Con khai lớn hơn tuổi mẹ để nhận huân chương: Mất đạo lý!

05/12/2015 08:00 GMT+7

Tự 'tặng' cho mình thêm 24 tuổi và cộng lại thấy con lớn hơn mẹ đến… 3 tuổi, tình tiết khó tin trong vụ lãnh đạo xã khai man để nhận huân chương ở Quảng Nam đang khiến dư luận cười ra nước mắt.

Tự 'tặng' cho mình thêm 24 tuổi và cộng lại thấy con lớn hơn mẹ đến… 3 tuổi, tình tiết khó tin trong vụ lãnh đạo xã khai man để nhận huân chương ở Quảng Nam đang khiến dư luận cười ra nước mắt.

Vụ khai man hồ sơ để nhận huân chương, huy chương kháng chiến đã bị cơ quan điều tra vào cuộc xử lý - Ảnh: PA92 Công an Quảng Nam cung cấpVụ khai man hồ sơ để nhận huân chương, huy chương kháng chiến đã bị cơ quan điều tra vào cuộc xử lý - Ảnh: PA92 Công an Quảng Nam cung cấp
Sau khi Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh Quảng Nam khởi tố bị can và cho tại ngoại, tuổi thật của ông Đoàn Quốc Dũng (nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn) được “xác định” rõ và dừng ở con số 59.
Nhưng hồ sơ mà vị cán bộ từng đứng đầu xã Phước Ninh này lập ra để được nhận Huân chương Kháng chiến hạng 3 lại ghi một năm sinh “không tưởng”: 1932. Gọi là “không tưởng” vì ông Dũng sinh năm 1956. Hơn nữa, nhiều người giật mình phát hiện với năm sinh 1932 kia, ông ấy thậm chí già hơn mẹ mình 3 tuổi!

Thích nhận thứ… không phải của mình

Ông Dũng sửa luôn cả tuổi của vợ để được nhận Huân chương Kháng chiến hạng 3, và khai không đúng thành tích của mẹ ruột để làm đẹp hồ sơ… Chi tiết bi hài này đã làm bùng lên nhiều ý kiến phê bình gay gắt.
Một bạn đọc từ Quảng Ninh gửi cho Thanh Niên đoạn bình luận ngắn hôm 3.12, đọc mà cứ như xát muối vào vết thương lòng: “Thật buồn, trong xã hội ta có rất nhiều người thích nhận những thứ vốn không phải là của mình mà bỏ qua cả danh dự, bất chấp luật pháp. Vấn đề này có lẽ xuất phát điểm từ một nền giáo dục lạc hậu, sau đó là cơ chế xin cho. Thương cho những người có công thật, hy sinh ngoài chiến trường đã bốn mươi năm còn chưa tìm thấy mộ, còn những kẻ hèn nhát thì vẫn sống và tìm mọi cách để cướp công”.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng tham mưu kiêm Người phát ngôn của Công an tỉnh Quảng Nam, cho hay từ vài tháng trước, vụ việc này đã được người dân phát hiện và tố giác. “Ở địa phương, có chuyện làm không đúng với chế độ, chính sách, không đúng đối tượng và tính nhân văn, nên bà con bức xúc phản ứng, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý”, đại tá Dũng nói.
Ở góc độ quản lý địa phương, một lãnh đạo huyện Nông Sơn cũng thừa nhận vụ việc chỉ được phát hiện sau khi có đơn thư của người dân. “Khi phát hiện, Ban Thi đua – khen thưởng tỉnh đã cùng với huyện Nông Sơn rà soát, nhưng phát hiện vụ việc có quy mô lớn nên Công an tỉnh vào cuộc”, ông Mai Văn Tám, Phó bí thư thường trực huyện ủy kiêm Phó chủ tịch phụ trách UBND huyện Nông Sơn nói.
Ông Tám nêu quan điểm, ai làm sai sẽ bị xử lý nghiêm. “Nhưng sai phạm xảy ra trên địa bàn, chúng tôi rất buồn. Huyện đã thành lập ngay tổ công tác để kiểm tra, rà soát. Đây là bài học kinh nghiệm lớn”, ông Tám nói thêm.
“Không thể giám sát hết!”
Bà Trịnh Thị Minh Xuân, Phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, đã thừa nhận như vậy khi phóng viên Thanh Niên hỏi về các yếu tố kỹ thuật trong khâu rà soát dẫn đến sót lọt vụ sinh năm 1956 lại khai vống thành 1932.
Bà Xuân, kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh Quảng Nam từ tháng 2.2012, trong khi vụ việc khai man ở xã Phước Ninh và trường hợp của nguyên Bí thư xã Đoàn Quốc Dũng xảy ra sớm hơn, giai đoạn 2008-2009.
Nhắc lại, giai đoạn 2008-2009, ông Đoàn Quốc Dũng đã thống nhất để Nguyễn Xuân Hiệp (nguyên cán bộ Phòng Nội vụ huyện Nông Sơn, người đã bị khởi tố bị can và bắt giam) viết hộ hồ sơ xét khen thưởng, tự kê khai thành tích cho nhiều người, nhờ cán bộ kháng chiến xác nhận vào bản thành tích. Ít nhất đã có 47 trường hợp khai man như thế được cơ quan điều tra bóc tách.
Nói “ít nhất” là bởi vụ việc vẫn chưa dừng lại, riêng UBND huyện Nông Sơn và UBND xã Phước Ninh cũng tự rà soát đề nghị thu hồi 59 trường hợp tương tự. Chưa rõ có sự “trùng khớp” nào trong 2 con số đó hay không, nhưng sự thật thì chỉ có một: Thông đồng để gian dối.
Cho nên, theo phân tích của bà Xuân, bất cứ cán bộ cấp tỉnh nào khi trực tiếp xử lý hồ sơ cũng không thể biết hết những dích dắc kiểu như vậy. “Nếu biết, thì chỉ cấp huyện và xã biết. Hồ sơ do Hội đồng thi đua – khen thưởng xã duyệt, rồi trình hội đồng cấp huyện, sau mới đến cấp tỉnh”, bà Xuân nói.
Câu chuyện khai man để được nhận huân chương, huy chương kháng chiến và bằng khen giờ đây không còn đơn thuần là vụ việc được xử lý hình sự, mà lan rộng ra các góc độ về nhân văn, về giá trị đạo đức.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng vụ khai man này nên được nhìn nhận dưới góc độ nào, bà Xuân nói ngay: “Không riêng tôi mà bất cứ người nào cũng trả lời được câu hỏi đó. Gian dối với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân là điều đáng phê phán”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.