Con đường cho kinh tế thế giới 2015

02/01/2015 08:00 GMT+7

2015 sẽ là một năm hội ngộ của các sáng kiến đa phương quan trọng. Chúng ta không thể để những sáng kiến này thất bại. Chúng ta cần có sự lựa chọn đúng, Thanh Niên xin độc quyền giới thiệu lời nhắn gửi của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde về những lựa chọn cấp thiết cho năm 2015.

2015 sẽ là một năm hội ngộ của các sáng kiến đa phương quan trọng. Chúng ta không thể để những sáng kiến này thất bại. Chúng ta cần có sự lựa chọn đúng, Thanh Niên xin độc quyền giới thiệu lời nhắn gửi của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde về những lựa chọn cấp thiết cho năm 2015.

 Nếu không có lựa chọn đúng, thị trường việc làm toàn cầu được dự báo sẽ vẫn ảm đạm trong năm 2015 - Ảnh: AFPNếu không có lựa chọn đúng, thị trường việc làm toàn cầu được dự báo sẽ vẫn ảm đạm
trong năm 2015 - Ảnh: AFP
Bước vào những ngày đầu năm 2015, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang đối mặt với 3 lựa chọn cơ bản: nỗ lực đạt được, duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế hoặc chấp nhận sự trì trệ; tìm cách cải thiện tính ổn định hoặc chịu chìm trong tình trạng bấp bênh; hợp tác, hội nhập hay là đơn thương độc mã vùng vẫy. Chúng ta không còn thời gian để chần chừ vì năm 2015 hứa hẹn sẽ là một năm được ăn cả ngã về không đối với cộng đồng toàn cầu.

Siết chặt quản lý tài chính

Ở lựa chọn đầu tiên, tăng trưởng kinh tế và việc làm đều rất cần thiết cho sự thịnh vượng và gắn kết xã hội, nhất là sau khi cuộc Đại suy thoái nổ ra vào năm 2008. Sáu năm sau khủng hoảng tài chính, khả năng phục hồi vẫn còn yếu và không đồng đều.
Tăng trưởng toàn cầu trong năm 2014 chỉ khoảng 3,3% và năm nay được dự báo dừng ở mức 3,8%. Một số nền kinh tế chủ chốt vẫn đang vật lộn với tình trạng giảm phát. Hơn 200 triệu người hiện không có việc làm. Nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng “lình xình”, tức một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít có việc làm mới.

Để thoát khỏi sự trì trệ này, chúng ta cần có một động lực mới về chính sách. Nếu các biện pháp được thông qua tại Hội nghị G20 hồi tháng 11 năm ngoái được thực thi đầy đủ, chúng sẽ giúp tăng GDP toàn cầu tăng lên hơn 2% vào năm 2018 và thu nhập toàn cầu sẽ có thêm 2.000 tỉ USD.
Ngoài ra, nếu đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách về giới trong lực lượng lao động xuống 25% trước năm 2025 thì 100 triệu phụ nữ sẽ có việc làm. Lãnh đạo các nước đã đề nghị IMF giám sát việc thực hiện các chiến lược tăng trưởng này. Chúng tôi sẽ làm như vậy, ở từng quốc gia một cũng như đối với từng cải cách một.
2015 sẽ là một năm hội ngộ của các sáng kiến đa phương quan trọng - Ảnh người dân Sydney chào đón năm mới 2015 - Reuters
Bên cạnh những cải cách về cơ cấu, việc tạo ra các động lực mới cho nền kinh tế sẽ đòi hỏi sự tham gia của mọi đòn bẩy cần thiết để kích cầu trên phạm vi toàn thế giới. Chừng nào tình hình tăng trưởng còn ảm đạm thì chúng ta vẫn cần các chính sách thả nổi và kích thích tiền tệ thích hợp nhưng cũng phải thận trọng tránh các tác dụng phụ có hại. Chính sách tài khóa nên tập trung vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và tạo công ăn việc làm, trong khi vẫn duy trì độ tín nhiệm trung hạn.
Trong khi đó, các chính sách liên quan tới thị trường lao động nên tiếp tục chú trọng đến đào tạo nhân lực, xây dựng môi trường làm việc linh hoạt, an toàn cũng như tạo điều kiện thoải mái cho các nữ nhân viên chăm sóc con nhỏ.

