Còn bất cập

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
30/01/2018 05:08 GMT+7

Nghị định 116 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô sau khi có hiệu lực đã gây ra nhiều tranh luận.

Đơn cử quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài nhưng nước ngoài lại không cấp giấy này. 

Cũng như VN xuất khẩu thanh long vào Mỹ thì nước này sẽ kiểm định xem thanh long VN có đủ chất lượng vào Mỹ hay không chứ VN không thể quyết định chất lượng thanh long vào Mỹ được.
Thế nên ngay khi quy định này có hiệu lực, nhiều hãng ô tô bị đóng băng, không thể tiếp tục nhập xe về bán, dẫn tới thị trường khan hiếm, giá xe bị đẩy lên.
Đòi hỏi những cái không có hoặc rất khó khăn để có chính là một loại giấy phép con, một dạng điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành rà soát loại bỏ. Tương tự, yêu cầu thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu thay vì thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên như quy định hiện hành đang làm lãng phí thời gian và làm tăng thêm chí phí cho doanh nghiệp. Theo tính toán, thời gian thử nghiệm mỗi lô xe khoảng 2 tháng với chi phí 10.000 USD. Tất nhiên, chi phí này được bổ trên giá và người mua cuối cùng là người gánh.
Ngay từ khi dự thảo, ban hành đến trước khi có hiệu lực, Nghị định 116 đã gây rất nhiều tranh luận, kiến nghị, hội thảo, tọa đàm. Những vấn đề này đều đã được đặt ra nhưng "phe" ủng hộ luôn cho rằng làm như vậy để bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Nhưng thực tế cho thấy, người tiêu dùng đang là đối tượng bị thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp từ những quy định này.
Suốt thời gian qua, họ đã mong chờ đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, giá xe sẽ rẻ hơn. Đáng buồn là điều này đã không xảy ra. Thuế đã giảm nhưng chi phí tăng, xe nhập vướng rào cản không vào được dẫn đến thị trường khan hiếm..., giá xe đội lên. Nhiều người đang lo ngại, tình trạng này nếu không nhanh chóng được giải quyết, rất có thể các hãng trong nước sẽ tăng giá xe khi cung giảm, cầu tăng.
Đồng ý là chúng ta cần bảo vệ thị trường trong nước nhưng dùng hàng rào kỹ thuật kiểu này vừa không có lợi cho sự phát triển của ngành ô tô nội địa, vừa gây thiệt hại cho người dùng và doanh nghiệp không “tâm phục, khẩu phục”. Chưa kể xe hơi với đa số người Việt là một tài sản lớn. Nếu ô tô nhập khẩu mà công nghệ lạc hậu, chất lượng kém, giá thành cao thì tự sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, thị trường đào thải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.