Theo thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng phòng Tham mưu (Công an TP.HCM), nguyên nhân sâu xa là do thanh thiếu niên bắt chước hành vi bạo lực từ phim ảnh, internet… Nhiều vụ bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ, nhưng do không ngăn chặn kịp thời dẫn đến ẩu đả, thậm chí gây ra án mạng. Vụ “băng nhóm áo cam” đâm chém người ở quán nhậu Ốc Hương (Q.Bình Tân) xảy ra tối 5.6 là một điển hình.
Mặc “đồng phục” để dễ phân biệt
Liên quan vụ việc này, chiều 8.6, theo nguồn tin của Thanh Niên, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP.HCM phối hợp với Công an Q.Bình Tân đã bắt giữ được 25 nghi can để điều tra về 3 hành vi: gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản.
Vụ việc xảy ra khoảng 20 giờ 30 ngày 5.6, tại quán nhậu Ốc Hương (số 86 - 88 đường số 6, KP.8, P.An Lạc, Q.Bình Tân). Theo đó, khoảng 200 thanh thiếu niên đi xe máy, phần đông khoác áo màu cam, trên tay cầm dao tự chế, chĩa ba ngạnh chạy qua nhiều tuyến đường, rồi đến trước quán và chửi vọng vào trong quán. Một số người xông vào quán đập phá bàn ghế, tủ kính và dùng vỏ chai bia đập vào đầu anh Lâm Thành Long (30 tuổi, ngụ P.14, Q.6), là khách tại quán.
Theo một cán bộ Công an TP.HCM, nguyên nhân “băng nhóm áo cam” kéo khoảng 200 người mang hung khí tới quán Ốc Hương đập phá, chém người là do mâu thuẫn với một nhóm khách thường hay lui tới ăn nhậu ở quán này. Cụ thể, nhóm của Th., Ch. “nhảm” xảy ra mâu thuẫn cá nhân với nhóm của T. “bê”. Người cầm đầu “băng nhóm áo cam” được cho là Th., Ch. “nhảm”. Tối 5.6, nhóm của Th., Ch. “nhảm” huy động thêm nhiều đối tượng của một số nhóm khác, số lượng khoảng 200 người đến quán Ốc Hương tìm nhóm T. “bê”. Không gặp nhóm đối thủ, nhưng có một thực khách mở điện thoại quay lại cảnh trên, nên nhóm này lấy cớ xông vào trong quán đập phá bàn ghế, tủ kính và dùng vỏ chai bia đập vào đầu anh Long.
|
Đáng nói, “băng nhóm áo cam” có tuổi đời từ 14 đến trên dưới 20. Theo một số nguồn tin, các đối tượng tự liên hệ, kết nối lôi kéo nhau trên mạng xã hội và qua điện thoại. Nhóm được chia làm nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 10 - 30 người, nên có khi các đối tượng không biết mặt nhau. Vì thế, nhóm này chọn áo khoác màu cam để nhận diện để không bị nhầm lẫn với băng nhóm khác.
Vị cán bộ trên nói thêm những loại hung khí băng nhóm áo cam sử dụng bị công an thu giữ đều là hung khí (thu giữ nhiều chĩa ba ngạnh - PV) có lợi thế trong việc tấn công ở cự ly gần. Nhiều khả năng các loại hung khí được đặt mua trên mạng.
Không ngại “giải quyết ân oán”
Trước đây, trên địa bàn TP.HCM cũng từng xảy ra nhiều vụ băng nhóm thanh thiếu niên thông qua mạng xã hội và liên lạc bằng điện thoại, đã tập hợp hàng chục, thậm chí tổng cộng lên đến cả trăm đối tượng đi “giao chiến”. Đơn cử, tháng 10.2018, V.Q.V (20 tuổi) và N.P.M.C xảy ra mâu thuẫn, nên hẹn tối 6.10.2018 đến khu vực đường Võ Văn Kiệt (Q.5) để giải quyết mâu thuẫn.