Khi suy ngẫm về lựa chọn thứ hai, giữa sự ổn định và tình trạng bấp bênh, chúng ta phải nghĩ cách làm cho thế giới ngày càng gắn kết của chúng ta trở nên an toàn hơn. Hội nhập tài chính đã tăng gấp 10 lần kể từ thời Thế chiến 2. Nền kinh tế của các quốc gia đã trở nên gắn kết chặt chẽ tới mức chỉ cần lòng tin vào một thị trường cụ thể thay đổi là cộng đồng kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động.
Do đó, điều cần kíp là chúng ta phải hoàn thành các kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính. Về mặt này cũng đã đạt nhiều tiến triển, đặc biệt là trong việc siết lại các quy định quản lý ngân hàng cũng như giải quyết tình trạng tự tung tự tác của các “đại gia” tài chính lớn và đưa chúng vào khuôn khổ. Tuy nhiên, các chính phủ phải tiếp tục cải cách, tái cơ cấu và nâng cao hơn nữa chất lượng giám sát.

Chúng ta cũng cần có những quy định nghiêm ngặt hơn đối với các hệ thống tài chính phi ngân hàng, các thể chế tài chính phi chính thống lẫn tăng cường tính minh bạch trong thị trường tài chính phái sinh. Bảo đảm minh bạch thông tin, thống kê đầy đủ và ngăn ngừa tình trạng “phù phép” dữ liệu cũng hết sức quan trọng để giới hữu trách có thể đánh giá đúng các nguy cơ đe dọa ổn định tài chính,

Điều quan trọng nhất là văn hóa hoạt động trong lĩnh vực tài chính phải thay đổi. Mục đích chính của tài chính là cung cấp dịch vụ cho các bộ phận khác của nền kinh tế và điều này sẽ là bất khả thi nếu không có được niềm tin của những người phụ thuộc vào các dịch vụ đó. Vì thế, khôi phục niềm tin phải bắt đầu bằng nỗ lực trong sạch hóa và bảo đảm đạo đức hoạt động trong toàn ngành.

Chủ nghĩa đa phương mới

Lựa chọn thứ ba cũng là lựa chọn quan trọng nhất. Hiện nay, không có nền kinh tế nào là một ốc đảo và nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập hơn bao giờ hết. Hãy suy ngẫm điều này: 50 năm về trước, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển chiếm khoảng 1/4 GDP toàn cầu. Ngày nay, các thị trường này tạo ra một nửa thu nhập toàn cầu và vẫn đang tiếp tục tăng.
Năm 2015 có thể là một năm khó khăn tiếp theo nhưng cũng có thể là một năm nhiều triển vọng - Ảnh: Reuters
Thế nhưng, hiện nay trên sân khấu chính trị, kinh tế và xã hội thế giới không chỉ có các quốc gia. Một mạng lưới toàn cầu gồm nhiều diễn viên mới đã xuất hiện, bao gồm các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động công dân sử dụng một công cụ quyền lực mới là truyền thông mạng xã hội. Thực tế mới này đòi hỏi một phản ứng mới. Chúng ta sẽ cần phải điều chỉnh, thích nghi và đào sâu hơn các phương pháp làm việc cùng nhau.

Điều này có thể được xây dựng dựa trên các nền tảng hợp tác hiệu quả hiện có. Các tổ chức như IMF cần thể hiện rõ vai trò hơn trong trường hợp có sự chuyển biến động lực trong nền kinh tế toàn cầu. Cần chấp nhận các mạng lưới ảnh hưởng mới và trao cho chúng vai trò thích hợp trong cấu trúc quản lý toàn cầu của thế kỷ 21. Tôi gọi đây là “chủ nghĩa đa phương mới” và tin rằng đó là cách duy nhất để giải quyết những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang đối mặt.

2014 là năm nhiều khó khăn. Tiến trình phục hồi còn chậm, hàng loạt mối nguy địa chính trị xuất hiện và thế giới đã phải đối mặt với cơn bùng phát khủng khiếp của dịch Ebola. Năm 2015 có thể là một năm khó khăn tiếp theo nhưng cũng có thể là một năm nhiều triển vọng.
Các động lực mới về thương mại toàn cầu có thể giúp mở rộng đầu tư toàn cầu và tôi hy vọng vào Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, vốn trong năm nay sẽ kế tục Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, cũng như viễn cảnh đạt được thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu vào cuối năm tới.

Tăng trưởng, giao thương, phát triển và biến đổi khí hậu: 2015 sẽ là một năm hội ngộ của các sáng kiến đa phương quan trọng. Chúng ta không thể để những sáng kiến này thất bại. Chúng ta cần có sự lựa chọn đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.