ai đó tổn thương. Điều quan trọng là thông điệp cuộc sống đằng sau câu chuyện.
Điều làm tôi vui, là một số bạn đọc thường gọi điện cho tôi khi có chuyện buồn phiền, đặc biệt là khi gặp rắc rối trong cuộc sống gia đình, vợ chồng... Không phải là tôi thích giữ mục gỡ rối tơ lòng, tôi vui vì họ chia sẻ với tôi bởi họ tin là tôi hiểu họ. Với tôi, đó là một hạnh phúc!
* Xin cảm ơn chị!
Hoàng Nguyên Vũ
(thực hiện)
Bình luận (0)