'Cởi trói' hợp đồng mua điện để phát triển điện gió

Chí Hiếu
Chí Hiếu
08/06/2018 07:28 GMT+7

Ngày 7.6, tại hội nghị 'Điện gió VN: Cơ hội lớn - thách thức lớn' do Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng không phải giá điện mà hợp đồng mua điện mới là rào cản lớn nhất cho điện gió phát triển ở VN.

Cụ thể, theo ông Bùi Vĩnh Thắng, đại diện tại VN của Tập đoàn Mainstream - một trong những tập đoàn điện gió lớn nhất thế giới, hợp đồng mua bán điện (PPA) là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là mấu chốt để giảm rủi ro và chi phí vốn.
Liên quan đến giá điện, các chuyên gia cho rằng, trước mắt giá điện gió tại VN vẫn phải đắt vì chi phí đầu vào đắt và đòi hỏi Chính phủ phải trợ giá một thời gian. Tuy nhiên, khi đạt đến công suất khoảng 1 GW thì sẽ không cần trợ giá nữa và kinh nghiệm thế giới cho thấy giá điện gió mỗi năm giảm khoảng 10%. Ví dụ, tại Nam Phi, khi đầu tư ban đầu vào năm 2009 thì giá mỗi kWh là 10 cent (100 cent = 1 USD) nhưng đến nay chỉ khoảng 6 cent.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 6.6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Công thương đang lấy ý kiến về dự thảo thay thế quyết định của Thủ tướng về chính sách điện gió. Theo đó, nếu điện gió làm trên mặt biển, như ở Bạc Liêu và Cà Mau, có thể tăng thêm 2 cent cho mỗi kWh, còn giá với các dự án điện gió trên đất liền có thể tăng thêm 1 cent (giá điện gió hiện ở mức 7,8 cent/kWh, áp dụng từ năm 2011 đến nay).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.