Con kênh lúc năm giờ chiều - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

23/07/2011 15:32 GMT+7

Có ba con đường để đi về khu chung cư: một, từ vành đai bờ kênh nước đen, luôn xộc mùi thối; hai, từ con hẻm nhỏ băng qua khu lao động nhớp nháp, hàng quán nhếch nhác, lúc nào cũng đầy những kẻ xăm mình, đánh trần ngồi vỉa hè uống bia và chửi tục; ba, băng qua một cây cầu đầy dừa nước mà dòng nước bên dưới cũng không khá gì hơn dòng kênh ở con đường thứ nhất.

Cô sẽ đi đường nào về nhà?

Theo anh, nên chọn lối đi băng qua gầm cầu. Đó là lối đi an toàn nhất. Song, cô khẳng định, chỗ bụi dừa nước cứ chiều chiều lại có đám đàn ông ngồi câu cá, hay chọc ghẹo phụ nữ qua đường.

“Lũ đồi bại!” - cô gọi họ như thế. Và thường đáp trả những lời chọc ghẹo bóng gió tục tĩu của bọn người này bằng cái nhìn nửa con mắt.

Anh còn bực bội hơn: “Đúng là bọn quá huỡn. Hôm nào họp tổ dân phố, anh báo cho công an phường xuống cắm bảng cấm câu ở đó!”.

 
Minh họa: Văn Nguyễn 

Nhưng cô can: “Đâu có vấn đề gì. Bọn họ sao dám đụng vô cái móng tay của em. Anh việc gì phải nóng!”.

Miệng nói, nhưng lòng cô thầm sung sướng. Tám năm rồi, từ lúc lấy nhau, và bảy năm rồi, sau khi thằng nhỏ mất, cô mới hay biết rằng anh vẫn còn khả năng ghen, hoặc chí ít là bực tức khi có ai đó ngó nghiêng vợ mình.

Anh vẫn lầm bầm: “Đâu chỉ mình em, tụi nó chọc ghẹo hết cả đàn bà ở trong khu chung cư này. Thể nào cũng có nhiều ông chồng đứng về phía anh”.

Cô cười: “Anh làm gì căng thẳng thế. Tụi đàn ông đó chỉ chọc ghẹo thôi, rất vô hại. Mà đàn ông ở đâu chả vậy”.

Anh nói: “Cũng tùy. Có người chọc ghẹo kiểu văn hóa. Còn lũ kia chắc chắn vô học. Riêng chuyện tụi nó tụm năm tụm ba câu cá đúng chỗ đó là đủ phát bực rồi”.

Giờ thì cô bắt đầu cảm giác khó chịu về sự cứng nhắc, căng thẳng của anh. Cô nghĩ bụng, không hiểu mình kể cái chuyện tào lao này cho ảnh nghe làm gì.

Như vậy, đã đến lúc lối đi trước nay nghĩ là an toàn nhất, bây giờ với anh cũng đã rình rập những bất an.

Buổi chiều, mây đen phủ trùm một góc thành phố. Trời sập tối. Anh đánh trần, khoe đám xương sườn và mấy thẻo cơ bắp vàng nhão, mặt đờ đẫn nhìn về phía cây cầu băng qua bờ kênh.

Con đường ít xe cộ. Không khó để thấy nhóm người câu cá ngồi lum khum bên dưới. Anh nhủ thầm: “Thứ đồ quá huỡn!”. Không thể tưởng tượng nổi sự nhàm chán đơn điệu trong trò giải trí của họ. Chả ra làm sao cả. Sự thanh cao và tính tằn tiện cá mú dường như chẳng có ranh giới nào, kẻ hiền sĩ ẩn dật và thằng phàm phu chẳng thể rạch ròi. Họ đang tụm năm tụm ba chỉ để mách cho nhau những mẹo vặt để đánh lừa lũ cá dưới dòng kênh đen ngòm. Họ tung tin là ở chân cầu này, bụi dừa nước kia, họ đã từng để sẩy những con cá to. Và họ củng cố niềm tin với nhau rằng, dưới dòng kênh hôi thối ngập rác đó có những con cá sẩy rất dạn, không biết sợ, sẵn sàng đớp mồi trở lại. Trong đầu họ phóng chiếu hình ảnh bầy cá ghẻ đói đang bơi lượn ngờm ngợm, sẵn sàng đớp, nuốt mọi thứ trên đường chúng qua.

Anh nghĩ đến cảnh cả bọn họ sẽ đem mớ cá rô, cá trê đen sì, giãy đành đạch như vừa bị nhúng vô thùng nhớt về nhà, dùng những que sắt xiên qua chúng, đặt lên lò than, rắc muối ớt, rắc tí tiêu xay vào và ngồi lai rai hết mấy chai Nếp Mới rồi tán nhảm đủ thứ chuyện trên đời. Còn gì nhảm nhí rỗi hơi hơn.

