Lúc đầu, khi bà nói vậy, cả nhà nghĩ tại bà đau buồn quá nên nhìn đâu cũng thấy bóng dáng con mình. Thế nhưng mấy tháng qua, cứ chiều chiều, bà lại ra ngó giàn tigôn, ngước mặt lên để hóng con chim sẻ bay về, có khi bà còn lầm rầm chuyện trò, lúc cười lúc khóc.
Kể cũng lạ, không biết con chim sẻ đó đã đậu trên cây tigôn từ trước hay là sau ngày con trai bà Thỉ mất. Người trong nhà cũng không để ý. Chỉ biết rằng, sau tuần thất thứ nhất, một buổi chiều, bà Thỉ ra vườn đứng trông, ngó lên giàn cây, trên một nhánh mỏng manh vắt xuống tựa như chiếc võng, có một con chim sẻ đang đậu. Vài bông tigôn rụng xuống đất, không biết do gió hay do con chim làm cành lá lung lay. Đó là con chim dạn người, nó mở mắt thao láo nhìn bà Thỉ không chút sợ hãi, không hề đập cánh bay đi. Bà đinh ninh đó là con trai bà từ hôm ấy, là kiếp sau của chú Tiến.
Người ta chết rồi sẽ hóa kiếp, bà bảo vậy. Xác thân của mỗi kiếp sẽ khác nhau, có khi kiếp này bà với con làm thân người nhưng kiếp sau bà làm con chó con mèo, con làm người hay làm chim, làm cá chi đó, không ai biết được. Con nghe từ “vô lượng kiếp” chưa? Tôi gật đầu. Tôi cũng tin vào Phật pháp và có tìm hiểu sơ sơ nên những lời bà nói, tôi nghĩ cũng có lý. Tuy nhiên, chuyện con chim sẻ có phải là chú Tiến hóa thân thành hay không thì tôi không biết.
Minh họa: Tuấn Anh |
Hồi bà nội tôi còn sống, mỗi lần gần giỗ ông, bà hay đi ngó nghiêng khắp nhà rồi kêu lên, à, về đây rồi. Bà nội chỉ vào con bướm trắng đang đậu trên vách tường rồi bảo với tôi là ông nội bây đó. Cứ khi nào sắp giỗ, thể nào ông nội cũng về nhìn con cháu, nhìn bà con. Bà nội nói mai mốt bà chết rồi, có khi bà cũng hóa thành chim, thành bướm rồi bay về thăm con như vậy. Hồi đó, tôi còn nhỏ, mấy lời bà nội nói tôi xem như trong cơn lẩn thẩn của người già, không để tâm và không sợ hãi. Bà Thỉ là em gái của bà nội tôi. Thành ra, suy nghĩ của hai người cũng có phần giống nhau thiệt.
Từ ngày chú Tiến mất, bà Thỉ già đi cả chục tuổi, người rọm đi, chẳng thiết tha ăn uống, ngủ nghỉ. Ba tôi nói bà sốc quá nên vậy, tội nghiệp, tóc bạc tiễn tóc xanh bao giờ cũng đau đớn không kể xiết. Với đám con cháu trong nhà, bà hạp tính tôi hơn cả, thế nên, ba hay bảo tôi nếu rảnh thì sang nhà, ngồi chơi, nói chuyện cho bà Thỉ khuây khỏa. Cũng không cần ba nhắc, từ ngày bà nội tôi mất, tôi siêng sang chơi với bà Thỉ nhiều hơn. Từ hình dáng đến giọng nói, điệu bộ và cử chỉ, bà Thỉ và nội tôi rất giống nhau, như hai chị em sinh đôi vậy. Nhiều khi ngồi với bà Thỉ, tôi cũng giật mình, tưởng đang ngồi với bà nội.
Mới đây, thím kéo tôi ra góc bếp, bảo tôi khuyên bà Thỉ giùm. Chứ kiểu này, nhiều khi thím sợ quá, chẳng dám ở đây nữa. Dạo này, cứ chiều chiều, bà Thỉ lại ra đứng dưới gốc tigôn và đợi con chim sẻ. Hôm nào nó về sớm thì bà mừng hệt như ngày xưa mừng chú Tiến tan làm. Hôm nào con chim sẻ về muộn, bà Thỉ cũng thắc thỏm trông ngóng hệt ngày trước từng ngóng chú mỗi cuối ngày.
