Xe

Con đường 15 năm nằm trên... giấy, dân chui gầm cầu để vào nhà

19/04/2016 14:42 GMT+7

Câu chuyện tưởng như trò cười trên lại diễn ra ngay trung tâm TP.Đông Hà (Quảng Trị), làm hàng chục hộ dân bức xúc suốt 15 năm qua.

Câu chuyện tưởng như trò cười trên lại diễn ra ngay trung tâm TP.Đông Hà (Quảng Trị), làm hàng chục hộ dân bức xúc suốt 15 năm qua.

Ngôi nhà xập xệ của ông Toàn hiện có 12 người lớn nhỏ sinh sống cả thảy - Ảnh: Nguyễn PhúcNgôi nhà xập xệ của ông Toàn hiện có 12 người lớn nhỏ sinh sống cả thảy - Ảnh: Nguyễn Phúc
Chui gầm cầu để vào nhà
Năm 2001, khi công trình cầu vượt đường sắt Đông Hà hoàn thành cũng là lúc hàng chục hộ dân sinh sống ở khu vực dưới chân cầu (thuộc Khu phố 9, P.1, TP.Đông Hà) lâm vào những hệ lụy trời ơi.
Bởi đáng nhẽ, theo quy hoạch từ đầu, phải có một hệ thống đường kẹp hai bên cầu vượt nối từ đường Lê Văn Hưu ra đường Lê Duẩn được xây dựng. Nhưng dù đợi dài cả cổ thì quy hoạch về con đường rộng 6 m nêu trên vẫn chỉ là... quy hoạch.
“Từ năm 2001, chính quyền đã cho người đến nhà kiểm kê tài sản, vật kiết trúc nằm trong chỉ giới xây dựng công trình đường kẹp hai bên cầu vượt để đền bù cho gia đình tôi (nhưng chưa đền bù-PV). Cũng trong năm này người ta đã cho cắm mốc lộ giới. Cứ vài năm, tôi lại thấy có mấy anh công nhân đến đây đo đạc nhưng đường thì mãi chả thấy”, ông Nguyễn Văn Lộc, một người dân cho biết.
Không có đường, để mở lối vào nhà, nhiều hộ dân trong khu vực phải đi trên những con đường đất đầy sình lầy, chui dưới gầm cầu bẩn thỉu. “Đường nhỏ, chỉ có xe máy, xe đạp mới vào được, còn ô tô thì chịu cứng. Chưa hết, mỗi lần các gia đình chúng tôi có việc hiếu, việc hỉ, khách khứa đều rất khổ sở mới vào đến nhà”, một người dân khác than thở.
Sống khổ vì vướng quy hoạch
Không làm đường nhưng chính quyền đã không đình chỉ quy hoạch mà để gánh nặng đó treo trên đầu người dân suốt 15 năm.
Cũng ngần ấy thời gian, các hộ dân đã không được xây dựng, cơi nới gì trên diện tích đã quy hoạch vì sợ bị... phạt. Nhiều gia đình đành phải để nguyên những ngôi nhà cũ nát mà không dám đập bỏ hoặc xây mới.
Trong số này, oái oăm nhất là hộ ông Ngô Toàn. Gia đình ông có tổng cộng 12 người lớn bé đang chui rúc trong căn nhà rách nát được xây dựng từ năm 1980 rộng khoảng 60 m2. “Nhà chúng tôi như cái răng rụng, chắp vá khắp nơi, tôn lủng lổ chỗ, chuột bọ chạy rần rật. Mùa nắng thì nóng như rán mỡ, mùa mưa thì nước cống từ đâu chảy hết về nhà tôi”, bà Lê Thị Sen, vợ ông Toàn nói như khóc.
Chưa hết, do nhà của ông Toàn nằm ngay chân cầu vượt đường sắt, nhà lại thấp hơn mặt đường cả mét nên đã có không dưới 3 lần bị xe ô tô “ghé thăm”.
“Còn gì bất an hơn khi ngồi trong nhà mà vẫn có thể bị tai nạn giao thông bất kỳ lúc nào? Vậy mà chúng tôi đã phải sống phập phù như thế cả chừng ấy năm?”, ông Toàn nói đầy đau khổ. Theo giấy tờ ông Toàn cung cấp thì các đời Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị như: ông Lê Hữu Phúc, ông Nguyễn Đức Cường đều có chỉ đạo các ngành chức năng xem xét những kiến nghị của ông Toàn. Vậy mà, bao nhiêu năm qua, ngôi nhà xập xệ của ông vẫn tồn tại ở đó và chẳng có con đường nào đi qua để gia đình ông thoát cảnh sống “chui rúc”...

Dân tiếp tục chờ cho tp tiếp tục... kiến nghị!
Mang những bức xúc của những hộ dân sống dưới chân cầu vượt đường sắt Đông Hà lên UBND TP.Đông Hà, chúng tôi được ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng phòng quản lý đô thị cho hay: “Đường kẹp 2 bên cầu vượt thậm chí đã được đưa vào hồ sơ thiết kế ngay từ khi xây dựng cầu nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì không có vốn. Nếu làm được con đường này sẽ thuận lợi về giao thông, đẹp đô thị và giải tỏa bức xúc cho dân nên UBND TP nhiều lần đề xuất kiến nghị lên Sở GTVT, UBND tỉnh nhưng mọi thứ cứ... êm êm rứa! Thực tế, giờ tiền để làm đường không đáng bao nhiêu nhưng tiền đền bù giải phóng mặt bằng mới thực sự tốn kém”. Trước câu hỏi hướng giải quyết tiếp theo là như thế nào, ông Thành nói: “Có lẽ dân phải tiếp tục chờ để UBND TP tiếp tục kiến nghị lên cấp trên thôi!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.