“Cõi tạm” của Trịnh Công Sơn

29/03/2013 03:20 GMT+7

Trịnh Công Sơn ra đi đã 11 năm và nhớ đến nhạc sĩ, ta càng thấm thía hơn “tin buồn” của “ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” mà Hoàng Phủ Ngọc Tường nhắc đến để mở đầu cuốn sách.

Hoàng Phủ viết Trịnh Công Sơn đã tự mình “nghiền ngẫm tin buồn đó trong nghệ thuật của anh, rằng cuộc đời này chẳng có gì vui, tuy nhiên, người ta vẫn phải sống hết cuộc đời của mình, điều mà triết học hiện sinh gọi là courage to be”.

 Sách do NXB Trẻ tái bản tháng 4.2013
Sách do NXB Trẻ tái bản tháng 4.2013

Ngay buổi đầu, Trịnh đã “ru ta ngậm ngùi” trong chiếc nôi mang tên “phận người”, rồi đem những chiêm nghiệm của mình “trên chiếc đu bay” được kết bằng những sợi dây đàn để đưa âm nhạc vào đời và để cuối cùng “Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trên tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn”. Hoàng Phủ nhận định: “Gần như quán xuyến tất cả, âm nhạc của Trịnh Công Sơn diễn ra trong cung la thứ, chuyển tải hết cả biến cố của một đời người”.

Ngoài hai phần mở đầu Địa đàng còn in dấu chân và Hạt bụi và tia sáng, phần còn lại với 16 đoản văn trong đó có các nội dung về những trăn trở của Trịnh qua từng giai đoạn sáng tác, với hai mảng chủ đề nổi nhất: phản chiến và trữ tình. Với đề tài phản chiến: “sự nghiệp ca khúc của Trịnh Công Sơn như một bông hoa nở ra trong lửa đỏ”. Hoàng Phủ nhắc đến việc ấn hành “lậu” tập Ca khúc Da vàng, mà trong đó có nhiều ca khúc vừa được cấp phép biểu diễn, gây chấn động dư luận năm 1967 nhất là ca khúc Gia tài của mẹ, hoặc Tình ca của người mất trí.

Sách có nhiều hồi ức về những mối liên hệ gia đình và bè bạn của Trịnh như “các em Hà, Tịnh, Thúy, Tâm, Diệu, Ngân, Trinh (ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh)”, các bạn Đinh Cường, Bửu Ý, Ngô Kha, Khánh Ly, Dao Ánh, những bạn bè thuộc nhiều thế hệ, nhiều nghề nghiệp khác nhau. Cuối sách Hoàng Phủ viết: “Tất cả âm nhạc của Trịnh được dùng để minh họa một địa chỉ của tác giả trên hành tinh này, được gọi là “cuộc đời” (…) đây chính là nơi cư ngụ mà Sơn vẫn coi là “cõi tạm” - Thế giới ấy đẹp và buồn, giống như được in hình lên một chiếc bong bóng xà phòng” - nên Trịnh thường mơ đến một cảnh trời nào đó trên đường nhớ về “quê quán tôi xưa”…

Giao Hưởng

>> Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
>> Miễn phí thưởng thức đêm nhạc Trịnh Công Sơn
>> Ca khúc Da vàng trong đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
>> Đề nghị đặt tên đường Võ Văn Kiệt, Trịnh Công Sơn
>> Dòng người đến viếng Trịnh Công Sơn trong mưa
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ diễn ra lần đầu tiên tại The Crescent
>> Đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn
>> 4 đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn tại Mỹ
>> Phát vé miễn phí đêm nhạc Trịnh Công Sơn
>> Tây hát trong đêm nhạc giỗ Trịnh Công Sơn
>> Trịnh Công Sơn - Mộc
>> Đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Phú Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.