Đừng để quá muộn
Ông Hoàng Anh Tú, một nhà báo đang sống ở Hà Nội, hiện có 3 con học tiểu học, bày tỏ sự đau xót khi đọc tin tức về vụ học sinh lớp 10 Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến (TP.HCM) tự tử vì áp lực học hành.
Ông Tú chia sẻ: “Nhiều bậc cha mẹ luôn đem những tấm gương 'cô bé chăn lợn đạt thủ khoa' hay 'mẹ quét rác, con đỗ thủ khoa 3 trường' ra để răn con mình rằng tại sao con có điều kiện học hành đàng hoàng hơn mà lại không làm được. Thậm chí, bài thi đạt 9 điểm cha mẹ vẫn hỏi con: Thế còn 1 điểm nữa sao để mất?”.
Ông Tú cho biết mình thấy mệt mỏi khi thấy cảnh các vị phụ huynh vất vả đưa con đi chạy "show" các lớp học thêm, cảnh nhà nhà chạy đua đầu tư cho con, ép con học từ sáng đến đêm để có được thành tích tốt, để được tự hào khoe với họ hàng, bè bạn.
“Tôi mong quý phụ huynh nghĩ rằng con mình không phải tấm huy chương của mình. Tôi cũng mong các thầy cô đừng biến điểm số của học trò thành thước đo năng lực giáo viên”, ông Tú chia sẻ.
Phụ huynh Xuân Thịnh (ở Nông Cống, Thanh Hóa,) chỉ ra lịch học của một học sinh tiểu học mà cô biết: Sáng, chiều từ thứ 2 đến thứ 6 học ở trường. Các buổi tối phụ đạo đến 22 giờ. Từ 22-24 giờ tự học. Sáng dậy từ lúc 5 giờ để học. Cả tuần chỉ được nghỉ chiều chủ nhật. “Tôi nghe mà xót. Khuyên cha mẹ giảm áp lực cho con thì họ lại nghĩ mình ganh tị với con họ”, anh Xuân Thịnh nói.
“Khi cha mẹ đọc được tâm tư của con thì đã quá muộn! Chúng ta hãy dừng ngay việc ép buộc con phải trở thành niềm tự hào của mình”, anh Quang Hải (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) nêu quan điểm.
Chỉ cần con sống vui vẻ
Cái chết oan ức của một số cô cậu học trò trong thời gian qua như một tiếng chuông làm bừng tỉnh nhiều phụ huynh. Ông Trương Tuấn Dũng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) lo sợ kể lại: “Tôi sinh được 2 con. Con gái học rất giỏi nên giành được học bổng toàn phần của một trường ĐH ở Mỹ. Nay cháu thứ 2 đang học lớp 11. Vợ chồng tôi vẫn luôn nói với con thứ 2 là hãy noi gương chị gái để làm ba mẹ tự hào. Tôi thấy con mỗi lần nghe ba mẹ nói thế là lầm lì bỏ vào trong phòng. Giờ thì tôi hiểu ra chính việc đó đã gây áp lực cho con, có khi nó là nguyên nhân chính khiến con tôi ngày càng ít nói cười, chỉ biết học”.
Nhiều phụ huynh sau khi nhìn lại đã tự thừa nhận mình đang “có vấn đề” khi cho con học thêm quá nhiều, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, đòi hỏi con phải đạt điểm cao, tỏ ra buồn bã thất vọng khi con bị điểm thấp…
“Chúng ta đã cướp mất sự hồn nhiên, trong trẻo và những giờ phút vui chơi thoải mái của các con, chỉ để phục vụ cho mong muốn của bản thân mình. Giờ tôi chỉ cần con mình học hành thoải mái, đúng với khả năng tiếp nhận của con. Để con sống vui vẻ, dạy con những điều tốt để lớn lên con làm người tử tế là được rồi”, bà Thu Trang có con đang học lớp 4, Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM, thổ lộ.
Đừng bắt con trở thành đứa trẻ hoàn hảo
Tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết dấu hiệu để nhận thấy con mình đang bị áp lực, bế tắc trong học tập là con thể hiện sự chán nản, buồn bã, lầm lì trên nét mặt, ánh mắt, cử chỉ. Phụ huynh cần theo dõi, quan sát chứ không phải chỉ “lắng nghe”, bởi có nhiều đứa trẻ khi được hỏi sẽ chỉ lắc đầu. “Các bậc phụ huynh đừng bắt con trở thành đứa trẻ hoàn hảo hay thần đồng vì mỗi trẻ có một sở trường, sở đoản riêng chứ không ai giỏi toàn diện. Đừng lấy lý tưởng, mong ước của mình áp đặt vào cuộc đời của con. Hãy để cho các con cảm thấy hứng thú khi học tập, chứ không biến việc học của con là trách nhiệm nặng nề. Khi phát hiện con chán nản, lầm lì phải ngay lập tức tìm cách tháo gỡ, giành thời gian cho con, là chỗ dựa của con”, tiến sĩ Nam đưa ra lời khuyên. |
Bình luận (0)