Trong cuộc tiếp xúc trao đổi với Thanh Niên chiều 23.7, bà Tạ Thùy Châu đã đưa ra hình bức tranh gốc Trừu tượng mà họa sĩ Tạ Tỵ đã vẽ năm 1951 và khẳng định đây là bức Trừu tượng duy nhất mà cha bà từng vẽ. Bức tranh với một phong cách hoàn toàn khác, được in trong một tập tranh từng triển lãm của họa sĩ Tạ Tỵ tại Hà Nội.
Giải thích về nguyện vọng trên, bà Châu nói: “Gia đình chúng tôi không muốn bức tranh Trừu tượng mạo danh đó được đưa ra ngoài với tên Tạ Tỵ, vì nó dễ khiến nhiều người bị lầm tưởng rằng ông Tạ Tỵ mạo tranh của Thành Chương và ký tên mình trên đó".
|
|
|
Đồng thời bà Châu cũng khẳng định bức tranh Trừu tượng đã đưa ra triển lãm không phải là tranh của bố mình bởi phong cách vẽ và chữ ký hoàn toàn khác.
“Anh Chương đã có đủ chứng cứ rồi, đó thực sự là tranh của anh ấy vẽ. Tôi đã sống trong tranh của bố tôi từ bé đến lớn nên khi nhìn nét vẽ có thể thấy được ngay. Tôi còn giữ mấy cuốn triển lãm của bố tôi từ mấy chục năm trước nhưng không hề có bức Trừu tượng giống như đã treo ở triển lãm, chỉ có một bức Trừu tượng hoàn toàn khác do bố tôi vẽ năm 1951, khác hẳn bức kia, không hề liên quan gì cả. Tôi cũng hỏi lại cả mấy ông anh bên Mỹ đẻ trước cả thời điểm bức tranh đó nhưng tất cả đều nói không hề có khái niệm về bức Trừu tượng giống như treo ở triển lãm vừa qua. Tôi nhìn tranh có thể nhận ra ngay không phải tranh bố tôi, ngay từ nét ký. Bố tôi ký chữ rất thẳng thắn, nét rất nhỏ, rất chi tiết tới từng dấu chấm đặt ở đâu, và ký rõ ràng năm vẽ vì tính của bố tôi rất chi tiết. Điều này giống hoàn toàn như họa sĩ Lê Huy Tiếp đã nhận xét tại buổi họp thẩm định”.
|
Bà Châu cũng cho rằng việc ông Hubert, người lấy bức tranh Thành Chương vẽ gán cho Tạ Tỵ vẽ năm 1952 là có nghiên cứu. “Tại sao họ chỉ lấy tên đó chứ không phải tên khác? Vì họ có biết ông cụ nhà tôi có một bức tên là Trừu tượng. Ông Jean-François Hubert kia chắc cũng chưa được tận mắt nhìn thấy bức tranh Trừu tượng thật của Tạ Tỵ, chỉ nghe nói là có bức tranh tên như vậy, nên có thể khi thấy bức tranh Trừu tượng mạo danh kia thì cho rằng đúng là của bố tôi. Tuy nhiên ở đây ai bịp ai thì cũng chưa biết”, bà Châu nói.
Con gái họa sĩ Tạ Tỵ cũng bày tỏ sự thông cảm với nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vì đã bị mua phải tranh giả và mạo danh. Tuy nhiên bà Châu cũng lấy làm tiếc về việc ông Chung không đứng cùng với phía gia đình bà, họa sĩ Thành Chương cùng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để đòi ông Hubert, người đã bán những bức tranh giả kia, trả lại quyền lợi chính đáng cho mình.
|
|
|
Bà Châu nói: “Trong trường hợp này, cách hành xử của ông Chung không hay vì lẽ ra nếu ông ấy là người bị lừa, thì cần đứng về phía mình để đối lập lại với Hubert, để đòi lại tiền từ Hubert. Vì nghe nói chỉ riêng bức Trừu tượng ông Chung mua từ ông Hubert lên tới 60.000 USD, trong khi ông ấy đã mua tới 17 bức, quả là một tài sản khổng lồ không nghĩ tới luôn. Chính vì thái độ của ông Chung khiến người ta nghi ngờ ông ấy, vì nếu đổi sang trường hợp tôi, bị mất một khối tài sản như vậy, tôi sẽ phải phản ứng dữ dội hơn. Qua vụ lùm xùm thế này, nếu ông Chung chỉ im lặng, tôi e ngại rằng tranh của ông ấy khó có thể đưa ra thị trường được nữa. Còn nếu ông Chung làm rõ, kiện Hubert thì may ra ông ấy có thể lấy lại được tiền, không tất cả thì cũng một phần nào”.
Bà Châu một lần nữa khẳng định bức Trừu tượng đã trưng bày tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (từ ngày 10 - 21.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) không phải của bố mình, họa sĩ Tạ Tỵ.
Bên cạnh đó, bà Châu cũng nhấn mạnh: “Giấy chứng nhận mà ông Hubert bán cho ông Chung chỉ có chữ ký xác nhận của ông Hubert, không phải xác nhận từ nhà Christie’s, và giấy tờ mà Tổng lãnh sự quán Pháp chỉ là xác nhận đây là chữ ký của ông Hubert với nội dung dịch nguyên sang tiếng Việt, không hề có giá trị chứng tỏ tranh thật”.
|
|
|
|
Con gái họa sĩ Tạ Tỵ cũng cho biết trước đây gia đình bà từng từ chối rất nhiều lời mời đi dự tiệc xin thẩm định tranh của bố bà từ nhiều nhà sưu tập trong và ngoài nước trước đó. Thậm chí từ chối cả việc đứng chụp hình cùng những bức tranh mà các nhà sưu tập cho rằng đó là tranh của Tạ Tỵ để tránh bị lợi dụng cho người sở hữu tranh giả.
Bà Tạ Thùy Châu cũng bức xúc cho biết mấy ngày qua gia đình bà cũng đang nghiên cứu luật để đòi lại công bằng cho cha mình. “Việc đưa tên bố tôi vào một bức tranh không phải là của ông và mang ra quốc tế đã là xâm phạm quyền tác giả của bố tôi rồi, vì bố tôi không giả mạo bức tranh đó. Chả lẽ ông Tạ Tỵ bị mang tiếng đạo tranh của Thành Chương?”, bà Châu nói.
tin liên quan
Cú lừa chấn động giới mỹ thuật ViệtHọa sĩ Thành Chương bị nhà sưu tập dọa đánh. 15 bức tranh giả và 2 bức tranh bị mạo danh, thuộc triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, bị tạm giữ chờ điều tra là quyết định cuối cùng của cuộc họp thẩm định tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vào ngày 19.7.
Bình luận (0)