Sở LĐ-TB-XH Trà Vinh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các công ty xuất khẩu lao động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn làm thủ tục cho người có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài…
|
Mau chóng thoát nghèo
Mấy năm gần đây, con đường xuất khẩu lao động đang được nhiều bạn trẻ ở Trà Vinh chọn lựa để khởi nghiệp và họ luôn nhận được sự ủng hộ tối đa từ người thân của mình.
Bà Nguyễn Thị Diệu (ngụ ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, H.Cầu Ngang) cho biết trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã. Hai vợ chồng đều là lao động phổ thông, ai thuê gì làm nấy, lại còn phải lo cho 2 cô con gái học phổ thông nên “bữa đói, bữa no” là chuyện thường. Đầu năm 2016, bà được chính quyền địa phương cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh tuyên truyền chính sách xuất khẩu lao động và nhiệt tình hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục cho 2 con gái của bà đi Nhật Bản làm công nhân dán bao bì. Chỉ vài tháng sau khi đi, 2 cô con gái của bà Diệu đã đều đặn gửi tiền về nên đời sống của gia đình bà đã thay đổi nhanh chóng. “Hồi đó nhà lá tạm bợ, dột nát không có tiền lợp lại nên có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình có tiền tỉ xây nhà, nhưng điều đó nay đã thành sự thật rồi. Cất nhà xong, tôi lật đật lên UBND xã xin thoát nghèo bởi mình còn sổ hộ nghèo ngày nào là buồn ngày nấy”, bà Diệu chia sẻ.
Cùng ở ấp Sóc Cụt, hộ bà Trịnh Thị Nhàn cũng đã có của ăn của để, thu nhập gia đình ngày một tăng lên. Hồi năm 2018, gia cảnh bà Nhàn thuộc diện khó khăn tại địa phương, được cán bộ UBND xã Trường Thọ bày cách đi xuất khẩu lao động rồi hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi từ ngân hàng (lãi suất chỉ 6,6%/năm) nên bà Nhàn quyết định vay 100 triệu đồng để đưa con gái sang Nhật làm việc. “Nó đi nó gởi tiền về mình cũng đỡ lắm. Nó bảo nó đi mần ở bển mỗi tháng được 40 triệu đồng, nó gởi về nhà 20 triệu đồng, còn lại dành để lo chi phí ăn, ở. Nó thường gọi điện về nói cũng khỏe lắm, sinh hoạt ngủ nghỉ đều được sắp xếp đâu ra đó hết. Ở quê nhà, sau khi nhận tiền con gởi về, tôi dành một phần để trả nợ và một phần làm vốn chăn nuôi gà, vịt, bò, dơi... Hiện thu nhập từ chăn nuôi cũng được cả chục triệu đồng/tháng”, bà Nhàn thật thà kể.
Còn anh Đặng Quốc Thịnh (ngụ P.6, TP.Trà Vinh), sau khi kết thúc hợp đồng làm việc 3 năm ở Nhật Bản, anh trở về Việt Nam và khởi nghiệp kinh doanh lắp ráp linh kiện điện tử ngay trên quê hương Trà Vinh. Song song đó, anh Thịnh mở thêm cửa hàng thương mại điện tử và nhờ vận dụng tốt những kỹ năng đã học được trong quá trình làm việc ở Nhật Bản, cửa hàng của anh đã nhanh chóng phát triển lên hơn 80 mã hàng đa chủng loại liên kết bán tại các trang mạng lớn như Shope, Sen đỏ, Facebook, Zalo. Ngoài ra, với vốn kiến thức và tiếng Nhật học được trong quá trình làm việc ở nước ngoài, anh Thịnh còn được nhiều trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mời giảng dạy bộ môn tiếng Nhật.
“Trước đây mình cũng khó khăn lắm. Gia đình chỉ có 4 công đất thôi, ngày xưa học tiền nong cũng thiếu hụt nên mình học nghề xong là đi làm. Ở Nhật Bản, điều kiện sống, làm việc rất tốt nên mình có thể tự học tiếng Nhật và ngành nghề khác để làm hành trang vững vàng khi trở lại quê nhà Việt Nam. Mình nghĩ nếu có mục tiêu và sự cố gắng thì ai cũng làm được cả”, anh Thịnh chia sẻ.
|
|
Chính quyền địa phương ủng hộ tối đa
Trà Vinh có khoảng 1,2 triệu dân, trong đó hơn 1/3 dân số là đồng bào dân tộc Khmer, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, xuất khẩu lao động như là “ánh sáng” khởi nghiệp cho giới trẻ và cũng là giải pháp hiệu quả trong công tác giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên trong tất cả cuộc họp tổ nhân dân tự quản, hoạt động của hội đoàn…đều có lồng ghép tuyên truyền về xuất khẩu lao động cho người dân. Đa số các xã, thị trấn đều có thành lập ban chỉ đạo riêng cho việc triển khai chủ trương này.
Theo Sở LĐ-TB-XH Trà Vinh, trong giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức trên 130 phiên giao dịch việc làm và hội thảo việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố với trên 26.000 lao động tham dự. Thông qua đó, công tác tuyên truyền các chính sách về xuất khẩu lao động theo tinh thần chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Nghị quyết về Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của HĐND tỉnh Trà Vinh được lồng ghép và triển khai đến với người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin, trang bị kiến thức cần thiết trước khi người lao động xuất cảnh nên đa phần lao động của tỉnh đều có công việc và thu nhập ổn định tại Nhật và trở về Việt Nam ngay sau khi hết hạn hợp đồng.
7 năm qua, Trà Vinh đã đưa 2.285 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, thị trường Nhật Bản là chủ yếu với 1.765 người, còn lại là Đài Loan 337 người, Malaysia 91 người…
Về độ tuổi thì lao động được nước ngoài tiếp nhận phổ biến trong khoảng 19 tuổi đến không quá 30 tuổi. Người lao động từ Trà Vinh làm việc chủ yếu trong ngành xây dựng, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, dệt may và điện tử.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trà Vinh, cho biết thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chính quyền các cấp và các doanh nghiệp uy tín để hỗ trợ, hướng dẫn người lao động làm thủ tục đi xuất khẩu lao động theo nguyện vọng. Sở thường xuyên tổ chức các lớp, buổi tư vấn chính sách cho vay ưu đãi đối với người lao động, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập có thời hạn ở nước ngoài theo đúng tinh thần Nghị quyết 11/2020/NQ- HĐND ngày 9.11.2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh. Theo đó, mức cho vay áp dụng cụ thể đối với từng người đi xuất khẩu lao động được xác định căn cứ vào nhu cầu vay vốn của người vay, tối đa lên đến 150 triệu đồng/người.
Ngoài ra, người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ có công cách mạng…còn nhận được hỗ trợ cho các chi phí học tập, đi lại với số tiền lên đến 17 triệu đồng/người. Riêng những người lao động thông thường thì được hưởng gói hỗ trợ với số tiền tương đương 12 triệu đồng. Khoản hỗ trợ này chủ yếu do các doanh nghiệp đóng góp. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các em không chỉ cho việc đi xuất khẩu lao động mà còn đối với các em đi du học theo hình thức vừa học vừa làm.
Bình luận (0)