Con gà và nắm thóc

26/02/2017 21:02 GMT+7

Người quán xuyến gia đình không phải là những kẻ “ở không”, những người hưởng thụ mà chính là những người cống hiến nhiều nhất khi giáo dục con cái, xây dựng văn hóa gia đình, hình thành nên những nếp nhà.

Ngày còn nhỏ mẹ thường dạy tôi rằng phải cố gắng học hành để có thể tự lập, tự mình nuôi được bản thân mình khi đủ lớn khôn, mà cụ thể là sau khi tốt nghiệp đại học. Đừng vì lấy được một người chồng có khả năng tạo ra tiền đủ nuôi vợ con mà ỷ lại, không làm việc gì cả mà trông chờ vào khoản tiền chồng đưa hằng tháng.
Cho dù chỉ là một khoản tiền lương ít ỏi, dù là việc làm bán thời gian hay làm thêm tại nhà... thì bản thân người phụ nữ cũng nên có một công việc để mà làm. Một công việc, trước hết nó giúp phụ nữ tự tin và kết nối với thế giới xung quanh để đầu óc không bị cùn mằn, mai một. Một công việc, để không bị lệ thuộc vào “nắm thóc” trong tay ai.
Nói thế không phải là phủ định vai trò của những người nội trợ, những người chấp nhận lùi lại một bước để vợ/chồng mình bước ra bên ngoài và cống hiến cho xã hội. Tất nhiên, người gánh vác vai trò nội trợ không phải là không cống hiến gì cho xã hội mà đó là một bước gián tiếp phụng sự cho cuộc đời thông qua việc cống hiến cho gia đình.
Không phải ngẫu nhiên mà một danh nhân từng thốt lên rằng: “Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới”. Và người quán xuyến gia đình không phải là những kẻ “ở không”, những người hưởng thụ mà chính là những người cống hiến nhiều nhất khi giáo dục con cái, xây dựng văn hóa gia đình, hình thành nên những nếp nhà.
Nhiều người phụ nữ than vãn với tôi rằng họ không đi làm, không tạo ra tiền nên bị chồng xem thường, bị nhà chồng rẻ rúng. Chị H., một người đã tốt nghiệp đại học loại giỏi của một trường tên tuổi tâm sự: “Đâu phải mình ở không, chẳng làm gì cả... Phải quần quật suốt ngày không hở tay, chẳng được đi đâu như con rùa trong xó bếp. Vậy mà mẹ chồng cứ bảo chị sướng lắm, không phải làm gì hết. Thử hỏi, không làm gì thì ở đâu ra cơm nóng canh ngọt, không làm gì thì làm sao nhà cửa gọn gàng tươm tất, không làm gì thì sao con cái sạch sẽ ngoan ngoãn được...!”.
Chị bảo, quy luật “con gà và nắm thóc” luôn tồn tại, em ạ. Kẻ làm ra tiền là kẻ cầm nắm thóc trên tay còn mình như con gà... thóc rải ở đâu thì gà chạy đến đấy, mình phải lệ thuộc và lép vế. Chị quyết tâm đi làm trở lại khi đứa con nhỏ được 2 tuổi vì chị sợ cái tiếng “không làm gì cả” của mẹ chồng chị và nhiều người khác.
Cô T., cô ruột của người bạn thân nói với tôi rằng cái dở lớn nhất của cô là xin “về hưu non” khi còn những vài năm nữa mới được nghỉ hưu để ở nhà chăm cháu. Thấy con trai và con dâu cứ vất vả kiếm chỗ gửi con, rồi không được bao lâu thì lại chuyển chỗ khác vì vấn đề này nọ, thằng cháu nhỏ lại kén ăn..., cô quyết định xin nghỉ sớm để ở nhà chăm cháu. Vì chưa được giải quyết các chế độ nên hằng tháng cô phải nhận tiền từ các con.
Con dâu cô mỗi lần cầm tiền đưa cứ như là ban phát, khiến cô cảm thấy tổn thương và buồn lắm. Nó đâu phải không biết, nếu như cô đi làm thì hằng tháng lương cô nhận còn nhiều hơn khoản tiền nó đưa gấp mấy lần, mà cô cũng dùng tiền nó đưa để lo cho cháu chứ có phải cô lo cho mình đâu. Cô chua chát nói: “Đúng là ai có tiền thì người đó có quyền! Trong gia đình mà còn thế thì trách sao các mối quan hệ khác cũng bị đồng tiền chi phối”.
Một bạn gái của tôi ngày xưa từng là hoa khôi của trường lấy chồng là một người thành đạt cũng cay đắng nói: “Đúng là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, kẻ có tiền là kẻ mạnh”. Chồng cô ấy đem về rất nhiều tiền, đủ để mấy mẹ con sống cuộc đời sung sướng mà ai cũng thèm ước. Cô muốn làm gì cũng được, muốn đi du lịch ở đâu tùy thích, muốn “báo hiếu” cho cha mẹ bao nhiêu cũng không thành vấn đề... nhưng đổi lại cô phải “ngoan”.
“Ngoan”, theo ý anh ta, có nghĩa là giữ im lặng để anh ta thoải mái ra ngoài cặp kè với hết người này đến người khác, muốn đi sớm về muộn cỡ nào cũng được. Cô biết tất cả những điều trái tai gai mắt anh ta làm, và tất nhiên không thể chấp nhận mà sống vui vẻ được. Thế nhưng cô không thể bỏ anh ta, vì cô không thể kiếm ra tiền để nuôi một lúc ba đứa con với mức sống cao như anh ta đang cung cấp. Hơn ai hết, cô thấm thía triết lý “con gà và nắm thóc” và vô cùng đau đớn vì điều đó.
Thật ra, trong phạm vi gia đình, không phải người nào làm ra tiền cũng tỏ thái độ kẻ cả, coi hành động đưa tiền cho người thân như việc ban ơn hay lấy đó làm thước đo cho giá trị của mình trong gia đình. Sự cống hiến, không phải chỉ bằng tiền hay giá trị vật chất mà chính là những nỗ lực vì hạnh phúc chung của mỗi người.
Nếu ai đó cho rằng tiền không quan trọng, hẳn đó cũng là người không biết quý trọng những thành quả do mình làm ra, bởi người ta không thể sống hạnh phúc nếu như không có tiền... Thế nhưng, cũng đừng vì thế mà coi trọng đồng tiền hơn yếu tố con người vì có những thứ cho dù có bao nhiêu tiền cũng không thể nào mua được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.