“Đồ thứ huỡn bần tiện!” - anh ném cái cười khinh bỉ về phía họ.

Mây đen kéo về vây bủa bầu trời. Từng đám, từng đám tản mát rồi nhập vào nhau, cuồn cuộn. Vài vệt sét xé rách vòm trời rồi trả lại vẻ ảm đạm nồng nực nhưng chẳng rỉ ra giọt mưa nào. Một lúc sau, vài đợt gió lạnh thoảng mùi tanh thối của cống rãnh.

Giờ đám câu cá đã lúi húi lấy ra những chiếc dù xanh xanh đỏ đỏ phòng hờ trời mưa. Bất giác, trong lúc những kẻ kia đang loay hoay dù bạt thì một tên trong nhóm giật lên bờ một con cá. Đám đông chộn rộn. Có mấy kẻ đi qua cầu tò mò dừng lại ngó. Và kìa, vợ anh. Phải rồi, cô đang trên đường về nhà. Cô đã đi qua giữa cầu. Nhưng cái đám chộn rộn kia làm cho cô không nén được sự tò mò. Cô cua xe lại, rồi chụm đầu vào với đám đông đang lao nhao lố nhố.

Có ai đó la lên: “Đ.M, không phải cá!”. Một tên trong đám quát lại bằng giọng Bắc: “Mịe, không phải cá thì là gì. Chẳng qua nó tắm trong sình lâu ngày nên có bị biến thái tí!”. “Ha ha ha, con cá biến thái nhưng vẫn là cá!” - tay đội mũ phớt, già và có vẻ từng trải nhất cười nói.

Lúc này, mọi người đã yên tâm rằng cái thứ sinh vật đang vùng vẫy lạch đạch đen ngòm tanh tưởi trên vạt cỏ kia là cá. Cá trăm phần trăm. Một tay râu râu đang ngồi ở góc có tán dừa nước vội chạy lại, trố mắt nhìn rồi khẳng định: “Đúng nó rồi. Chính con này hôm nọ cắn đứt cước, nuốt một lúc hai cái lưỡi câu vô bụng. Không tin mổ ra coi!”. Tay giọng Bắc vừa trục con vật khỏi dòng nước đen bảo: “Ông tưởng ở dưới chỉ có con này thôi à? Cá đã nuốt lưỡi câu thì còn chẳng sống đến giờ này để cắn câu đâu. Nhưng ông thấy không, lũ cá ở đây hoặc chột hoặc mù. Chột mù thì mới sống nổi dưới dòng nước đen này. Cá ở đây đã biến thành thủy quái cả”. Tay mũ phớt sẵng giọng: “Đm, không khéo ăn chúng vào bụng lại thành quái nhân cả”. “Anh Hai nói vậy chứ thật ra bọn mình đã là quái nhân rồi còn gì!” - tay giọng Bắc đáp lại. Cả bọn cười khặc khặc.

Và cứ thế, cuộc tranh luận quanh con cá đã nửa tiếng. Từ hành lang ẩm ướt, sau đám dây nhợ rối chằng, bộ xương cách trí đứng quan sát và lắng nghe diễn tiến câu chuyện. Chắc chắn rằng, hắn khinh bỉ cái đề tài nghèo nàn và những chi tiết tủn mủn của bọn dân câu. Song, hắn lại tự hỏi cái trí não vốn tự phụ sâu sắc kia một điều: “Nhưng vì sao câu chuyện nhạt nhẽo làm vậy có thể khiến vợ mình đứng lại xúm xít hóng hớt?”. Cô ấy tham gia vào câu chuyện với những người chung quanh một cách quá nhiệt tình.

Cô ấy đi đi lại lại trước cái dù đỏ, chỗ thằng cha tốt mã nhất trong đám thợ câu. Cô mặc váy hoa mịn, nền vải mỏng, phủ đến đầu gối, khoe đôi bắp chân trắng mịn, căng tròn. Thằng cha mũ phớt ngó theo bắp chân cô như muốn dán cả đôi mắt lên làn da mềm mại nõn nà, rồi hất cằm về phía con thủy quái đang giãy giãy tuyệt vọng trên bãi cỏ. Hắn vén bộ râu móng ngựa và cười nheo đuôi mắt: “Cũng được vài xị đó nghe tụi bay!”. Tên ngồi gần bụi dừa  nước vừa chỉnh lại phao câu, vừa ngoái đầu ra sau lém lỉnh: “Anh Hai muốn hấp hay chiên giòn?”. Rồi không đợi trả lời, hắn đía thêm, đầy ẩn ý (khi nói, hắn nhìn vào hai bắp chân của cô đang đi trước mặt hắn): “Theo em, nên chiên xù. Lột lớp vảy ra, bên trong trắng thơm phải biết!”. Tay mũ phớt biết người kia dò được ẩn ý của mình, rung đùi  khoái chí: “Khà khà khà! Cá lớn, thịt chắc, nên chiên xù, thấm gia vị, nhậu hơi bị hao rượu, tốn sức đây”.