Ba tôi nói, cũng là đàn ông, làm con rồi làm cha nhưng trần đời này, chưa thấy ai hiếu thảo và thương mạ như chú Tiến. Con nít còn nhỏ quấn quít và thương mạ thì không nói chi, đằng này, một người lớn tuổi như chú, trong lòng vẫn luôn có mạ. Mấy lần chú ngồi nhậu ngay ngã ba, thím trông thấy, chẳng nói chẳng rằng, thím chạy về nhà nói với bà Thỉ, mạ, anh Tiến ngồi uống rượu ở đầu ngã ba. Nghe vậy, bà xỏ dép đi ra cổng, đi vài bước sẽ réo tên chú. Chỉ cần nghe tiếng gọi lần thứ hai, chú chia tay bạn nhậu, phủi quần đứng dậy, tau về, cả mạ kêu. Trăm lần như một và ai nói chi thì nói, chú mặc kệ.
Sắp năm mươi tuổi nhưng mạ nói chi, chú đều dạ thưa lễ phép và tuyệt nhiên chưa bao giờ trái ý. Sớm ra, như người ta sẽ đi cà phê rề rà với người này người nọ, chú thì lóc cóc pha sẵn ấm nước chè, rồi lấy nước ấm cho mạ rửa mặt, súc miệng, sau đó đi mua đồ ăn sáng hoặc tự tay nấu cho mạ. Bà Thỉ còn khỏe, chưa đến nỗi không thể tự làm những việc đó, nhưng chú muốn làm vậy vì chú biết bà sẽ vui. Buổi trưa, chú chạy gần mười cây số về nhà để ăn cơm cùng mạ, dù thím nói anh ở lại trên chỗ làm mà chợp mắt cho khỏe nhưng chú nói biết còn ăn với mạ được mấy bữa cơm, phải về chớ.
Thế nên, một người thương mạ như chú, làm sao có thể tự tử, để mạ già khóc thương và đau đớn đến vậy. Hôm đám tang chú, tôi cảm giác người ta tới vì tò mò nhiều hơn là tới để chia buồn. Bữa đó, cả nhà tôi đứng ra phụ bà Thỉ và thím lo hậu sự. Ba tôi thì lo lễ nghi. Mạ lo chuyện bếp núc. Hai chị em tôi lo trà nước, khách khứa. Thím và hai đứa nhỏ ngồi bên quan tài, mặt thất thần. Bà Thỉ thì ngất lên ngất xuống, phải truyền nước và uống thuốc ngủ suốt mấy ngày liền. Người trong nhà đâu ai tỉnh táo để lo chuyện tang gia.
Tâm thế một người mẹ sẽ chẳng bao giờ tin đứa con trai vốn yêu đời và đặc biệt có hiếu lại có thể làm việc dại dột đến thế. Nhưng quan trọng là lý do, tại sao, can cớ chi mà chú Tiến lại hành động nông nổi vậy thì không ai biết. Bà từng nghĩ không lẽ thằng con giận bà vì bà không chịu nói cha của nó là ai. Không, chú luôn tôn trọng quyết định của mạ mình mà, còn bảo quên đi càng tốt, không biết cũng hay. Vậy lý do gì khiến chú uống cạn chai thuốc trừ sâu, khiến cả căn nhà nồng nặc mùi độc hại...
Giàn tigôn này một tay chú Tiến trồng và chăm sóc. Chú là người mê hoa lá, trong vườn, mùa nào có hoa nấy. Từ mấy loại bình thường như thọ, thược dược, huệ mưa, mười giờ đến những loại hồng cổ, hồng ngoại, hướng dương… chú đều ươm giống và trồng thành công. “Tay hắn lành”, bà Thỉ hay nói vậy, vì rau trái hoa cỏ vô tay chú đều ra trái trổ bông đậm đà. Có đợt, chú được mấy người trên thị xã nhờ lên nhà trồng cây giúp họ. Dần dần, chú có thêm nghề tay trái là trồng và chăm sóc cây cảnh cho mấy nhà giàu. Giàn tigôn đó chú trồng đã lâu, gốc cây đã khá to, dây leo rậm rạp, tới mùa hoa nở tràn trề tạo thành một tấm thảm màu hồng nhạt điểm xuyết vài lá xanh, nhìn đẹp mê. Bao nhiêu người đến xin nhánh về trồng nhưng hiếm người chăm cho cây sống được. Tôi cũng đem nhánh về trồng mấy lần nhưng không lên cây nào. Có lần chú nói vậy cũng tốt, nhà có con gái thì đừng trồng loại này. Là chú bảo hoa này mang nghĩa chia ly, từ biệt, cháu biết bài thơ Hai sắc hoa Tigôn rồi chớ chi. Trồng bông rồi khó lấy chồng, ba mạ bây lại la tau. Tôi cười, chẳng biết có phải vậy không, nhưng bông tigôn đúng là có hình dáng trái tim tan vỡ, ngó cũng buồn thiệt.
