Một tiếng sửa quạt thành... doanh nhân trẻ
Đó là câu chuyện về Trương Thị Anh Đào, giám đốc một công ty điện thoại di động nằm trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM. Từ bé, Đào được tiếp xúc với hội họa và âm nhạc khá sớm với ước mơ trở thành nhà thiết kế. Thế nhưng, chỉ một lần làm thợ sửa chữa "bất đắc dĩ" thời còn được xem là trẻ con đã thay đổi dự tính nghề nghiệp tương lai của cô. Số là năm Đào học lớp 10, thấy chiếc quạt ở nhà để lâu ngày không dùng, máu "phá phách" nổi lên, cô lục lọi mọi đồ nghề của bố ra... thực hành. Tháo hết phụ tùng ra, chỉ còn thân cây quạt trơ trọi, Đào bắt đầu gắn kết lại những thiết bị một cách ngẫu nhiên theo cảm tính. Thế mà chỉ sau 1 giờ đồng hồ đóng vai trò "bác học" khám phá định luật mới thì chiếc quạt bỗng rè rè... tạo ra gió trở lại, trước sự ngạc nhiên của chính bản thân Đào. Cô tâm sự: "Khi ấy mình còn quá nhỏ để có thể hiểu tỉ mỉ về những phụ tùng máy móc này. Nhưng sau khi hoàn thành xong "tác phẩm", mình la toáng lên và thật sự cảm thấy rất vui, có lẽ nó cũng chính là cái mốc đầu tiên đưa mình đến với nghề sửa chữa điện này, như... duyên số!".
Kỷ niệm đó tạo cho Đào thấy một bước rẽ mới: cô quyết định thi vào khoa điện tử viễn thông. Đằng sau đam mê ấy là sự ham học hỏi, tìm hiểu về thế giới kỹ thuật, máy móc của cô gái trẻ. Chỉ mới 23 tuổi nhưng Đào đã có một cơ ngơi, thương hiệu, sự nghiệp riêng cho mình. Đó là nghề kinh doanh điện thoại di động. Cô không chỉ trở thành cô chủ nhỏ khi mới ở tuổi 22 mà còn kiêm luôn cả chức "thợ sửa chữa". Đào cho biết: "Tìm được thợ sửa chữa, lắp ráp điện tử thì không khó, nhưng cái chính là mình muốn tự mày mò, "bắt mạch đoán bệnh" của những "bệnh nhân" khó tính kia! Khi tìm được nguyên nhân chính của "bệnh", mình mới cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và vui cực kỳ trong lòng. Có làm mới biết niềm vui đó".
Nữ nhi cũng lắm anh tài
Đến thăm Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (TP.HCM) chúng tôi cứ ngỡ chỉ bắt gặp hình ảnh những cậu con trai say mê nghiên cứu máy móc - công việc đặc thù của phái nam. Thế nhưng rất thú vị là trong các lớp thực hành điện, chúng tôi lại được chứng kiến cảnh... "âm thịnh dương suy"! Các cô gái trẻ say sưa mày mò, thiết kế mạch điện tử phong phú, đa dạng giống như những anh thợ chuyên nghiệp. Được biết nhiều bạn nữ còn tự thiết kế được các món quà sử dụng nguồn điện khá độc đáo để tặng cha mẹ, thầy cô làm kỷ niệm thay cho bó hoa tươi thắm! Thi Thi - sinh viên khoa Điện-Điện tử, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viễn thông, là thành viên nữ duy nhất trong nhóm thiết kế robot của khoa. Rất tự tin, Thi thường đề nghị giáo viên cho phép mình được có nhiều sáng kiến theo phong cách riêng, mang tính sáng tạo hơn. Thi không chỉ biết thiết kế loại đèn dây Noel mà còn biết sáng tạo ra bộ mạch điện tử chạy chữ nổi trên bảng hiệu quảng cáo ở các đèn nê-ông... Bạn tiết lộ: "Đó cũng chính là món quà đầu tiên dành cho mẹ từ khi mình bước chân vào đại học".
