'Còn bao nhiêu trường hợp tương tự ông Vương Tấn Việt đang tồn tại?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/10/2024 11:58 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh giáo sư, phó giáo sư đảm bảo chất lượng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Sáng 26.10, tiếp tục kỳ họp 8, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025.

Nêu ý kiến thảo luận, từ vụ việc bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang), đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, đề xuất Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo kiểm tra công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, phong chức danh khoa học phó giáo sư, giáo sư để đảm bảo chất lượng và thực chất để không gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

'Còn bao nhiêu trường hợp tương tự ông Vương Tấn Việt đang tồn tại?'- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh

ẢNH: GIA HÂN

Theo ông Tuấn, vừa qua đã xảy ra một hiện tượng xã hội "không ai ngờ tới", là trường hợp của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang), nhà sư, thượng tọa, trụ trì chùa Phật Quang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp, nhưng không biết bằng cách nào đã đăng ký học và được cấp 2 bằng đại học và 1 bằng tiến sĩ. Cả 2 bằng đại học thuộc hệ đào tạo từ xa và hệ vừa học vừa làm.

"Sự việc sử dụng bằng cấp 3 giả chỉ bị phanh phui trên các trang mạng xã hội, chứ không phải do chính cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngành giáo dục xác minh. Điều này cho thấy việc quản lý, đào tạo cấp bằng đại học, tiến sĩ của một số cơ sở giáo dục đại học của chúng ta cần phải được quan tâm nhiều hơn", ông Tuấn phân tích.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn: 'Còn bao nhiêu trường hợp tương tự ông Vương Tấn Việt đang tồn tại?'

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, chính điều này đã làm cho nhiều cử tri băn khoăn, lo lắng về uy tín và chất lượng đào tạo cấp bằng của ngành giáo dục hiện nay. 

"Cử tri cho rằng ngoài trường hợp này, còn có bao nhiêu trường hợp tương tự nữa đang tồn tại. Những tiến sĩ dỏm ấy đang ở đâu? Họ đã và đang làm gì? Có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các cơ quan nhà nước hay sự phát triển của cộng đồng xã hội hay không?", ông Tuấn nêu và cho rằng vấn đề này cần sớm được Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, rà soát.

Vụ việc bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt (thượng tọa Thích Chân Quang) được dư luận quan tâm từ hồi giữa năm. Tới ngày 21.10 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có thông báo chính thức, xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa không hợp pháp. 

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Trường ĐH Luật Hà Nội và Trường ĐH Hà Nội thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt theo quy định của pháp luật.

Tới ngày 22.10, Trường ĐH Hà Nội cho biết đang thực hiện thủ tục thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.

Tương tự, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng tiến hành các thủ tục pháp lý hủy kết quả và thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Vương Tấn Việt. Đại diện của trường cũng cho biết trường đã họp kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện các quy chế đào tạo để tiếp tục cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng đào tạo và tránh xảy ra các trường hợp tương tự.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho biết, ông Vương Tấn Việt đã thừa nhận việc mình sử dụng bằng cấp 3 không hợp pháp và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.

Trước khi có thông báo chính thức của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản xác nhận: "Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM và không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM".

Còn theo thông cáo báo chí ngày 25.6 của Trường ĐH Luật Hà Nội, ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, trúng tuyển văn bằng 2 khóa 1 trình độ đại học luật, hình thức vừa học vừa làm của Trường ĐH Luật Hà Nội mở tại Trường cao đẳng Bách Việt, TP.HCM, vào tháng 1.2017, tốt nghiệp tháng 1.2019. Văn bằng 1 của ông Vương Tấn Việt là tốt nghiệp ĐH ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường ĐH Ngoại ngữ, nay là Trường ĐH Hà Nội.

Sau đó, tháng 11.2019, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019 - 2023); tháng 12.2021 bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp trường tại Trường ĐH Luật Hà Nội; tháng 3.2022 được cấp bằng tiến sĩ ngành luật hiến pháp - hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.