Đợt đó, tôi không thấy chú buồn hay có tâm trạng gì. Nếu trầm cảm, hẳn đã có triệu chứng, có biểu hiện rõ ràng, chẳng hạn như chú đăm chiêu hơn, chú ít nói ít cười hơn. Đằng này, chú vẫn rất bình thường. Không lẽ chú giấu cảm xúc giỏi nên không ai nhận ra. Bà Thỉ nói chú không hề dặn dò, không trăn trối một lời nào với bà, nên bà càng không tin chú có thể làm chuyện dại dột đó.
Thím và hai đứa nhỏ tìm khắp nhà nhưng không thấy thư tuyệt mệnh hay một nhắn nhủ bằng hình thức nào khác. Bữa đó, dù ngất lên ngất xuống nhưng bà không cho công an khám nghiệm hiện trường và tử thi. Dù sao, họ vẫn làm nhiệm vụ và kết luận là chú Tiến tự tử, lý do có thể là vì trầm cảm hoặc uất ức, mâu thuẫn gì đó. Gia đình không yêu cầu điều tra nguyên nhân cặn kẽ nên mọi kết luận dừng lại ở đó. Dù sao, họ cũng đã gạt qua những đồn thổi rằng chú nợ nần, cờ bạc này nọ. Không có, con tôi không bao giờ làm những chuyện sai quấy đó. Bà Thỉ nói chắc nịch vậy với mấy chú bên công an. Còn mấy từ như trầm cảm, u uất, bà chưa nghe bao giờ, bà không tin con mình có bệnh, càng không tin một căn bệnh không biểu hiện gì ở xác thân lại có thể khiến thằng con trai của bà tìm đến cái chết.
Bà xin chú bây từ nhiều người đàn ông. Nên giờ hỏi cha nó là ai, bà cũng không chắc lắm. Có thể là ông giáo già ở làng bên (mà ông ấy chết lâu rồi), có thể là một người thợ cầu đường ở Bắc (chừ biết đường mô để tìm), cũng có thể là người đó (tôi hỏi lại là ai thì bà im lặng). Bà buồn bã, thật tình, chính bà cũng không rõ thì làm sao có thể nói với chú. Khi biết có bầu, ai cũng dòm ngó, nói vô nói ra. Thời đó không tiến bộ như chừ, không chồng mà chửa chịu bao điều tiếng. Cũng nhờ bà nội bây cưu mang hai mạ con qua đoạn ngặt nghèo đó. Rồi chú lớn lên, mang tiếng con không cha, lòng dạ ắt cũng nhiều hờn tủi. Có điều, may thay chú thấy bà vất vả nên rất hiếu thuận. Học xong có điều kiện đi làm này nọ nhưng chú Tiến cũng quyết định về quê để ở gần bà. Chú nói chú có thể có nhiều thứ, còn bà, bà chỉ có một mình chú thôi.
Mỗi đêm, trước khi đi nằm, bà vẫn nguyện trong lòng, con sống khôn thác thiêng, còn điều chi lấn cấn hay muốn tỏ bày thì về nói với mạ, mạ người trần mắt thịt nhiều khi không biết. Ai làm chi sai với con, ai làm chi khiến con uất hận thì nói với mạ, mạ sẽ đòi công bằng cho con. Thế nhưng, mấy tháng qua, bà chưa bao giờ nằm mơ thấy chú Tiến, cả thím cũng không hề nằm chộ. Thím nói, mạ cứ rứa chồng con càng khó siêu thoát. Mạ đừng buồn, đừng nghĩ, đừng nhắc nhiều nữa, để anh đi cho nhẹ nhàng. Bà Thỉ nói lại, thoát xác rồi, làm chim sẻ đó rồi, bây không tin ư.
