'Cơn bão thép' Trung Quốc đe dọa thép nội

22/03/2024 06:35 GMT+7

Từ cuối năm 2023 đến nay, thép nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu ồ ạt tràn qua VN. Trong khi sức tiêu thụ nội địa lao dốc, xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều DN thép Việt lo bị đẩy đến bờ vực phá sản.

Nhập khẩu thép Trung Quốc tăng mạnh

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, VN nhập khẩu 13,8 triệu tấn thép các loại (bao gồm cả hàng tạm nhập tái xuất, nhập vào khu chế xuất…), tăng 3,2% so với năm 2022 và tăng 11% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu thép là 10,4 tỉ USD. Hầu hết các sản phẩm thép nhập đều tăng, trong đó được nhập khẩu nhiều nhất là thép cán nóng (HRC) với 10 triệu tấn, tăng 2,84% so với 2022 (gồm thép cán nóng dạng cuộn và dạng tấm), chiếm 73%.

Đà tăng thép nhập tiếp tục nóng lên ngay từ những tháng đầu năm nay. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng sắt thép nhập khẩu về VN là gần 2,65 triệu tấn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá so cùng kỳ. Với riêng sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, trong tháng 1 và tháng 2.2024, VN đã nhập 1,89 triệu tấn, trị giá trên 1 tỉ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng đầu năm. 

Đây là biến động khá lớn bởi trước đó Hiệp hội Thép VN (VSA) ghi nhận những năm gần đây nhập khẩu thép từ Trung Quốc đã giảm. Lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có thời điểm xuống hơn 40% và mới chỉ có dấu hiệu tăng trong nửa cuối năm 2023. Vì thế, nếu tính riêng về lượng nhập khẩu thì tỷ trọng thép Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay là rất cao. 

Chưa kể, giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho VN đã giảm rõ rệt. Số liệu từ VSA cho thấy sản phẩm HRC của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý 1/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý 4. Giá bán HRC Trung Quốc hiện dao động trong khoảng 520 - 560 USD/tấn tùy loại.

'Cơn bão thép' Trung Quốc đe dọa thép nội- Ảnh 1.

Cần những chính sách phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường thép Việt

NGỌC THẮNG

Sự trở lại mạnh mẽ từ thị trường này mang đến nhiều lo ngại bởi cách đây 1 thập kỷ, giai đoạn 2014, 2015, hàng triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc với giá rẻ nhập ồ ạt vào VN đã khiến ngành công nghiệp thép trong nước điêu đứng. Khi ấy, hàng rào kỹ thuật lỏng lẻo, chưa có quy chuẩn chất lượng... là những nguyên nhân khiến thép VN bị "tấn công" ngay trên sân nhà. Sau đó ngành thép Việt còn phải đối mặt với hàng trăm cuộc điều tra, khởi kiện từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đối với mặt hàng thép xuất khẩu nội địa do bị nghi ngờ là trung gian cho thép Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ.

Tình hình hiện nay cũng tương tự. Thép Trung Quốc nói riêng cũng như thép nhập khẩu nói chung tăng mạnh tới gần 4 lần về lượng, 2,5 lần về kim ngạch nhưng lại giảm 27,2% về giá, đẩy các DN thép Việt vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước vẫn phục hồi rất ì ạch, dẫn đến tăng tồn kho. Công suất sản xuất ngành thép VN đang xoay quanh mức 29 - 30 triệu tấn/năm, vượt nhu cầu sử dụng trong nước. 

Trong khi đó, chi phí đầu vào vẫn duy trì ở mức cao và có sự biến động liên quan đến việc tăng lãi suất vốn vay, thay đổi tỷ giá khiến hàng loạt DN lỗ nặng. Cả thị trường chỉ có 2 "ông lớn" là Hòa Phát và Hoa Sen có cải thiện lợi nhuận đáng kể trong năm 2023. Còn lại, Tổng công ty thép VN khép lại năm 2023 với khoản lỗ sau thuế 464,6 tỉ đồng. Các DN nhỏ hơn như Pomina lỗ ròng 960 tỉ đồng - là khoản lỗ lớn nhất ngành thép, theo sau là Thép SMC với mức lỗ ròng 919 tỉ đồng… Một số DN lo bị đẩy đến bờ vực phá sản.

