Con đường gốm sứ là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hồi tháng 10.2010, công trình này được Tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (gần 4.000 m), chạy dài từ cửa khẩu Vạn Kiếp (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến cửa khẩu An Dương (Q.Tây Hồ, Hà Nội).
Tuy nhiên, sau nhiều năm "phơi sương, phơi gió" cùng với việc không thường xuyên được cơ quan chức năng trùng tu, hiện nhiều trường đoạn bích họa của con đường gốm sứ bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã bong tróc cả lớp gốm, chỉ còn trơ lại bề mặt gạch tường bên trong.
Chứng kiến sự xuống cấp của con đường gốm sứ, nhiều người dân bày tỏ sự tiếc nuối vì ngoài mang lại diện mạo mới cho tuyến đường, công trình này còn mang ý nghĩa đánh dấu ngày Thăng Long - Hà Nội tròn 1.000 tuổi.
"Thỉnh thoảng, tôi lại thấy có công nhân đến sửa chữa, đắp lại chỗ gốm bị rơi rụng nhưng sau một thời gian là các mảnh gốm lại bong tróc", một người dân cho hay.
Được biết, hiện Sở VH-TT Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng con đường gốm sứ này để có giải pháp trùng tu.
Công trình con đường gốm sứ có diện tích 6.950 m2, được khởi công từ năm 2008, hoàn thiện vào tháng 10.2010. Bức tranh gốm với 21 trường đoạn là những tác phẩm nghệ thuật, phác họa lịch sử Việt Nam, danh lam thắng cảnh cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc...
Vào năm 2020, hơn 600 m chiều dài tranh gốm đoạn ngã ba Nghi Tàm - Xuân Diệu (Q.Tây Hồ, Hà Nội) bị phá dỡ để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân. Như vậy, hiện con đường gốm sứ chỉ còn lại chiều dài hơn 3.300 m.
Dưới đây là một số hình ảnh hiện trạng con đường gốm sứ mà Thanh Niên ghi nhận trong sáng 31.5:
Bình luận (0)