Vợ anh không bắt được tín hiệu khẩu dâm từ hai tay đàn ông. Cô nhẹ nhàng ý tứ vén váy ngồi xuống trước mặt con thủy quái. Nó đang há mồm thở và không buồn vùng vẫy. Có lẽ nó hiểu cuộc đời của mình đang nhích đến cửa tử. Mắt nó mở khan và có vện đỏ. Vài chỗ vảy trên người nó bị bong ra, lầy nhầy. Chiếc lưỡi câu ngạnh sắc lẻm vẫn móc vào khóe miệng nó.

Trong mắt cô, nó hiện nguyên hình là một con thủy quái có khuôn mặt giống người, nhất là cái mũi nhô ra phía trước đang thoi thóp thở, cặp vây có năm nhánh như hai bàn tay và phần mang đóng kín. Nó không thở bằng mang như loài cá.

Cô nhặt một đoạn cây chọt chọt vào cái đuôi đang run rẩy của nó, nó khẽ vẫy vẫy như cầu cứu. Và kìa, mắt nó thảm thiết chốc chốc lại nhấp nháy như mắt người. Trong những khoanh mắt đỏ ứa ra hai giọt lệ.

Cô hoang mang lùi lại. Một ý tưởng khởi phát đột ngột trong đầu, khiến cô vội vã xách đôi giày cao gót lên bỏ chạy về phía chung cư.

Anh thấy cô chạy te tái, mặt mày xanh ngoét dưới bầu trời đầy mây đen. Nhóm người đang nháo nhác không biết đã xảy ra chuyện gì. Cả mấy tay câu cá tụ lại dưới cái dù, dõi mắt theo cặp chân đang chạy xé gió.

Anh mở cửa lao ra ngoài, đỡ vợ ở bậc cầu thang. Cô thều thào như một thây ma vừa đội mồ dậy: “Anh hãy cứu nó. Nó là người. Nó là con chúng ta!”. Sinh khí tắt dần trên khuôn mặt, cô lịm xuống.

***

Trong lúc người ở những căn hộ tầng trệt bu lại kẻ bắt gió, kẻ xoa dầu, kẻ bóp tay chân, kẻ cạy miệng cho cô thì anh vội vã chạy ra phía chân cầu.

Trời bắt đầu lắc rắc mưa. Những giọt mưa đen đâm vào da thịt ran rát. Những giọt mưa nặng trịch ném những cái tát vào mặt anh, những cái tát xốc xược từ trời. Anh lao ra vạt cỏ, chỗ mấy tay câu cá đang thu xếp chuẩn bị trở về.

Tay đội mũ phớt móc hai chiếc lưỡi câu vào thân phao xốp màu lá mạ có khoanh đỏ, cẩn thận bọc chúng trong túi da, vác lên vai. Còn ba tên kia đang hì hục lùa con quái ngư vào chiếc túi đan bằng lưới dù. Con vật cố gắng nảy lên vài cái rồi nằm há hốc miệng. Vây của nó giắt vào những mắt lưới, trầy trụa. Chỗ lưỡi câu tứa ra nhiều máu.

Tên lúc nãy ngồi dưới gốc dừa nước nói: “Ai dà, chiều nay anh Hai để xểnh một em có cặp đùi quá đẹp. Nhưng bù lại có được một bữa lai rai đỡ buồn!”. Tay giọng Bắc vuốt mặt nói trong mưa: “Nhìn là biết gái có chồng rồi. Ngực hơi xệ, tôi đoán là gái một con. Nhưng công nhận là cặp mông vẫn đầy sức sống. Nói như anh Hai, hơi tốn sức, hao rượu…”. Tay mũ rộng vành chỉ cười khẩy: “Sớm muộn gì…”.

Ngay lúc đó, anh đến. Thở hồng hộc, bộ xương cách trí hiện ra trong màn mưa đen. Tay mũ phớt vuốt mặt nhìn anh trân trối, chưa hiểu sẽ xảy ra chuyện gì. Mấy tên kia có vẻ lường trước một sự việc không mấy tốt đẹp. Chúng đứng như thủ thế. Một tên đùa bỡn: “Giống cảnh trong phim xác ướp trở lại quá!”. Tên kia “suỵt” một tiếng: “Chắc nó là chồng con nhỏ hồi chiều!”.