Trong lòng người mạ quá thương con như bà, thật khó để cam tâm và chấp nhận cái chết tức tưởi của con trai. Bà nửa tin, nửa ngờ vực, lúc thì cho rằng chú đã đến được cõi khác, lúc thì nghĩ rằng vía chú đang khóc lóc ỉ ôi ở nơi nào đó. Bà bắt thím chở đi tìm thầy để gọi hồn chú lên, truy hỏi nguyên do và cặn kẽ về tình trạng hiện giờ. Chẳng biết thiệt thà chi không, ông thầy nói chú loanh quanh ở trong nhà, tìm kiếm hỏi han chi cho mệt. Còn thầy gọi lên để nói chuyện với mạ thì chú không lên, kêu bận việc. Bà Thỉ hồ nghi lắm, đứa con hiếu thảo chẳng bao giờ từ chối bà, chưa bao giờ bà gọi mà nó không thưa, nhất định là có chuyện khó nói. Bà phải tìm, phải truy cho tỏ tường mới an tâm.
Thím nói hết chịu nổi rồi. Đêm hôm, bà Thỉ ra vườn, tìm dấu vết con chim sẻ rồi nói chuyện một mình. Thím nói cứ thế này, người phát điên trước tiên là thím chứ không phải là bà. Nỗi buồn thương ai cũng như nhau, bà buồn vì mất con thì thím cũng buồn vì mất chồng, con cái buồn vì mất cha. Biết bà thương đó nhưng cứ làm thế khiến mấy mạ con cũng không sống nổi. Lỡ bữa nào nấu chi ngon cho mấy đứa, bà nói khóe, cha bây chừ đói no, ấm lạnh răng không biết, mà tụi bây còn tâm trạng ăn ngon. Tụi nó coi phim hay nằm xem điện thoại rồi bật cười, bà thấy vậy thì thở dài, bảo con cái mà không xót lo chi cho cha. Trời ơi, tụi nó đang tuổi ăn tuổi lớn mà, huống chi người sống còn phải sống tiếp chứ. Sớm ra, thím gọi điện thoại cho tôi khóc lóc một hồi rồi kể than vậy. Thím nói bà Thỉ hôm qua giờ không chịu ăn, không chịu ngủ vì con chim sẻ không về đậu trên cây.
Nếu bà Thỉ biết thằng Tứ đã dùng ná bắn con chim sẻ ấy rồi thì bà sẽ ra sao. Có lần, nó nói đó không phải là ba nó. Mà nó cũng không có một người cha ích kỷ vậy, dù lý do là chi đi chăng nữa, ông cũng không được làm thế với bà nội, với mẹ con nó. Hóa ra, thằng con trai mười bảy tuổi của chú Tiến lại có những suy nghĩ và hành động như vậy.
Tôi không biết có nên nói ra hay phải cất giữ mãi điều này cho riêng chú. Rằng mấy tháng trước, chú có kể với tôi, chú tìm thấy người bạn thực sự của đời mình. Đó là một người đàn ông không có vợ, sống một mình trong căn nhà rộng nhiều hoa lá. Tụi chú như kiểu tri âm tri kỷ bỗng nhiên tìm thấy nhau. Người và người tìm thấy nhau, hiểu thấu nhau từ tâm can đến suy nghĩ, từ sở thích đến ước vọng, từ nỗi vui đến nỗi buồn thì hiếm lắm. Nhưng khi nhìn thấy tấm ảnh của bà Thỉ hồi trẻ trong cuốn album cũ tại nhà người ta, chú lờ mờ nhận ra mình và họ có khi cùng huyết thống. Biết đâu, sợi dây liên lạc vô hình khi chung dòng máu đã khiến họ thân thêm thân, đồng cảm thêm đồng cảm dù là khác biệt, dù bẽ bàng, dù không như mọi người. Tôi không biết liệu đó có phải là lý do để chú giã từ cuộc đời một cách dứt khoát, bởi lúc kể chuyện này trông chú bình tĩnh lạ lùng như thể nó là một chuyện bể dâu của cuộc đời ai đó khác.
Khi tôi đang phân vân suy nghĩ liệu mình nên ôm giữ chuyện này hay nói ra thì nghe ba bảo bà Thỉ đã ăn uống và hoạt bát trở lại, bởi bà đã tìm thấy một cánh bướm nhỏ đậu trên tường nhà trong buổi sớm mai.
Bình luận (0)