Con đường tơ lụa của Trung Quốc 'tắc đường' ở Thái Lan

04/05/2016 19:29 GMT+7

Thất bại của Trung Quốc trong thỏa thuận giúp xây dựng và hỗ trợ tài chính cho một dự án đường sắt ở Thái Lan cho thấy phát kiến của Đại lục khó thành hiện thực.

Theo Bloomberg, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất dự án Con đường tơ lụa để đất nước thắt chặt quan hệ kinh tế trên khắp châu Á và gần đây ông cùng các quan chức chính phủ tham gia một buổi nghiên cứu về bề dày lịch sử của tuyến đường này.

Kế hoạch “Một vành đai, một con đường” được ông Tập đưa ra từ năm 2013, là một phần của tầm nhìn kinh tế Trung Quốc. “Một vành đai, một con đường” sẽ tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc với các nước láng giềng, đặc biệt là ở Trung và Đông Nam Á.

Xét nhiều chiều, ý tưởng trên có lý. Các nước trong khu vực đang cần hàng ngàn tỉ USD tiền đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt, các công trình thiết thực và sân bay. Trung Quốc thì lại có dư năng suất công nghiệp và khả năng tiếp cận nguồn vốn.

Song, thất bại gần đây của Đại lục trong việc hỗ trợ xây dựng và tài trợ cho một dự án đường sắt ở Thái Lan, đất nước trung tâm của con đường tơ lụa trên biển cũ - là dấu hiệu cho thấy dự án trên sẽ gặp nhiều trở ngại.

Các nước là thành viên sáng lập (màu xanh) của Ngân hàng AIIB do Trung Quốc khởi xướng - Ảnh: Bloomberg

Đằng sau lời đề nghị giúp đỡ của Trung Quốc, ít nhất là trong trường hợp của Thái Lan và theo quan điểm của chính phủ quốc gia Đông Nam Á, là các ràng buộc mà đất nước láng giềng không thấy thoải mái để chấp nhận. Các quan chức Trung Quốc muốn thúc đẩy quyền phát triển bất động sản thương mại tại ga và dọc tuyến đường sắt sắp thành hình, từ thủ đô Bangkok đến thành phố Nong Khai ở đông bắc Thái Lan, giáp biên giới với Lào.

“Chúng tôi nói với người Trung Quốc rằng không cấp quyền sử dụng đất. Thái Lan không như Lào”, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith nói. Ông Termpittayapaisith đề cập quan ngại về các ví dụ đầu tư của Trung Quốc ở nước bạn. Theo Bộ trưởng Giao thông Thái Lan, Trung Quốc giành được quyền phát triển đất thương mại và yêu cầu thêm tài trợ.

Ông Termpittayapaisith nói thêm: “Dự án này thuộc về người Thái. Ở trong nước, chúng tôi có rất nhiều tiền”.

Bộ trưởng Termpittayapaisith cũng nhấn mạnh rằng “cánh cửa vẫn còn mở” cho tài trợ từ Trung Quốc, chẳng hạn như thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Song hiện chưa có dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận hay cuộc thảo luận như trên đang được tiến hành. Bộ Tài chính Thái Lan từ chối đưa ra bình luận công khai.

Chủ tịch Trung Quốc đã và đang nỗ lực cho chiến lược đa phương trong việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi - những quốc gia từng là một phần của con đường tơ lụa cũ. Ngân hàng AIIB ra đời vào năm ngoái dù thiếu sự ủng hộ của Mỹ. Ngoài ra, Quỹ Con đường Tơ lụa 40 tỉ USD và cho vay song phương giữa các ngân hàng nhà nước cũng đã sẵn sàng.

Khó khăn trong việc thực hiện con đường tơ lụa mới ở các nước như Thái Lan là bằng chứng cho việc “thiếu sự đồng nhất về khái niệm” giữa các nước, nhà kinh tế Richard Jerram thuộc Bank of Singapore nói. Không rõ Con đường tơ lụa nghiêng về phía là một công cụ chính sách đối ngoại, trong đó đầu tư được kết hợp với viện trợ, hay nghiêng về phía một cỗ máy thương mại, vốn không cần đầu tư từ nhà nước.

“Có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, song không có tình trạng thiếu kinh phí cho các dự án có thể đầu tư”, ông Jerram nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.