Đại tá Kiều Tấn Lập - Giám đốc Sở Công an Nam bộ: Chuyện còn ít biết

Con đường sáng

18/08/2024 07:00 GMT+7

Liệt sĩ Kiều Tấn Lập sinh năm 1917, quê quán: Long Thượng, Cần Giuộc, Long An. Ông là Phó giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc Nam bộ; đại tá - Giám đốc Sở Công an Nam bộ; hy sinh ngày 7.2.1947 (17 tháng giêng năm Đinh Hợi). Ông đã cống hiến những năm tháng thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng và hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng cuộc đời ông còn ít được biết đến.

Phần mộ liệt sĩ Kiều Tấn Lập nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM, ở vị trí trang trọng cùng nhiều anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến: liệt sĩ Thái Văn Lung - đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Gia Định, hy sinh ngày 2.7.1946; liệt sĩ Trần Quốc Thảo - Bí thư Khu ủy Sài Gòn Chợ Lớn, hy sinh ngày 16.10.1957; liệt sĩ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thế Truyện (Năm Sài Gòn) - đại tá Tư lệnh Bộ Tư lệnh tiền phương Miền (hy sinh tháng 2.1968 trong đợt Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968)…

NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG

Huyện Cần Giuộc (hồi đó là quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn) cũng bị cuốn theo khí thế cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Tỉnh Chợ Lớn khi đó gồm các quận Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Trung Quận (hiện nay phần lớn địa bàn thuộc tỉnh Long An) với vị trí đặc biệt gắn liền với Sài Gòn nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành cùng ngày với Sài Gòn theo chủ trương của Xứ ủy.

Con đường sáng- Ảnh 1.

Phần mộ đại tá Kiều Tấn Lập tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM

Khải Mông

Nhớ lại 5 năm trước đó, sau khởi nghĩa Nam kỳ (23.11.1940), thực dân Pháp dìm phong trào cách mạng trong bể máu. Các cơ sở Đảng từ Trung ương xuống đến các ấp đều tan vỡ. Nhưng rồi, như ngọn cỏ bị dẫm đạp chỉ cần giọt sương xuống lại hiên ngang vươn lên, các chi bộ Đảng mau chóng phục hồi, các đảng viên thời 1940 đi tránh khủng bố bây giờ lần lượt quay về Cần Giuộc. Trong hồi ức cách mạng mang tên Đi theo con đường sáng (NXB Long An), nhiều cán bộ lão thành cách mạng đã kể lại khí thế chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa. Các tổ chức thanh niên, phụ nữ từ quận đến xã với tầm vông vạt nhọn ngày đêm luyện tập, những bài hát hùng tráng vang lên khắp các chợ.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), ông Trương Văn Bang thoát ngục về Cần Giuộc triệu tập hội nghị đảng viên ở Trường Bình. Trước tình hình mới, ông chỉ đạo: phải tích cực chuẩn bị lực lượng dồn thời cơ tổng khởi nghĩa. Yêu cầu lúc này đòi hỏi phải tập trung thành lập ngay quận ủy lâm thời. Quận ủy Cần Giuộc lâm thời được bầu ra, gồm 9 thành viên, do ông Ba Bang (Trương Văn Bang) làm Bí thư, ông Ba Tửng (Khổng Văn Hòa) ở xã Long Thượng làm Phó bí thư; và các quận ủy viên có ông Kiều Tấn Lập, Nguyễn Văn Song, Bảy Tòng, Hai Việt…

Thời cơ khởi nghĩa đến nhanh. Ngưng tất cả công việc gia đình, chỉ lo công tác mà các thành viên ban chỉ đạo khởi nghĩa còn cảm thấy không kịp với tình hình. Lệnh chuẩn bị khởi nghĩa, Huyện ủy Cần Giuộc họp. Ông Trương Văn Bang trực tiếp đứng đầu lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Cần Giuộc.

Con đường sáng- Ảnh 2.

Huân chương Độc lập hạng ba truy tặng đại tá Kiều Tấn Lập

"Đồng chí Kiều Tấn Lập là một trong số thanh niên trí thức yêu nước đã biết chọn cho mình một con đường đi đúng. Đó là con đường tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ kính yêu: đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc, cơm no áo ấm cho nhân dân ta.

Tiếc rằng đồng chí đang ở độ tuổi thanh niên mang nhiều nhiệt huyết và những hoài bão của tuổi trẻ thì bị một trận càn của quân đội viễn chinh Pháp đánh phá vào chiến khu Đồng Tháp Mười và đồng chí đã hy sinh vào ngày 17.1.1947 tại trận càn đó. Từ đó đồng chí mãi mãi vĩnh biệt người thân, gia đình, đồng đội và đồng chí của chúng ta".

(Điếu văn do thiếu tướng Nguyễn Văn Rốp,

Thứ trưởng Bộ Công an, đọc tại lễ cải táng đại tá Kiều Tấn Lập ngày 26.7.1998).

Ông Một Thế, cán bộ lão thành cách mạng Cần Giuộc, kể lại trong hồi ức Đi theo con đường sáng:

"Thình lình có tiếng hỏi vọng vô nhà ông Hộ Nhâm: - Có anh Một Thế ở đây không, ảnh tới chưa?

Thì ra Kiều Tấn Lập. Lập cho tôi biết là ta đã chiếm Tòa bố tỉnh Chợ Lớn rồi, hồi trưa lận. Tôi bảo Lập chờ 5 phút để giao lại công việc vô Sài Gòn cho thầy Tư Thành, phó thủ lãnh và tráng trưởng. Rồi Lập đèo tôi trở lại Phước Lý. Đến Long Thượng tôi mướn xe ngựa chạy tiếp về Cần Giuộc, nhờ người tìm anh Trương Văn Bang và Tài Phú Sửu. Nhưng chỉ có đồng chí Khải. (…) Tôi phân công đồng chí Khải làm trưởng ban khởi nghĩa, đốc học Thọ phó, Kiều Tấn Lập ủy viên. (…) Nhờ có dân yểm trợ, quân khởi nghĩa áp đảo tinh thần tên quận trưởng và binh lính. Công việc êm xuôi như ý định.

Xong cuộc, tôi hội ý với anh Khải là mời đồng chí Nguyễn Văn Trân đương ở Bình Đăng về làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, súng thì giao chỗ đồng chí Trương Văn Bang, hai anh Thọ và Khải sẽ cùng tham chánh lâm thời". (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.