TNO

Cơm vắt của những ngày khốn khó

22/10/2013 07:15 GMT+7

Những hạt cơm được nhồi, ép kỹ, kết vào nhau thành một khối trắng tinh như bánh, không tơi xốp như cơm mà đặc và dẻo. Vị của cơm lúc ấy ngọt lắm...

Những hạt cơm được nhồi, ép kỹ, kết vào nhau thành một khối trắng tinh như bánh, không tơi xốp như cơm mà đặc và dẻo. Vị của cơm lúc ấy ngọt lắm...

>> Cơm độn của ký ức
>> Trời mưa nhớ món muối sườn

Cơm vắt của những ngày khốn khó 1
Những hạt cơm được nhồi, ép kỹ, kết vào nhau thành một khối trắng tinh như bánh, không tơi xốp
như cơm mà đặc và dẻo - Ảnh: Đinh Nga
 

Điện thoại kêu “tít, tít”. Tin nhắn của em trai: “Chị hai ơi, thèm cơm vắt quá! Bữa nào làm cho em nha.” Không hiểu vì lý do gì, thằng em 20 tuổi đầu của tôi bỗng nhiên lại thèm cái món nhà nghèo ấy, cái món chính tôi có lúc cũng đã quên…

Hồi đó, cả gia đình tôi vừa mới chuyển lên Đắk Lắk sinh sống. Nhà nghèo lắm, tới mùa giáp hạt có khi toàn ăn cơm độn bắp với cá khô. Cũng may là thiên nhiêu ưu đãi, rau rừng, nấm mối ít khi thiếu.

Tôi học lớp 5, còn em mới lớp 1. Con đường đi học của chúng tôi dài 5km băng qua những vườn cà phê bạt ngàn. Giống như những đứa trẻ khác, chúng tôi toàn đi bộ, đi nhanh lắm cũng phải hơn 1 tiếng mới về tới nhà.

Nhà nghèo, đến cái ăn hàng ngày vẫn còn chật vật nên ba mẹ chẳng khi nào cho tiền ăn vặt. Hai chị em chỉ biết thèm thuồng nhìn lũ bạn ùa ra mua quà bánh trước cổng trường. Khổ nhất là mỗi khi tan học về, khi mà bữa cơm trưa đã tiêu hết sau quãng đường đến trường và thời gian ngồi trong lớp, thời gian chạy nhảy với đám bạn. Cái bụng đứa nào cũng biểu tình, cứ kêu rọt rẹt! Giả bộ làm lơ trước những màu sắc hấp dẫn của quà vặt, hai chị em ôm bụng đói về nhà. Nhiều lúc tủi thân, lấy cớ con kiến bọ nhọt cắn, em vừa đi vừa khóc.

Thế là tôi nảy ra ý tưởng làm cơm vắt để dành. Buổi trưa, khi vừa nhắc cơm ra khỏi bếp, tôi dùng đũa cả gạt phần cơm trên qua một bên, xới phần cơm bên dưới ra cái khăn mù xoa rồi dùng tay nhồi, ép thật chặt. Tôi còn giã thêm một chén muối ớt thật cay. Sau đó gói hai thứ vào túi nilon rồi cất vào cặp.

Đến khi tan học, chị em tôi lại gắng chạy thật nhanh qua hết đoạn đường đông người, rồi chui vào một gốc cà phê ven đường để tránh bị người khác nhìn thấy. Tôi bắt đầu giở nắm cơm mang theo, bẻ làm đôi. Những hạt cơm được nhồi, ép kỹ, kết vào nhau thành một khối trắng tinh như bánh, không tơi xốp như cơm mà đặc và dẻo. Vị của cơm lúc ấy ngọt lắm. “Cục cơm” bẻ đôi, chúng tôi vừa tranh nhau chấm muối ớt, vừa nhồm nhoàm nhai, chẳng mấy chốc đã hết veo. Từ đó, chúng tôi không còn sợ đói mỗi khi đi học về nữa.

Rồi cái thời khốn khó cũng trôi qua, chúng tôi ngày một lớn. Dần dà, món cơm nắm cũng bị lãng quên. Rồi bỗng dưng hôm nay, em lại làm tôi nhớ. Em bảo: “Có nhà hàng còn đưa cả cơm vắt vào thực đơn, em chưa ăn nhưng dám chắc là không thể ngon bằng cơm chị hai làm”.

Ôi! Thương quá tuổi thơ ơi!

 

Đinh Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.