“Cởi trói” cho game online để chống… game lậu

09/05/2014 16:00 GMT+7

Kinh doanh game online (G.O) là một lĩnh vực khá mới mẻ đối với các nhà quản lý. Chính vì vậy, những quy định không theo kịp với thực tế… đã xuất hiện.

Từ năm 2010, trước những tác động tiêu cực của game online (G.O.), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã ban hành Thông tư 60 về quản lý G.O theo hướng siết chặt việc cấp phép. Thực tế sau đó chỉ có các doanh nghiệp (DN) lớn làm ăn nghiêm túc bị siết chặt bởi các quy định của cơ quan quản lý, còn những DN làm ăn chụp giật vẫn tiếp tục sống khỏe.

“Cởi trói” cho game online để chống… game lậu

Game Thiên long bát bộ 3 của NPH FPT Online.

Chính vì các quy định lạc hậu, không theo kịp thực tế nên các DN đang bị đặt vào thế chân tường, hoặc giải thể hoặc bắt buộc vi phạm để tồn tại. Trong khi các DN đều mòn mỏi chờ đợi Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 nhằm cởi trói cho ngành game trong nước thì ở "góc khác", game lậu phát hành chui lại mọc lên như nấm ngay trên "sân nhà".

Không phải chịu sự quản lý của các chế tài đã có, game lậu đang thoải mái kinh doanh với nguồn thu "đáng mơ ước" ngay cả đối với các công ty G.O có tiếng trong nước.

Đơn cử trường hợp của Công ty Afoo, đơn vị phát hành game lậu cho công ty của Trung Quốc là Lemon Game và Koramgame, chỉ trong thời gian từ 5.2013 – 2.2014 đã thu về xấp xỉ 3 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Nam Tiến - Giám đốc công ty Vinamoney vừa bị xử phạt vì phát hành game lậu mới đây - đã thừa nhận: “Dù biết game Tiếu ngạo tây du chưa được cấp phép nhưng tại thời điểm đó, tất cả các công ty game đều không thể xin cấp phép được game. Trong bối cảnh công ty đang thua lỗ nặng vì đầu tư làm game Việt nhưng thất bại, VinaMoney vẫn ký hợp đồng phát hành game cho KoramGame để có doanh thu phục vụ cho hoạt động của công ty”.

Khó có thể lấy lý do thua lỗ để làm trái quy định nhà nước, tuy nhiên rõ ràng việc Bộ TT-TT ngưng cấp phép kéo dài đối với G.O cũng đã khiến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp bế tắc. Theo ý kiến phản ảnh của DN ngành game, trên thế giới rất ít nước ban hành lệnh cấm G.O như chúng ta.

“Cởi trói” cho game online để chống… game lậu

Game 3Q Củ hành của NPH VNG.

Trong khi đó nhà quản lý VN thì lại đóng chặt cửa với ngành công nghiệp này. Dự báo năm 2018 tại VN sẽ có 50 - 60 triệu người sử dụng internet, có khoảng 40 triệu người sử dụng smart phone, và trên 1 triệu smartTV  tích hợp internet. Trong đó hầu hết các ứng dụng sẽ là chơi game.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chánh thanh tra Bộ TT-TT, nhận định: “Nhu cầu về game trên trị trường rất lớn, nếu DN trong nước bị cấm đoán thì người chơi sẽ tìm đến các game nước ngoài. Do đó, Chính phủ cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định lạc hậu, kiện toàn bộ phận thẩm định cấp phép với tiêu chí theo kịp công nghệ, nhanh nhạy, đáp ứng yêu cầu chính đáng của xã hội, đấu tranh mạnh mẽ với các hoạt động kinh doanh trái phép tại Việt Nam”.

Cách đây một năm, Bộ TT-TT đã hứa sẽ cởi trói cho DN game trong nước, nhưng không hiểu sao đến nay các nghị định thông tư vẫn chưa thấy đâu, trong khi  game lậu vẫn tiếp tục tung hoành gây thất thu thuế, bất an cho người chơi và bóp chết DN trong nước. Trong động thái mới đây nhất, lãnh đạo Bộ TT-TT đã nhận thức rõ vấn đề và hứa sẽ sớm có thông tư mới để cởi trói cho ngành G.O

“Cởi trói” cho game online để chống… game lậu

Game Au mobile của NPH VTC Mobile.

Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VCCorp, kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn thông tư sẽ được ban hành sớm, vì các quy định đều đã lạc hậu quá và DN chờ đợi quá lâu rồi. Hiện tại các DN game trên thế giới đang phát triển và kinh doanh rất mạnh, không hề thua kém các DN quảng cáo lớn như Google, Facebook. Nếu chúng ta kiểm soát quá chặt các DN game nội thì cơ hội sẽ có thể rơi hết vào tay DN nước ngoài. Chính sách quản lý có nguy cơ trở thành bảo hộ ngược".

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình (Bộ TT-TT) cũng thừa nhận tình trạng game lậu tràn lan trên thị trường gần đây nhưng Nhà nước lại chưa có giải pháp quản lý hiệu quả, gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa DN cung cấp game trong nước với nước ngoài. Phần lớn doanh thu sau khi đối soát đều chảy vào túi các DN nước ngoài là một hậu quả nhãn tiền của game lậu, game phát hành không phép.

Đại diện công ty VNG kiến nghị thêm: “Hiện nay việc xin phép phát hành game trên thiết bị di động (game mobile) cũng mất một thời gian khá lâu, trong khi tất cả các DN đều biết vòng đời của nó chỉ có từ 3 đến 6 tháng. Nếu thời gian xin phép lâu như vậy thì DN sẽ phải chịu thiệt hại, thua lỗ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.