'Cơn bão thép' Trung Quốc đe dọa thép nội- Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm thép dù trong nước đã sản xuất được nhưng thép nhập khẩu vẫn tăng, khiến DN vô cùng khó khăn

B.A

"Siết" bằng thuế và hàng rào kỹ thuật

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, thời gian qua kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Trong khi nước này là "lò thép" của thế giới, sản xuất tới vài triệu tấn thép mỗi ngày nên bắt buộc họ phải tìm đường đẩy mạnh xuất khẩu; trong đó "tuồn" hàng sang VN là thuận tiện nhất. Thế nhưng thị trường bất động sản của VN vẫn chưa khôi phục, chỉ mới vừa nhúc nhích. Sức khỏe của các DN Việt cũng còn yếu, năng lực tài chính có hạn. Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông tuy tăng tốc nhưng nhu cầu tiêu thụ thép ít hơn bất động sản rất nhiều. Mặt khác, nguồn cung thép trong nước đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí còn thừa; sức tiêu thụ thép thời gian qua cũng giảm.

"Vậy DN nào nhập nhiều như vậy để mà tăng 2 - 3 lần? Họ nhập về sử dụng vào đâu, nhằm mục đích gì? Cần hết sức cảnh giác có một bộ phận DN VN lợi dụng việc thép nhập khẩu tăng quá nhiều, nhất là thép Trung Quốc để tiếp tay cho họ "đội lốt" xuất xứ, xuất đi các nước, đặc biệt là Mỹ. Điều này là nguy hiểm nhất. VN đang đề nghị Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường, nếu dính phải "đòn" gian lận xuất xứ thì sẽ gây hậu quả rất lớn", ông Ngô Trí Long lo ngại.

Bên cạnh đó, ông Long nhấn mạnh thép là ngành công nghiệp xương sống, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau. VN hiện đã có những nhà máy lớn hàng đầu khu vực, không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những nước phát triển. Nếu "thả cửa" cho thép nhập khẩu ồ ạt, có hiện tượng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh thì có thể sẽ giết chết ngành thép trong nước. 

Vì thế, cần nhanh chóng bảo vệ thị trường nội địa bằng cách siết chặt hàng rào kỹ thuật. Trong đó, rào cản tốt nhất là thuế. Không để các sản phẩm ngoại lợi dụng thuế 0% tràn vào gây xáo động thị trường, đe dọa hoạt động của các DN nội địa. Cùng với đó, điều tra kỹ lưỡng hiện tượng nhập khẩu thép tăng đột biến. Không thể chỉ đưa những giải pháp chung chung. Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cần liên kết mở cuộc điều tra, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần phải có sự điều tra cụ thể để xác định lượng hàng nhập khẩu có nguy cơ đe dọa tới ngành sản xuất trong nước như thế nào để xem xét áp thuế phòng vệ thương mại riêng đối với hàng hóa xuất xứ của từng quốc gia. Trước đó, VN cũng đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu như phôi thép, thép cuộn, thép dây nhập khẩu từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần làm giảm tình trạng thép ngoại tràn vào VN, giảm tình trạng gian lận thương mại. 

Các chính sách về thuế có thể được tiếp tục áp dụng mở rộng đối tượng, kết hợp cùng nâng cao hàng rào kỹ thuật để bảo vệ DN sản xuất lẫn người tiêu dùng, tránh các sản phẩm chất lượng kém tràn lan trên thị trường. Đơn cử, có thể hướng đến xây dựng các bộ tiêu chuẩn "xanh", áp dụng cho cả sản phẩm nhập khẩu cũng như ngành thép trong nước, vừa là một cách siết thép ngoại, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững của VN. 

Hiện nay tại VN các điều kiện nhập khẩu rất "lỏng lẻo". Đơn cử, thép không nằm trong mặt hàng nhóm 2 gây mất an toàn theo TT 06/2020/TT-BKHCN nên không yêu cầu công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Thép nhập khẩu hiện nay đa phần thuế nhập khẩu là 0%, hàng hóa luồng xanh nên được miễn kiểm tra chi tiết về hồ sơ và hàng hóa. Vì thế, Chính phủ cần có chính sách quyết liệt xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra các mặt hàng nói chung và thép nhập khẩu vào VN nói riêng. Cần phải có Chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của VN cấp phép cho hàng hóa nhập khẩu vào VN.

Đại diện Hiệp hội Thép VN (VSA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.