Chuẩn bị cho “trận chiến”, C. và V. rủ thêm nhiều “chiến hữu” tham gia. Thậm chí một số người mới quen trên mạng xã hội, V., C. cũng kêu gọi gia nhập cùng băng nhóm đi đánh nhau… Hung khí gồm mã tấu, gậy, tuýp sắt được V., C. chuẩn bị. Xác định trận hỗn chiến đông người tham gia, sợ đánh nhầm quân nên V., C. thống nhất: nhóm của C. sẽ mang khẩu trang và đeo áo mưa vào cánh tay trái. Nhóm của V. cũng mang khẩu trang và đeo áo mưa vào tay phải. C. huy động khoảng 50 người, V. huy động khoảng 60 người tham gia.
|
Băng của C. chia làm hai nhóm, trong đó C. ở nhóm thứ nhất, tụ tập tại khu vực thuộc P.6 (Q.8) cùng với N.N.T, N.V.Đ, P.V.H, N.T.Th, T.T.C… Nhóm thứ 2 trong băng của C. tụ tập ở khu vực đường Cao Lỗ (P.4, Q.8)… Nhóm này được phát khẩu trang, áo mưa rồi đến chân cầu Hiệp Ân (P.5, Q.8) gặp hai thanh niên (chưa rõ lai lịch) để nhận hung khí.
Tuy nhiên, CSGT Q.8 tuần tra phát hiện truy đuổi, hai băng nhóm tháo chạy ra nhiều hướng. Khi đến cầu Nhị Thiên Đường (Q.8) thì hai băng nhóm đụng độ. Nhận tin báo, Công an Q.8 truy bắt 6 đối tượng chủ chốt liên quan ngay trong đêm. Sau đó, Công an Q.8 lần lượt bắt thêm nhiều đối tượng và đã khởi tố 21 bị can; thu giữ 13 xe gắn máy, 23 thanh sắt tự chế dùng làm hung khí, 2 dao nhọn, 1 mã tấu, 2 cây ba chĩa.
“Tuổi đời của băng nhóm này khá trẻ, cách tổ chức giống hệt trong phim, trên mạng xã hội, muốn thị uy, thích thể hiện, cầm hung khí giương cao chạy ngoài đường. Nhiều đối tượng không biết rõ nguyên nhân vụ việc cũng tham gia. Đây cũng lời là cảnh báo cho thanh thiếu niên khác nên tránh xa những thông tin xấu trên mạng xã hội, phim ảnh bạo lực để sống lành mạnh hơn”, một lãnh đạo Công an Q.8 cho biết.
Ngoài ra, một số sự vụ khác cũng tụ tập đông người sử dụng hung khí đâm chém nhau gây mất an ninh trật tự. Như tháng 8.2019, khoảng 20 thanh thiếu niên (độ tuổi từ 14 - 23) đi nhiều xe máy rượt đuổi truy sát nhau với một nhóm thanh thiếu niên khác trên đường Hoàng Diệu (Q.4) với mã tấu, tuýp sắt, súng bắn đạn bi khiến 1 người bị thương. Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, rồi lên mạng tìm đối phương để thách thức trên thế giới “ảo”, hẹn nhau hỗn chiến ở đời thực…
Tội phạm ngày càng trẻ hóa
Nhìn nhận về tình trạng tội phạm hiện nay, đại tá Vũ Hoàng Kiên, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an, đánh giá tội phạm hiện nay ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân ngoài việc quản lý, giáo dục của một bộ phận gia đình, nhà trường còn thiếu chặt chẽ, hời hợt thì hiện nay, thanh thiếu niên, người trẻ tuổi còn bị tác động bởi những phim ảnh, các loại game có tính chất bạo lực.
“Chúng hình thành rất nhanh và tan rã cũng rất nhanh. Các đối tượng trẻ tuổi phạm tội thường không có nghề nghiệp ổn định, không định hướng được tương lai của mình, chỉ biết ăn chơi lêu lổng, thậm chí nghiện game, nghiện ma túy, ảnh hưởng của phim ảnh bạo lực, cờ bạc, rượu chè... Các em dễ bị lôi kéo quan hệ với các đối tượng xấu dẫn tới tham gia vào các nhóm tội phạm”, đại tá Kiên nhấn mạnh.
Tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm pháp có chiều hướng tăng
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2019, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Từ đó có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ vị thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây hậu quả nghiêm trọng. Ðặc biệt, tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỷ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.
|
Bình luận (0)