Cơm chay từ thiện Lê Vũ Cầu

10/06/2008 00:46 GMT+7

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu nổi tiếng cả trên sân khấu lẫn ngoài đời với bao phen thập tử nhất sinh vì bệnh, cái chết chỉ kề trong gang tấc.

Cách đây hai năm, khi vừa qua cơn bạo bệnh, Lê Vũ Cầu đã bán hai miếng đất lấy tiền mở bếp cơm chay tại quán Vợ Thằng Đậu (40 Đặng Văn Bi, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Bếp phục vụ từ 10 giờ 30 - 11 giờ 30 trưa, mỗi ngày tiếp khoảng 100 - 150 lượt khách.

Hằng ngày, nếu đến quán Vợ Thằng Đậu khoảng 10 giờ sáng, đã thấy những thực khách đầu tiên đến đợi. Họ thường là những người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đông nhất lại là dân bán vé số. Khách ăn hẳn cũng quen mặt nhau, tranh thủ thăm hỏi chuyện trò, và những câu chuyện quanh bữa cơm chay bao giờ cũng quy về cách sống có nhân có quả, có vay có trả ở đời.

Cơm chay tại quán Vợ Thằng Đậu hoàn toàn miễn phí. Quán chỉ đặt một cái thùng để ai có lòng và có điều kiện thì góp vào chút ít gọi là... Ngồi vào bàn, tất cả khách đều được nhân viên phục vụ tận nơi, y như với những quán cơm khác. Có nhiều người quá khó khăn, sau khi ăn xong bữa cơm trưa còn xin thêm hộp cơm đem về để dành cho bữa chiều. Họ cũng được phục vụ như ý.

Ra vào trông nom quán, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu nói thật nhỏ nhẹ: "Chuyện tôi làm cũng nhỏ thôi, đâu có gì đáng nói". Thế nhưng nhìn vào bếp cơm chay, có thể thấy một phần cuộc sống hiện nay của Lê Vũ Cầu. Từ giã nghệ thuật, Lê Vũ Cầu dành nhiều thời gian hơn để chăm lo sức khỏe, thỉnh thoảng cuồng chân, anh lại cùng ngao du sơn thủy với bạn bè. Những chuyến đi đó không bao giờ quá dài, vì anh luôn bận bịu với suy nghĩ rằng phải về để "nhìn ngó" cái bếp cơm chay. Bởi anh cho rằng, trong việc thiện, của cho không quan trọng bằng cách cho. Anh phải có mặt ở đó để trông nom việc phục vụ khách của nhân viên.

Có lúc ngồi tâm tình với nghệ sĩ Lê Bình, Lê Vũ Cầu ví bếp cơm chay này giống như ngày xưa ông bà mình vẫn đặt lu nước, nải chuối dưới bóng cây ngoài đường, để người bộ hành lỡ đường có khát thì uống, có đói thì ăn. Mở bếp cơm chay trước tiên là làm việc thiện, sau là Lê Vũ Cầu tìm kiếm sự bình an trong chính tâm hồn mình. Anh nói: "Bây giờ tôi thấy lòng mình thanh thản lắm...". Những người khác khi biết việc Lê Vũ Cầu đang làm cũng xin đóng góp, lúc thì bao gạo, lúc thì mắm muối... các thứ. Nhiều em sinh viên thỉnh thoảng cũng đến xin phục vụ miễn phí cho khách.

Đã hơn hai năm rồi, và khi được hỏi bếp cơm chay này phục vụ có thời hạn không, Lê Vũ Cầu vui vẻ đáp: "Không có thời hạn. Sẽ phục vụ mãi. Trừ khi tôi bán... hết đất thì thôi".  

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.