'Con đường cưới' ở TP.HCM đìu hiu, thợ chụp ảnh thất nghiệp...

Tấn Đạt
Tấn Đạt
26/09/2023 12:44 GMT+7

"Con đường cưới" Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), tập trung nhiều cửa tiệm, studio cung cấp dịch vụ cưới. Tuy nhiên, giờ đây nơi này trở nên đìu hiu, vắng khách.

Mặt bằng đã giảm giá, nhưng…

Ở TP.HCM, mọi người hay gọi đường Hồ Văn Huê là "Con đường cưới", bởi nơi đây có nhiều cửa hàng, studio nằm san sát nhau, kéo dài gần 2 km, kinh doanh các dịch vụ từ cho thuê quần áo cô dâu, chú rể đến chụp ảnh vào những dịp tân hôn, vu quy…

Ấy vậy mà cũng chính trên con đường này, sáng ngày 25.9, chúng tôi chỉ cảm nhận được sự đìu hiu, vắng khách, một số cửa tiệm đã trả mặt bằng, còn các studio thì treo bảng giảm giá đến 50% để thu hút khách.

7e52f963510c8552dc1d.jpg

Nhiều cửa tiệm, studio ở đường Hồ Văn Huê trả mặt bằng vì không kinh doanh được

TẤN ĐẠT

9160399992f646a81fe7.jpg

"Con đường cưới" đìu hiu, nhiều cửa tiệm trả mặt bằng

TẤN ĐẠT

Anh T.H.T (35 tuổi), chủ sutido trên "con đường cưới" cho hay bắt đầu từ năm 2023, các dịch vụ như: chụp ảnh, cho thuê quần áo… rất ít khách đặt hàng.

"Sau tết, bên tôi đã giảm 40% dịch vụ chụp ảnh đám cưới, tuy nhiên số lượng khách thuê vẫn đếm trên đầu ngón tay. Điều tồi tệ này đã kéo dài nhiều tháng liên tục khiến doanh thu của tiệm bị sụt giảm, buộc phải cho 2 nhân viên chính thức trong mảng chụp ảnh nghỉ việc. Hiện tại, khi nào thiếu lực lượng làm việc thì tôi thuê cộng tác viên bên ngoài, trả tiền theo sản phẩm", anh T. cho hay.

ba4171f8da970ec95786.jpg

Một số nơi treo bảng cho thuê mặt bằng

TẤN ĐẠT

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (32 tuổi), chủ quán cà phê trong hẻm 40D Hồ Văn Huê, cho hay hiện tại giá mặt bằng ở đây đã giảm so với đầu năm 2023. Tuy nhiên, nhiều cửa tiệm vẫn không "trụ" được vì khách không đến đặt dịch vụ.

Chỉ tay về các tiệm studio cưới, chị Thu nói: "Mặt bằng ở đường Hồ Văn Huê đều giảm gía, có những căn hơn 60 m2, 2 lầu mà giá khoảng 25 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không thu hút được người thuê".

Từng trả mặt bằng kinh doanh dịch vụ cưới với diện tích hơn 50 m2 trên đường Hồ Văn Huê vào tháng 6.2023, cũng như giải tán 3 nhân sự (quay phim, chụp ảnh, thợ chỉnh hình), anh N.X.H (33 tuổi), ngụ tại hẻm 351 Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM, kể lại: "Sau tết, do tình hình khó khăn nên chủ nhà có giảm tiền thuê mặt bằng từ 30 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, thực trạng ế khách vẫn tiếp tục diễn ra và sau vài tháng mình không cầm cự nổi, nên đành trả nhà".

8a05a5210e4eda10835f.jpg

Nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm, số khác thì đang sửa chữa để đổi chủ

TẤN ĐẠT

Theo anh H. hiện nay muốn tiết kiệm chi phí, các cặp đôi khi cưới còn nhờ bạn bè, người thân biết chụp ảnh để làm "phó nháy" trong buổi tiệc. Với họ, giữ lại những khoảnh khắc vui nhộn, ý nghĩa trong ngày trọng đại quan trọng hơn so với yêu cầu tấm hình phải thật đẹp, dẫn đến không chú trọng vào việc đầu tư cho ảnh cưới.

