Vụ lừa 8 tỉ USD
Trong thời đại khủng hoảng kinh tế, thế giới và nước Mỹ đã phải chứng kiến nhiều vụ lừa đảo chấn động. Khủng khiếp nhất là vụ tỉ phú Bernard Madoff với vụ gian lận tài chính lên tới 50 tỉ USD ở Phố Wall. Hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư khắp thế giới đã bị mất tiền, một số doanh nhân thậm chí đã tìm đến cái chết khi tài sản bị bốc hơi trong vụ Madoff. Khi trận địa chấn này chưa kết thúc thì một vụ lừa đảo khác, nhỏ hơn, nhưng cũng gây chấn động thế giới đã xảy ra tại Ấn Độ.
Đó là vụ Byrraju Ramalinga Raju, nhà sáng lập Tập đoàn Satyam Computers, bị bắt vì tội gian lận tài chính lên tới 1 tỉ USD. Tiếp đó, vào đầu tháng 2.2009, cơ quan điều tra tại Nhật Bản cũng đã bắt giữ Kazutsugi Nami - người đứng đầu Tập đoàn L&G - và 21 người khác liên quan tới vụ sử dụng hệ thống kinh doanh lừa đảo Ponzi khiến hàng chục ngàn người mất tổng cộng số tiền 2,5 tỉ USD. Giờ đây, nước Mỹ và thế giới lại tiếp tục chấn động trước vụ lừa đảo của nhà tài phiệt ở Texas - tỉ phú từng rất được kính trọng Allen Stanford.
Hãng tin AP cho biết vào đầu tháng 2, một loạt cơ quan chức năng của Mỹ như Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Văn phòng Giám sát tài chính bang Florida... đã mở cuộc điều tra nhằm vào Stanford Financial Group, tập đoàn tài chính do Stanford, 58 tuổi, đứng đầu. Theo các cáo buộc thì công ty con của tập đoàn này là nhân vật trung tâm của một vụ gian lận tài chính lên tới 8 tỉ USD, với các nạn nhân chủ yếu là tại Mỹ, vùng Caribe, Nam Mỹ và châu u.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Venezuela nói rằng các công dân tại nước này đã đầu tư khoảng 2,5 tỉ USD vào hệ thống kinh doanh lừa đảo của Stanford. Các nhà đầu tư, người ít thì vài ngàn USD, người nhiều thì vài chục, vài trăm, thậm chí vài triệu USD, đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Chính vì thế, sau khi thông tin về việc nhà chức trách Mỹ điều tra chuyện làm ăn của tỉ phú Stanford, tình trạng rối loạn đã xảy ra tại nhiều nơi.
Từ các nước vùng Caribe tới Nam Mỹ, khách hàng đã kéo đến các cơ sở kinh doanh nằm trong hệ thống của Stanford Financial Group với hy vọng lấy lại tiền đã trót đầu tư. Có nơi người ta xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi, cũng có nơi xảy ra tình trạng bạo động, bao vây ngân hàng. Nhiều quốc gia, trong đó có Venezuela, Peru, Panama, Ecuador..., đã ra lệnh phong tỏa các chi nhánh của Stanford Financial Group. Điều mà lâu nay người ta thường cảnh báo, đó là khó khăn kinh tế có thể gây ra bất ổn xã hội, đang trở thành nguy cơ ngày một sát sườn.
Người hùng biến mất
Allen Stanford sinh năm 1950 và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh trong ngành bất động sản vào những năm 80 của thế kỷ trước. Từ sự khởi đầu này, ông ta đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh vào các ngành bảo hiểm, tài chính nhờ thừa kế một số cơ sở làm ăn từ cha. Đến trước khi bị điều tra vào đầu năm nay, theo tạp chí Forbes, tỉ phú Stanford đã có gia tài lên tới 2,2 tỉ USD và quản lý các hoạt động kinh doanh với tổng tài sản trên 50 tỉ USD. Tập đoàn Stanford
Financial Group của ông ta có khách hàng tại 136 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Thăng hoa trên thương trường, ngài tỉ phú vùng Texas đã chi rất nhiều tiền cho hoạt động thể thao, trong đó các bộ môn như golf, polo, cricket, thuyền buồm, quần vợt... được ông đặc biệt quan tâm. Stanford chính là người đã tài trợ cho giải quần vợt Outback Champions Series quy tụ các ngôi sao lừng danh của quá khứ như Jim Courier, John McEnroe và Pete Sampras. Những đóng góp trên đã biến Stanford thành một tên tuổi lớn trong làng thể thao Mỹ và thế giới, dù ông không phải là một vận động viên hay huấn luyện viên chuyên nghiệp. Nhiều ngôi sao thể thao lớn có quan hệ rất gần gũi với tỉ phú vùng Texas.