Rất nhiều gương mặt nữ trong các lớp thực hành về điện |
Với Nguyễn Thị Quỳnh Dư - giảng viên khoa Điện của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn thì có khác hơn một chút. Lần đầu tiên tiếp xúc, ít ai nghĩ rằng cô giảng dạy ở một khoa như khoa điện, bởi cô còn quá trẻ so với công việc đòi hỏi kinh nghiệm và cả sự gan dạ này. Được biết, dù mới ở tuổi 27 nhưng Dư đã đứng vững trên bục giảng trong 4 năm qua, chuyên về lĩnh vực kỹ thuật lắp ráp điện từ; một lĩnh vực mà nam giới đôi khi cũng "bó tay", nhìn nhận nó một cách khô khan, máy móc. Vì thế mà không ít người gọi Dư bằng cái tên "cô nàng điện tử". Dư cho biết trước đây rất thích ngành y dược, nhưng vì thấy bạn bè ai cũng nộp đơn vào Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn nên cô cũng theo cho vui, không ngờ nó lại trở thành "cơ duyên". Sự nỗ lực học tập trong thời sinh viên đã đem lại cho chị kết quả xuất sắc nhất toàn khối. Dư tâm sự: "Ngành điện-điện tử không phải dễ khi lần đầu tiên tiếp xúc. Lớp học của tôi ngày xưa cũng chủ yếu là nam giới, song hầu hết các bạn nữ khi học xong lại có thể áp dụng thành công hơn bởi tính cẩn thận, dù có đôi khi hơi... nhút nhát. Bề ngoài mình nhìn thấy mạch điện rất đơn giản, nhưng khi làm mới biết khó. Chỉ cần sơ suất giai đoạn lắp ráp linh kiện, con chíp, mạch điện không đúng chức năng thì nó có thể chập và cháy. Do đó bài học đầu tiên của chúng tôi là nhận biết các linh kiện. Nhận biết các mạch là một công việc đơn giản nhưng lại là khâu quyết định".
Chúng tôi còn được biết đến Như Hà, một trong những cô bạn cực kỳ nhạy bén với "nghề con trai" như sửa chữa máy móc. "Do hoàn cảnh, nhà mình thiếu vắng bàn tay đàn ông. Nhiều lúc bóng đèn bị hỏng, bếp gas không cháy, ống nước bị vỡ... thật bất tiện khi cứ phải liên tục nhờ hàng xóm sang sửa giúp. Thế là mình làm lấy những gì có thể làm được, "tự thân vận động" bớt phiền người ta. Vả lại, đâu phải chỉ con trai mới có thể làm được những việc ấy đâu...", Hà nói lên suy nghĩ của mình.
Còn cô nàng M.Thy, nhân viên tổng đài hướng dẫn sửa chữa máy móc qua điện thoại thì hào hứng nói về công việc: "Con người có bệnh thì máy móc cũng có bệnh, nó cũng hoạt động như con người. Chẳng hạn, máy điều hòa văn phòng nếu chạy vượt quá công suất thì một ngày kia nó cũng sẽ bị chập, bị cháy. Lúc đó, để tìm ra một người "chữa lửa" cho nhanh là vấn đề cấp bách. Do vậy mà hiện nay có khá nhiều công ty chẳng những bố trí thợ đến tận nhà phục vụ khách hàng, mà còn có hẳn trung tâm tổng đài hướng dẫn sửa chữa thiết bị máy móc qua điện thoại". Thy tiết lộ thêm: "Công việc của mình chỉ là gián tiếp chỉ dẫn khách hàng, nhưng khi xong việc, khách hàng cảm thấy thoải mái, mình cũng vui lây. Tuy nhiên, nếu cần thì mình cũng hoàn toàn có thể tham gia sửa chữa trực tiếp tại "hiện trường". Nghề nghiệp mà!".
Kim Phụng
Bình luận (0)