Lựa chọn của ông Kim Sang-sik
Bất chấp áp lực phải thắng, HLV Kim Sang-sik vẫn tận dụng triệt để trận giao hữu với Ấn Độ (tối 12.10) để thử nghiệm con người.
Trong đó, tần suất cầu thủ trẻ ra sân được đảm bảo. Bùi Vĩ Hào đá chính, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Đình Bắc và Khuất Văn Khang vào sân trong hiệp 2. Trong trận đấu với Nam Định, Vĩ Hào, Thái Sơn và Nguyễn Văn Trường có tên. Trước đó ở trận gặp Nga hay Thái Lan, bộ đôi Vĩ Hào và Văn Trường được trao cơ hội triệt để.
Đã có tín hiệu vui. Vĩ Hào ghi 3 bàn trong 2 trận gần nhất, được cả ông Kim Sang-sik lẫn HLV Manolo Marquez của Ấn Độ đánh giá cao. Thái Sơn ghi 1 bàn, gây ấn tượng với sự xông xáo. Văn Khang, Đình Bắc dù còn thiếu sót, nhưng vẫn chạy miệt mài. Nhờ dàn cầu thủ trẻ, đội tuyển Việt Nam ép sân Ấn Độ trong 20 phút cuối và tạo ra nhiều cơ hội.
Đình Bắc, Thái Sơn hay Văn Trường là những gương mặt mà cựu HLV Philippe Troussier từng đưa lên đội tuyển Việt Nam. Trong 1 năm huấn luyện ngắn ngủi, ông thầy người Pháp đã trẻ hóa quyết liệt, bằng cách trao suất đá chính cho nhiều gương mặt U.23 như Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, Đình Bắc hay Thái Sơn.
Dù kết cục của trẻ hóa là thất bại ở Asian Cup 2023 và vòng loại World Cup 2026, trực tiếp khiến ông Troussier phải ra đi, việc thanh lọc đội tuyển bằng dòng máu trẻ là xu thế bắt buộc. HLV Kim Sang-sik đã nhìn thấy điều đó, chỉ là cách làm khéo léo và nhu mì hơn.
Thay vì mặc định trao suất đá chính cho trò cưng, ông Kim đan cài từng gương mặt với tần suất vừa phải. Các cầu thủ trẻ phải tự mình giành giật vị trí, thay vì trông chờ ưu ái.
9 cầu thủ U.23 lên tuyển ở đợt tập trung này, có thể mới là điểm khởi đầu cho cuộc cách mạng. Đơn cử, Vĩ Hào chỉ cần 6 tháng để bước từ vị trí... dự bị tại U.23 Việt Nam lên thẳng đội tuyển quốc gia, rồi ghi 3 bàn trong 2 trận gần nhất. Dù cần thêm trải nghiệm để chín chắn, nhưng Vĩ Hào có khát vọng, sự hãnh tiến của tuổi trẻ để sẵn sàng thay đổi.
Còn bao nhiêu "ngọc thô" đang chờ được khai phá như vậy? Chắc chắn, thành công bước đầu của tài năng trẻ Bình Dương là động lực để HLV Kim Sang-sik tiếp tục "đào ngọc".
Tuy nhiên để trẻ hóa, có tài năng trẻ thôi là chưa đủ.
Sóng sau cần sóng trước
2 năm trước, đội tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo dễ dàng đè bẹp Ấn Độ với tỷ số 3-0. Trên sân Thống Nhất hôm ấy, ông Park trao cơ hội cho Nhâm Mạnh Dũng, Nguyễn Thanh Nhân, Nguyễn Đình Duy và Khuất Văn Khang.
Tại sao cùng sử dụng "măng non" (ông Park thậm chí mạo hiểm hơn), đội tuyển Việt Nam trước kia lại vận hành mượt mà, khác hẳn với sự rời rạc hiện tại?
Câu trả lời nằm ở các trụ cột, tức là lứa đàn anh đang đóng vai trò chủ chốt. Muốn trẻ hóa, đội tuyển Việt Nam cần nền tảng chắc chắn. Đó là lối chơi được định hình rõ nét, các trụ cột giàu kinh nghiệm và khát vọng chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu.
Không phải cứ dùng nhiều cầu thủ trẻ là trẻ hóa thành công, dù những tài năng ấy giỏi đến đâu. Mà để cách tân đội tuyển, vai trò các "lớp già" rất quan trọng. Lứa trẻ cần đàn anh vững vàng để dựa vào trên những bước đi đầu tiên.
Năm 2018, đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup nhờ lứa U.23 tài năng của Quang Hải, Công Phượng, Đình Trọng, Văn Hậu... nhưng đừng quên điểm tựa kinh nghiệm của những Văn Lâm, Ngọc Hải, Anh Đức, Hùng Dũng, Văn Quyết, Trọng Hoàng đã giúp lứa đàn em dựa vào thế nào.
Đơn cử, dù lứa trẻ chiếm phần đông ở đội tuyển Việt Nam, học trò thầy Park vẫn phải nhờ cái duyên ghi bàn của Anh Đức, sự bền bỉ của Hùng Dũng, Trọng Hoàng hay sự vững chãi của Ngọc Hải để vượt qua những trận đấu khó.
Kết hợp hài hòa sức trẻ và kinh nghiệm là bài toán nan giải. HLV Kim Sang-sik đã mở cửa cho tài năng trẻ để tiếp nối con đường ông Troussier chưa đi trọn vẹn. Nhưng hãy nhớ, lứa trụ cột phải đủ tốt để trở thành điểm tựa. Mà sự gắn kết giữa trẻ và già ở đội tuyển Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo.
Đấy mới là nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam đang ở giai đoạn dang dở.
Bình luận (0)