Bên cạnh các đóng góp cho thể thao, Stanford còn là một nhà từ thiện nổi bật. Hoạt động từ thiện chính của ông ta là quyên tiền cho Bệnh viện Nhi St.Jude ở Memphis, tiểu bang Tennessee, nơi vào năm 2008 ông đã đóng góp 8 triệu USD. Stanford cũng được biết đến như là một người có nhiều đóng góp cho các quỹ chính trị của một số chính trị gia tên tuổi ở Mỹ.
Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh một người hùng, Stanford còn được biết đến như một người ba hoa và vướng nhiều bê bối. Vào năm 2001, Stanford nói rằng ông cụ của ông ta có bà con họ hàng với Leland Stanford, người sáng lập Đại học Stanford danh tiếng. Tuy nhiên, đại diện của Đại học Stanford đã bác bỏ điều đó và vào năm 2008, trường đã kiện Stanford sử dụng tên trường trong một số sự kiện không thích hợp, gây ra sự ngộ nhận. Cũng trong năm 2008, FBI đã mở cuộc điều tra nhằm làm rõ các cáo buộc rằng Stanford đã tham gia rửa tiền cho các tập đoàn ma túy ở Mexico.
Hình ảnh đẹp đẽ của ngài tỉ phú bắt đầu bị hoen ố. Vào ngày 17.2, giới chức Mỹ lại mở tiếp các cuộc điều tra khác nhằm vào tập đoàn của Stanford liên quan tới hoạt động gian lận 8 tỉ USD nói trên. Hàng loạt văn phòng và cơ sở kinh doanh của Stanford đã bị lục soát.
Giữa lúc cơ quan điều tra đang hối hả làm việc thì tỉ phú xứ Texas đột nhiên biến mất, không để lại tăm hơi. Nhiều thông tin ban đầu cho biết ông ta đang tìm cách hoặc đã chạy ra nước ngoài.
Tìm ra tung tích
Việc chủ nhân của một vụ cáo buộc lừa đảo 8 tỉ USD đột nhiên biến mất đã thúc đẩy các nhà điều tra Mỹ hành động nhanh chóng hơn. Cuối cùng FBI đã tìm ra được tỉ phú Stanford ở Fredericksburg, tiểu bang Virginia vào hôm 19.2.
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên FBI Richard Kolko cho biết dường như Stanford không có ý định chạy trốn như nhận định ban đầu của giới chức điều tra. Bản thân Stanford đã tìm cách chấm dứt cuộc săn đuổi của nhà chức trách bằng cách tiếp cận một vị quan chức của Bộ Tư pháp.
Allen Stanford, nhân vật trung tâm của vụ việc -Ảnh: Reuters |
Vào đầu giờ chiều ngày 19.2, Stanford ngồi trong một chiếc xe hơi do bạn gái chở tới điểm hẹn với vị quan chức. Vị đại diện Bộ Tư pháp này đã chuyển các quyết định điều tra tới cho Stanford. Cuộc gặp diễn ra khá ngắn ngủi và theo mô tả của vị quan chức thì Stanford có vẻ “rất thất vọng” về hoàn cảnh hiện tại. Tỉ phú xứ Texas cũng nói rằng ông ta ý thức được vấn đề và sẽ sắp xếp để nộp lại hộ chiếu cho nhà chức trách. Cùng ngày 19.2, tòa án đã ra phán quyết thu hộ chiếu của Stanford sau khi ông này bị Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái buộc tội gian lận tài chính 8 tỉ USD.
Các cáo buộc nhằm vào Allen Stanford hiện đang được nhà chức trách Mỹ làm rõ. Bản thân ông này phạm tội ở mức độ nào cũng đang được điều tra. Tuy nhiên, câu chuyện này đã để lại những hậu quả khôn lường, đó là sự hoảng loạn của hàng chục ngàn người khắp châu Mỹ và châu u trong mấy ngày qua. Hiện người ta cũng chưa biết liệu tất cả số tiền 8 tỉ USD nói trên sẽ bị mất sạch hay có thể lấy lại được một phần. Vụ lừa đảo mang tên Allen Stanford một lần nữa thêm vào bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu một gam màu xám xịt.
Công ty đầu tiên của gia đình Stanford được thành lập ở Texas vào năm 1932, do Lodis B.Stanford, ông nội của Allen Stanford, khởi xướng. Stanford Financial Group là một mạng lưới tài chính toàn cầu với nhiều công ty con, quản lý một khối lượng tài sản trên 50 tỉ USD. Stanford Financial Bank có trụ sở tại Antigua và Barbuda, một quốc gia nhỏ bé nằm trong vùng biển Caribe, là trung tâm của vụ bê bối. Ngân hàng này có 30.000 khách hàng trên thế giới. |
Đỗ Hùng
Bình luận (0)