Anh đứng bặm môi, hai tay dứ chặt nắm đấm, nộ khí đằng đằng. Như một con nghiện đang sẵn sàng làm liều trong cuộc ẩu đả, không phải để sát thương kẻ khác mà để hủy hoại bản thân.

Mưa làm đám tóc mái lòa xòa trước trán. Anh không nói không rằng, tiến về phía cái túi lưới, dùng khuỷu tay nhọn ẩy một tên trong đám ra bãi cỏ và giằng lấy con thủy quái. Tay mũ vành nhếch môi cười, nghiến răng: “Ê, có chuyện gì thì nói, sao lại giật cá của tụi tui?”. Anh nhìn hắn, đôi mắt tóe lửa. “Bọn mày dám giết con tao hả?”. Anh gào lên điên khùng. “Đây là con tao. Phải thả nó ra, hiểu chưa. Từ nay không thằng nào được ngồi câu ở đây. Tao sẽ báo công an phường bắn vỡ sọ bọn mày!”.

Tên mũ phớt xông lại gần anh, định giã một phát nhưng ba tên kia kịp ôm hắn lại. Có lẽ tại bọn họ nghe nhắc đến công an. “Thôi anh Hai, kệ nó. Vợ chồng nó bị tâm thần mà!”.

Anh cầm lấy con dao, vội vàng cắt cái túi lưới, nâng con cá bị thương đang run rẩy lên tay: “Con ơi, nếu ba mẹ không ra kịp thì người ta đã giết con rồi. Tha lỗi cho ba mẹ”. Anh khóc, nước mắt hòa trong nước mưa nhạt nhòa, ràn rụa trên khuôn mặt thuỗn dài, mòn mỏi.

Con thủy quái đã được giải thoát. Nó vụng về quẫy đuôi trong dòng nước đen ngòm, tha cả cái lưỡi câu còn dính mép, lặn xuống phía chân cầu. Vài người đội mưa đứng trên cầu theo dõi câu chuyện.

***

Câu chuyện chỉ có vậy. Nhưng nó xác lập cho con đường băng qua cầu một hình ảnh khác, một lịch sử khác.

Mùa hè năm đó, từ sau sự cố đó, không còn thấy mấy tay câu cá bén mảng đến chỗ chân cầu. Không phải vì sự cố về con thủy quái, mà vì rác đã ngập ngụa tắc cả đường chảy của dòng nước. Sự biến mất của những người câu cá là một dấu mốc về sự biến đổi của dòng kênh.

Hầu hết phụ nữ trong khu chung cư chọn con đường thứ ba để về nhà mỗi chiều cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó thời gian đầu, song rồi cũng quen. Người ta vẫn tiếp tục chưng diện khi ra khỏi nhà và trở về trong phai nhạt những điểm tô son phấn.

Rồi đây, khu chung cư sẽ được nâng cấp, dòng kênh sẽ được san lấp, để thay vào đó là một con đường lớn. Chỉ nay mai thôi. Bọn đàn ông ở con hẻm bên kia vẫn trần trùng trục, ngồi nói năng văng mạng và chuốc rượu lè nhè suốt ngày. Vành đai phía bên kia đã bị đào bới, dựng lô cốt, làm hệ thống xử lý nước sạch. Người ta nói, nếu không có gì thay đổi thì trong tương lai gần, dân trong khu chung cư sẽ đi theo đường vành đai mà về nhà vào buổi chiều. Nhưng, đúng hay không còn phải đợi xem.

Những hôm trời mây vần vũ, từ hành lang chung cư sắp giải tỏa, người ta vẫn thấy bộ xương cách trí vàng vọt đứng sau chùm dây điện lòng thòng, đeo mắt kiếng đen, nhìn về phía mấy bụi dừa nước đang múa may uể oải không theo một điệu thức nào.

Giờ đó, mùi hôi thối bắt đầu theo mưa xông lên, váng cả đầu. Người đàn bà mặc váy hoa đạp xe qua cầu, mắt cứ nhìn xuống dòng nước lừ lừ trôi. Những đám rác bẩn thỉu di chuyển chậm chạp như cái cách mà con người nơi đây di chuyển mỗi chiều, khi qua cầu.

Đôi khi, trong mưa gió, có người đàn bà trẻ không qua cầu hẳn mà dừng lại ở giữa, còm người bám vào thành cầu, cúi nhìn đám rác mà khóc tru tru.

***

Bảy năm trước, có một đứa trẻ ba tuổi đã bị chết đuối ở chân cầu dòng kênh đó, trong lúc người cha còn trẻ của nó đang mải câu cá và mẹ nó thì bỏ đi đến phía đầu cầu.

Lúc đó, cũng vào khoảng năm giờ chiều và trời cũng đang chuyển mưa.

 Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.