"Không ít bạn còn mua máy ảnh cơ khoảng 15 triệu đồng là có thể chụp hình thoải mái. Chưa kể, các dịch vụ dạy chụp hình bằng điện thoại cũng nở rộ, giá từ 1 - 2 triệu đồng/khóa, qua vài buổi học là có thể thực hành ngay. Đặc biệt, khách hàng hiện nay thích chụp với những bối cảnh thiên nhiên hơn là ở trong một studio chật chội...", anh H. nói.

Rồi anh H. kể tiếp: "Trước đây, khách hay chọn gói có dịch vụ in hình, nên cửa tiệm cũng có nguồn thu, còn bây giờ thì họ yêu cầu chuyển ảnh qua điện thoại. Nếu có in thì chỉ vài bức ảnh chân dung đặt ở cổng cưới".

Về quê tìm kiếm cơ hội

Không chỉ chủ cửa tiệm đồ cưới chịu ảnh hưởng nặng nề, mà những người trẻ theo đuổi dịch vụ chụp ảnh cũng đang gặp vô vàn khó khăn trong thời buổi hiện nay.

Giữa năm 2022, L.H.L (25 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Thị Thập, Q.7, TP.HCM, đã chi hơn 100 triệu đồng để mua thiết bị và đi học khóa chụp, chỉnh sửa ảnh tại một studio trên đường Hồ Văn Huê. Tháng 7.2023, L. học xong nhưng vẫn không tìm được việc làm phù hợp.

img_4578_OCNO.jpg

Nhiều thợ chụp ảnh cưới gặp khó khăn trong thời buổi hiện nay

TẤN ĐẠT

"Sau khi kết thúc khóa học, mình mong muốn được làm ở các cửa tiệm, studio về đám cưới, nhưng hơn 2 tháng tìm việc không nơi nào nhận...", L. bộc bạch.

Chật vật trang trải cuộc sống, nên dự kiến vào tháng 10.2023, L. sẽ về quê (tỉnh Tiền Giang) để lập nghiệp với nghề chụp ảnh. "Trước tiên là mình nhận chụp hình các đám cưới do bạn bè giới thiệu, cố gắng xây dựng mối quan hệ, thực hiện thêm nhiều bộ ảnh đẹp để quảng bá thương hiệu cá nhân. Thời gian sau nếu có điều kiện kinh tế thì mình sẽ mở một studio nhỏ ở quê", L. dự tính.

Từng làm thợ chụp ảnh trong studio nhưng vì khó khăn nên anh Trương Minh Thiện (32 tuổi), ngụ tại H.Bình Chánh, TP.HCM đã "nhảy" ra ngoài làm tự do để chủ động hơn trong công việc.

"Tuy nhiên, thời gian đầu do mình khá chật vật trong việc tìm kiếm khách hàng nên phải nhờ mọi người kết nối. Để duy trì với nghề, mình luôn làm mới bản thân, đưa ra những chủ đề chụp hấp dẫn đối với khách hàng, cũng như mang dấu ấn cá nhân…", Thiện chia sẻ thêm.

Trong khi đó, Trần Ngọc Công Lý (27 tuổi), thợ chụp ảnh tự do ở tỉnh Long An, cho biết làm nghề ở quê là thách thức đối với các bạn mới nếu ít ai biết đến, dẫn đến việc truyền thông hay quảng bá thương hiệu cá nhân khó khăn, còn nếu đã có danh tiếng thì cơ hội rất nhiều.

384169284_2069958896686003_761908311066333463_n.jpg

Lý (áo đen) cho rằng để sống được với nghề chụp ảnh thì cần rèn luyện tay nghề, tư duy và nhiều mối quan hệ

NVCC

"Để có được sự hài lòng của khách, mình đã thay đổi từ tư duy chụp ảnh cho đến góc nhìn đối với sự vật. Bên cạnh đó là không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ bằng cách đăng ký những khóa học trực tuyến, tham gia các buổi chia sẻ về nhiếp ảnh, giao lưu với anh em trong nghề ở khắp nơi, từ đó trau dồi thêm kiến thức, hoàn thiện hơn", Lý nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.