Con đường “đâm xuyên” thành Cổ Loa

14/07/2011 23:13 GMT+7

Từ hàng chục năm nay, nhiều nhà khoa học vẫn băn khoăn, lo lắng về con đường chợ Sa - chợ Tó chạy xuyên qua khu di tích Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

Con đường nối chợ Sa và chợ Tó đâm qua hai vòng thành Trung và thành Nội khu di tích Cổ Loa, được hình thành từ cách đây hàng chục năm. Lúc đầu, đây chỉ là con đường đất, nhưng cách đây vài năm để phát triển kinh tế, du lịch, đường đã được nâng cấp, trải nhựa. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dự án cải tạo, mở rộng con đường đã được tính đến, song ngay lập tức vấp phải ý kiến phản đối của nhiều nhà khoa học. Bởi trong trường hợp được mở rộng, con đường sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới di tích, cụ thể là tới thành, miếu thờ ở cửa Bắc và cửa thành Trung, phá mặt bằng của tòa thành cổ… Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển), các công trình di tích ở ngay sát hai bên đường, vì thế mở đường theo hướng nào thì cũng đều xâm hại đến di tích.

 
Khu di tích Cổ Loa - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Như vậy, để bảo vệ di sản, không thể mở rộng con đường chợ Sa - chợ Tó. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà nghiên cứu đề cập tới việc nên chăng “nắn lại” con đường. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, việc hình thành con đường chợ Sa - chợ Tó từ cách đây hàng chục năm như đặt chúng ta vào “sự đã rồi”. “Rất nhiều nhà nghiên cứu lo ngại về con đường. Bởi nó chạm cắt vào trung tâm di tích từ cửa Bắc đến Nam, ảnh hướng tới sự toàn vẹn của khu di tích” - ông bày tỏ. Cũng theo ông, để một con đường đâm xuyên di tích như vậy là việc tối kỵ trong việc bảo tồn, giữ giá trị di sản.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng bày tỏ, để một con đường như vậy tồn tại trong khu di tích Cổ Loa sẽ là yếu tố bất lợi khi làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, mặc dù con đường đã được chấp nhận từ lâu, song về lâu về dài thì không nên để tồn tại. “Chúng ta nên nghĩ tới việc dịch chuyển con đường này ra hẳn phía bên ngoài các vòng thành” - ông cho hay. Tất nhiên, để “nắn lại” con đường chợ Sa - chợ Tó là việc không hề dễ dàng, nhưng thiết nghĩ các cấp quản lý văn hóa, di sản cần nghĩ tới việc bảo vệ, bảo tồn lâu dài cho di sản, nhất là khi Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Cổ Loa đang được triển khai. Chúng ta có thể phải tốn một số tiền rất lớn để xây con đường mới, nhưng với số tiền như vậy chắc chắn không thể cứu được di sản đã mất.

Dự kiến xây dựng tuyến đường nối cửa Tây sang cửa Nam khu di tích Cổ Loa

 Từ năm 2006, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội đã đệ trình dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường nối cửa Tây sang cửa Nam khu di tích Cổ Loa. Theo bản dự án mới, tuyến đường dài trên 2 km sẽ chạy song song cách thành Trung khoảng 45m, đến cửa Tây Nam và kết thúc tại điểm cuối ngã ba có lối rẽ sang Giếng Ngọc và lối rẽ đi thôn Mạch Tràng. Con đường này sẽ thay cho con đường đất cũ chạy ngay trước cổng đền An Dương Vương và Giếng Ngọc.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan và nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, việc xây dựng con đường mới như vậy là cần thiết và chấp nhận được, bởi được xây với khoảng cách an toàn cho di tích, con đường sẽ giúp tránh tác động trực tiếp của các loại xe cơ giới ảnh hưởng xấu đến di tích, bảo vệ được đường thành, đảm bảo sự linh thiêng của di tích. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, vì tuyến đường được xây dựng ở khu vực phía nam thành Cổ Loa - nơi “dúm” lại 3 vòng tường thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại), nên rất có thể hội tụ nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học quan trọng dưới lòng đất.

Vì vậy, các nhà quản lý bắt buộc phải thăm dò, thám sát khảo cổ trước khi triển khai xây dựng tuyến đường. Nhà sử học Lê Văn Lan cũng bày tỏ: “Việc tiến hành thám sát khảo cổ trước khi xây dựng công trình mới là một yêu cầu bắt buộc, đã nằm trong Luật Di sản. Qua những di tích, di chỉ tìm thấy, chúng ta có thể có thêm tư liệu cho những nghiên cứu đã có trong lịch sử”.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.