Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến ngày 15.3, tổng số cửa hàng xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng là 10.649 cửa hàng, tăng 7.949 cửa hàng so với thời điểm ngày 1.12.2023.
Thống kê mới nhất cho thấy, cả nước hiện có khoảng 15.756 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Như vậy, còn khoảng hơn 5.100 cửa hàng xăng dầu chưa thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 20.3, đại diện một doanh nghiệp xăng dầu ở miền Tây cho biết, những ngày qua, cơ quan thuế địa phương rốt ráo đốc thúc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn ký cam kết xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
"Họ đưa giấy phát cả trăm tờ in sẵn như nhau. Hầu hết các doanh nghiệp đều ký cam kết cố gắng thực hiện", lãnh đạo doanh nghiệp này nói.
Sát thời điểm ngày 31.3 (thời điểm chuẩn bị xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử - PV), nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xác định cố gắng tối đa để có thể kịp tiến độ, song vẫn cảm thấy còn một số khó khăn, lúng túng.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho rằng giải pháp quản trị xăng dầu tại các doanh nghiệp như IGAS, EGAS… là giải pháp tương đối phù hợp để thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng.
Khẳng định doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ và cố gắng đáp ứng đúng quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, song theo ông Thắng, hiện không có các quy trình tiêu chuẩn trong việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu dẫn đến mỗi giải pháp lại có quy trình thực hiện khác nhau, không đồng bộ.
"Không có tiêu chuẩn sẽ gặp khó khăn trong lựa chọn công nghệ, giải pháp của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu", Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát nói.
Đề xuất tính chi phí xuất hóa đơn vào công thức tính giá cơ sở
Dành nhiều sự quan tâm với vấn đề chi phí khi thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh), cho biết nhiều doanh nghiệp xăng dầu đang đề xuất đưa chi phí này vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để có nguồn chi.
"Xuất hóa đơn điện tử từng lần bán sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong dài hạn, trong khi chiết khấu luôn ở mức hạn hẹp. Đáng lẽ, Bộ Tài chính nên nhìn trước được vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đề xuất đưa chi phí xuất hóa đơn này vào công thức tính giá cơ sở", vị doanh nhân này nêu quan điểm.
Thời gian tới, ông Thắng kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục điều chỉnh và công bố các quy trình tiêu chuẩn về xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu. Đồng thời, công khai đánh giá các giải pháp công nghệ đang thực hiện để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dễ lựa chọn giải pháp phù hợp với quy định hiện hành...
Trước đó, trong công văn gửi các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu ngày 18.3, Bộ Công thương đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu nghiêm túc chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định.
Bộ này cũng nhấn mạnh quá trình triển khai, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị có báo cáo và xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế cũng nhiều lần có công văn đề nghị cục thuế các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm soát việc phát hành hóa đơn sau mỗi lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu...
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 8.3, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn nhấn mạnh: "Những nội dung xử lý thuộc phạm vi ngành thuế về hóa đơn sẽ do ngành thuế xử lý. Những vấn đề về ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh thuộc phạm vi của ngành khác thì kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo".
Tại Nghị quyết số 28 ngày 5.3 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương trong tháng 3 và thời gian tới tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Thủ tướng cũng giao các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31.3 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)