Cơn khát tiền của VFF

04/01/2018 08:46 GMT+7

Kể cả việc mới đây Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) quyết định nâng mức tài trợ cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lên 500.000 USD/năm, thì nguồn kinh phí cho phát triển bóng đá đỉnh cao của VFF vẫn bị thiếu hụt.

Thông qua chương trình phát triển dành cho các nước Đông Nam Á, kể từ năm 2018 VFF sẽ nhận gói hỗ trợ từ FIFA số tiền 500.000 USD (12 tỉ đồng) thay vì 400.000 USD (9,6 tỉ đồng) như các năm trước. Tuy nhiên, khoản “chênh” 100.000 USD (khoảng 2,4 tỉ đồng) chỉ như muối bỏ biển so với nhu cầu thực tế của bóng đá Việt Nam (VN).
Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL với Chính phủ, nguồn lực tài chính cho phát triển bóng đá VN hiện nay gồm ba phần chính: 1/ Kinh phí của các địa phương cho đào tạo trẻ, hỗ trợ các CLB và chi tổ chức các hoạt động bóng đá phong trào. 2/ Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho kế hoạch tập luyện, thi đấu của các đội tuyển quốc gia nam, nữ, đội U.23 và các đội trẻ khác vào khoảng 20 - 25 tỉ đồng/năm. 3/ Nguồn vận động tài trợ của VFF từ việc bán các thương quyền của đội tuyển quốc gia và các giải đấu trong khuôn khổ hệ thống giải quốc gia; thu từ bán vé xem các trận đấu của đội tuyển nam, U.23; nguồn tài trợ của FIFA.
Nếu tính riêng khoản thu của VFF, con số vào khoảng 100 - 110 tỉ đồng/năm (gồm cả tiền của FIFA là 12 tỉ đồng như nói trên), trong khi các khoản cần chi vào khoảng 130 - 140 tỉ. Chỉ riêng kinh phí cho 6 đội tuyển tham dự các VCK châu Á năm 2018 đã lên đến hơn 70 tỉ đồng.

tin liên quan

Chưa chốt đề cử ứng viên chủ tịch VFF khóa 8
Lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) cho biết đến ngày 15.1.2018, Tiểu ban Nhân sự Đại hội VFF khóa 8 (dự kiến diễn ra đầu tháng 4.2018) mới có thể hoàn tất quy trình lựa chọn các nhân vật chủ chốt VFF của khóa này.
Theo ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, với nguồn thu hiện tại, VFF mới chỉ đảm bảo khoảng 80% kinh phí hoạt động. Ngoài chăm lo cho các đội tuyển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VFF là công tác đào tạo trẻ nhưng vì tài chính còn thiếu nên VFF chưa thể mở rộng khâu đào tạo cầu thủ các tuyến từ U.10, U.13, U.15…, cũng như chưa thể tổ chức thêm nhiều giải bóng đá ngoài chuyên nghiệp và các giải có nhiều đội tuyển quốc gia thi đấu của khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Trọng Hổ, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2 Tổng cục TDTT, cho biết: “Bóng đá là môn được ngành thể thao rất quan tâm nên ngân sách nhà nước dành cho bóng đá cũng chiếm một phần khá lớn so với nhiều môn thể thao trọng điểm khác. Vậy mà vẫn không đủ chi nên chúng tôi thực sự mong muốn VFF phải quyết liệt hơn nữa trong công tác xã hội hóa. Báo cáo sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nói rõ, xã hội hóa trong bóng đá bước đầu đã huy động được các nguồn lực đầu tư từ nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với khả năng và chưa đáp ứng được yêu cầu nâng tầm của nền bóng đá”.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch VFF, cho hay ngay đầu tháng 1.2018, VFF đã lập xong toàn bộ kế hoạch tập huấn, thi đấu cho các đội tuyển xuyên suốt 2018 và VFF sẽ phải cân đối thu chi để giải quyết bài toán kinh phí sao cho hợp lý, hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.