Chê thì dễ...
Theo chị Nguyễn Thu Thủy - người điều hành dự án, năm 2006 Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội chỉ có ý định xin thành phố cho phép thực hiện trên 6.500m2 bức tường đê ven sông Hồng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhưng sau đó, thành phố đã quyết định cấp một phần kinh phí để hỗ trợ, khoảng 27% tổng dự toán, số còn lại sẽ triển khai theo phương thức vận động xã hội hóa (theo Quyết định số 4218/QD-UBND ngày 23.10.2007 của UBND TP Hà Nội).
Đề tài trên 1.825m2 tranh của Con đường gốm sứ khá đa dạng, đó là các họa tiết hoa văn trang trí theo dòng chảy lịch sử, tranh gốm thiếu nhi, tranh gốm đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế... Tuy nhiên, cũng chính vì sự "đa dạng" ấy nên có ý kiến cho rằng chủ đề rời rạc, chưa thống nhất. PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, nhận xét "họa tiết, bố cục hoa văn trang trí trên Con đường gốm sứ chưa thật bắt mắt". Song, ông Bảo lại cho rằng không thể đòi hỏi quá cao về chất lượng đối với một dự án nghệ thuật cộng đồng, bởi tiêu chí đánh giá sẽ không thể giống như nghệ thuật hàn lâm, kinh viện. Cụ thể, trong nghệ thuật cộng đồng, sẽ có cả những người chuyên nghiệp, những người không chuyên, trẻ con lẫn người lớn tham gia và tất cả đều bình đẳng. Như vậy, tiêu chí để đánh giá sẽ là tính tương tác của cộng đồng đến đâu, chứ không phải tính chuyên nghiệp của từng người. "Hãy tưởng tượng, con đường ven đê trước đây vốn chỉ đầy rác rưởi, giờ có thêm những viên gốm đầy màu sắc... Hà Nội sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu ai cũng có ý tưởng làm đẹp cho thành phố. Không khó để chỉ ra những nhược điểm của dự án Con đường gốm sứ; nhưng chê thì dễ, giải quyết vấn đề mới khó", ông Bảo nói.
Đến nay dự án đã có 20 họa sĩ Việt Nam và 10 họa sĩ quốc tế tham gia thiết kế, triển khai; 50 sinh viên mỹ thuật (hai trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và Mỹ thuật Công nghiệp) cùng các nghệ nhân và công nhân tham gia thi công. Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, chính vì mục đích của dự án là khuyến khích cộng đồng tham gia nên cộng đồng sẽ có ý thức gìn giữ công trình nghệ thuật và địa điểm đặt tác phẩm của chính mình.
Không phải thích vẽ gì thì vẽ "Dự án Con đường gốm sứ vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi đã đề nghị cần phải có quy chế về đặt logo quảng cáo của nhà tài trợ lên tác phẩm như thế nào cho phù hợp. Tất nhiên, với một dự án mà chủ yếu trông cậy vào nguồn xã hội hóa như thế thì không thể tránh khỏi việc đặt logo. Nhưng thành phố cũng đã thường xuyên định kỳ kiểm tra để góp ý, nhắc nhở những người thực hiện. Hiện nay, từng đoạn trong dự án Con đường gốm sứ đều có hội đồng duyệt, xem xét, đóng góp ý kiến, chứ không phải thích vẽ gì thì vẽ" - Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. |
Không có tài trợ sẽ không kịp tiến độ
Nguyễn Thu Thủy cho biết, sở dĩ khi viết dự án trình UBND TP phê duyệt, chị đề xuất Con đường gốm sứ sẽ là một công trình nghệ thuật công cộng huy động nguồn vốn xã hội hóa, là vì khi các nhà tài trợ gắn logo của họ bên cạnh bức tranh họ tài trợ, thì họ sẽ là người đầu tiên chăm lo giữ gìn đoạn tranh đó nhất. Hơn nữa, cũng theo chị Thủy, việc vinh danh nhà tài trợ là điều cần thiết và đương nhiên, nhất là với các nguồn xã hội hóa. Chẳng hạn, ở Barcelona (Tây Ban Nha), công viên Park Guel được lấy tên nhà tài trợ nghệ thuật thay vì tên của nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Tại cầu thang xuống vịnh Toronto ở Canada, các nhà tài trợ cũng được đặt tên mình trên các khu vực được phân công trang trí và làm sạch, đài phun nước Archibald ở trung tâm thành phố Sydney cũng mang tên nhà tài trợ... "Nếu không có các nhà tài trợ, thử hỏi những dự án nghệ thuật công cộng làm đẹp cho thủ đô có đủ kinh phí thi công và liệu có kịp tiến độ để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long?", chị Thủy nói.
Tuy nhiên, sơ suất của những người thực hiện dự án là đã đặt logo của nhà tài trợ quá to, gây bức xúc dư luận. Song, đến thời điểm hiện tại (ngày 10.9), Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội đã sửa chữa bằng việc tháo dỡ các logo trang trí và chờ quy chế mới của thành phố về việc treo logo của nhà tài trợ.
Theo dự kiến, đầu tháng 10 tới, các nghệ sĩ Ý từ Toscana sẽ tới Hà Nội cùng với phác thảo và những viên gốm mosaic nguyên bản. Cuối tháng 11, nghệ sĩ gốm của nước Anh Paul Scott cũng sẽ tới Hà Nội để thực hiện một đoạn tranh gốm theo kỹ thuật vẽ và in dưới men. Tháng 12, nhà điêu khắc Joe Brenman từ thành phố bích họa nổi tiếng Philadelphia (Mỹ)và nghệ sĩ gốm Joel Bennett từ Sonoma (California, Mỹ) sẽ tới Hà Nội làm việc cho dự án. Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội cũng vừa nhận lời mời sang hợp tác làm tranh ghép gốm ở Chicago (Mỹ) và Rawson (Argentina).
Bản quy hoạch tổng thể dự án Con đường gốm sứ đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 3.2009. Theo đó, tổng chiều dài của Con đường gốm sứ ven sông Hồng là 6.018m, diện tích tổng cộng khoảng 6.500m2, gồm 27 trường đoạn với các chủ đề họa tiết hoa văn khác nhau, như: hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý - Trần - Lê -Nguyễn; hoa văn của 54 dân tộc anh em; tranh gốm thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề ca ngợi hòa bình; tranh gốm theo phong cách đương đại; tranh gốm đương đại với chủ đề lấy cảm hứng từ các lễ hội dân gian, các nét đẹp trong văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Việt; tranh gốm đương đại thể hiện thiên nhiên, hoa trái đặc trưng của Việt Nam. Lý giải về việc chỉ chọn những họa tiết, hoa văn trang trí, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho rằng vì đoạn đường gốm sứ có chiều ngang hẹp, do đó, rất khó thể hiện một trận đánh hào hùng hay các nhân vật lịch sử hoành tráng. Hơn nữa, tôn vinh lịch sử không có nghĩa là chỉ tôn vinh những trận đánh. |
Y Nguyên
Bình luận (0)