Đâu rồi "cơm bao no"?
Nhân dịp họp mặt lớp sau 10 năm rời giảng đường, anh Hoàng Văn Quý (36 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nhắn trên nhóm Zalo của lớp, bày tỏ ý định rủ nhau đi ăn "cơm bao no" để nhớ lại kỷ niệm của thời thanh xuân.
Tuy nhiên, các thành viên trong lớp đang làm việc tại TP.HCM nhắn lại: "Chắc Quý rời TP.HCM về quê làm việc lâu quá nên không biết. Chứ ở TP.HCM bây giờ đâu còn cơm bao no nữa".
Và thực tế, như lời anh Quý kể: "Dù đã tìm khắp các quán cơm từng là địa điểm ăn trưa, tối quen thuộc ở những tuyến đường Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Lâm Văn Bền, Mai Văn Vĩnh, Q.7 (TP.HCM) nhưng vẫn chẳng thể tìm được quán cơm bao no".
"Khoảng chục năm trước, sinh viên chúng tôi hay chọn cơm bao no, giá chỉ 10.000 đồng/dĩa. Ai cũng ăn cơm nhiều. Mỗi lần ăn, phải ăn thêm 3, 4 dĩa cơm thêm. Chọn cơm bao no, được lựa đồ ăn thoải mái nên ai cũng thích", anh Quý nhớ lại.
Anh Đỗ Thanh Tường (38 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang làm việc ở Công ty TNHH Nguyễn Trường Nguyễn, Q.Tân Phú, cũng kể: "Thời sinh viên, chúng tôi hay ăn cơm bao no ở các quán trên đường Thành Thái, Lý Thường Kiệt, Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM. Nhưng đúng là giờ đây chẳng còn nữa".
"Nghĩ tới cơm bao no nghĩa là ăn "đã đời ông địa", no căng bụng mà chỉ tốn khoảng 12.000 đồng, không sợ phát sinh thêm tiền", anh Tường kể. Cũng theo anh Tường, ngày đó, khoảng hơn 16, 17 năm về trước, không chỉ sinh viên mà còn những người thu nhập thấp rất "chuộng" những quán cơm bao no.
Bà Đỗ Thị Bé Hai, chủ quán cơm trên đường Thành Thái, Q.10 (TP.HCM), nói: "Vật giá leo thang theo thời gian, nên nếu cứ bán cơm bao no thì sẽ lỗ. Bây giờ bán cơm, tùy theo lựa chọn món của khách mà có giá 25.000 – 35.000 đồng/dĩa. Nếu để khách lựa chọn món thoải mái, ăn cơm thêm nhiều thì không đủ vốn".
Chị Trần Quỳnh Minh (44 tuổi), chủ quán cơm trên đường Nguyễn Văn Bảo, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: "Trước đây từng bán cơm bao no cho nhiều thế hệ sinh viên ở Q.Gò Vấp nói chung và Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói riêng. Tuy nhiên, nhiều năm nay đã không còn cơm bao no nữa. Bởi lẽ càng ngày, thịt, cá, rau… đều tăng giá. Không thể nào bán một giá, cũng không để khách ăn cơm thêm thoải mái. Thay vào đó, mỗi dĩa cơm thêm sẽ tính tiền. Tùy món ăn mà mỗi phần cơm có giá khác nhau, từ 20.000 – 30.000 đồng".
Thử đến nhiều quán cơm ở TP.HCM tại các đường: Cây Trâm (Q.Gò Vấp), Âu Dương Lân (Q.8), Hoàng Diệu 2 (TP.Thủ Đức), Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú)…, khi được hỏi về cơm bao no, các chủ quán lâu năm đều cho biết đã từng bán nhưng hiện tại thì không còn.
Kỷ niệm với "phiếu cơm tháng"
"Phiếu cơm tháng" cũng là ký ức khó quên với sinh viên những thế hệ trước. Theo lời kể Đỗ Thị Ngọc Liên (37 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đang làm việc tại một công ty agency của Nhật Bản ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3 (TP.HCM), thì: "Kỷ niệm thời sinh viên gắn liền với phiếu cơm tháng. Mỗi tháng, ba mẹ gửi tiền là vội vàng mua vé cơm tháng. Tôi nhớ mỗi phiếu được chia thành 60 ô, tức 60 bữa ăn trưa và tối trong 30 ngày, giá mua 500.000 đồng. Mỗi lần ăn xong là chủ quán đánh một dấu. Khi phiếu được đánh dấu hết là mua phiếu mới".
Cũng theo chị Liên: "Có vé cơm tháng là chắc chắn… không bị đói. Nhiều người bạn không mua vé cơm tháng, có khi phải ăn mì tôm vào cuối tháng vì đã tiêu hết tiền".
Anh Nguyễn Văn Hữu (40 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang làm việc cho một công ty logistics trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, nhớ lại: "Mỗi lần đói quá mà không còn tiền, cũng chẳng thể nuốt mì tôm nữa là… mượn phiếu cơm tháng của bạn bè. Có khi nợ bạn đến cả chục bữa cơm. Rồi khi có tiền, mua được vé cơm tháng thì đưa cho bạn đi ăn để trả nợ dần".
Anh Trần Văn Minh (43 tuổi), chủ quán cơm Ngân Minh trên đường Dương Đình Cúc, H.Bình Chánh, TP.HCM, cho biết: "Ngày trước còn bán phiếu cơm tháng. Nhưng bây giờ nếu có bán phiếu cơm tháng có lẽ cũng chẳng ai mua. Bởi vì dịch vụ bán đồ ăn trực tuyến trở nên quen thuộc, người trẻ có nhiều lựa chọn tiện lợi hơn. Chưa kể tâm lý người trẻ thời nay chi tiêu cho việc ăn uống thoải mái hơn, thích trải nghiệm việc ăn uống ở nhiều nơi, muốn ăn ngon hơn là ăn no, nên khó để họ chi tiền mua phiếu cơm tháng".
Anh Minh cũng nói thêm: "Bây giờ có... kiếm đỏ mắt cũng khó mà tìm ra được quán bán phiếu cơm tháng".
Bình luận (0)