Con mắc sai lầm, làm sao để níu lại?

04/12/2017 22:14 GMT+7

Rất nhiều bậc phụ huynh nhìn con mắc sai lầm mà không biết làm cách nào để níu con lại. Buông tay thì không thể, la lối thì con càng rời xa.

Chưa phân biệt được đúng sai

Phụ huynh Nguyễn Thị Minh (Q.Tân Phú, TP.HCM) nghẹn ngào kể lại: “Con tôi tên là T., trước rất ngoan. Cứ học xong là về nhà ngay. Ba mẹ căn dặn, dạy bảo gì đều rất nghe lời. Nhưng từ khi lên lớp 10, cháu bỗng rất bướng bỉnh. Cháu bắt đầu cãi lại cha mẹ, đòi mua điện thoại xịn giống bạn bè. Hay lý lẽ và thể hiện mình đúng, khó chịu khi ba mẹ nhắc nhở…”.

Chị Minh cho biết nhiều lần con chê nhà nghèo khó, không có xe máy hay điện thoại bằng bạn bằng bè khiến chị và chồng chị rất buồn. Có thời gian chị Minh thấy con liên tục xin tiền để đóng học thêm bóng rổ, đàn… Cho đến một buổi sáng thức dậy, cả nhà tá hỏa khi không thấy con đâu, chiếc xe máy dùng để đi làm của chồng cũng không còn ở đó. Chị Minh gọi điện cho con thì không nghe máy, chị bèn tức tốc chạy đến nhà cậu bạn thân của T. Gặng hỏi rất lâu, thì cậu bạn mới cho biết vì T. nợ nần nhiều người quá nên phải bán xe máy để trả nợ, sợ ba mẹ đánh nên bỏ nhà đi.

Cả nhà bèn huy động nội ngoại hai bên đi tìm khắp thành phố mấy ngày liền không được. Bỗng mấy hôm sau, một người bạn thân của chị Minh điện thoại hỏi: “Sao mình trông thấy một thằng bé rất giống thằng T. nhà cậu ở Biên Hòa (Đồng Nai). Trông cháu thất thểu, quần áo lấm lem đang ngồi bên đường. Mình giật mình nên hỏi cậu thử”.

Hóa ra đúng là T. thật. Bán xe được 10 triệu, cậu trả nợ hết 8 triệu rồi bắt xe ôm đi Biên Hòa. Cậu chỉ nghĩ được đến thế. Hôm bạn của mẹ bắt gặp là hôm cậu đã tiêu hết tiền nên vừa đói, vừa thiếu ngủ, thất thểu mà chưa biết phải làm gì.

Trường hợp của chị Huỳnh Thị Đ. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) lại khác. Con chị tên là H. lên lớp 11 bắt đầu “phải lòng” một cậu bạn trai đã nghỉ học. Thế là, H. sao nhãng học tập, suốt ngày trốn học để đi cùng người yêu. Chị Đ. biết được cậu này còn dính vào ma túy nên ra sức ngăn cản. Chị dọa người yêu H. nếu tiếp tục dụ dỗ H. thì sẽ báo công an. Chính lời dọa này đã khiến cho H. và người yêu bàn với nhau bỏ thuốc độc vào nồi canh với mục đích “để ba mẹ chết thì sẽ khỏi ngăn cấm”.

Rất may, chị Đ. Nhìn thấy tô canh có mùi và màu sắc khác lạ so với lúc đầu, nên không ăn. Nghi ngờ con, chị Đ. bí mật lấy nước cạnh cho vào lọ rồi đến Viện Pasteur để xét nghiệm, thì ra kết quả có thuốc độc. Lúc này, H. đã trốn đi cùng người yêu.

Nhưng không lâu sau đó, H. thất thểu trở về, nói là bị người yêu bỏ. Chị Đ. và chồng xót xa, không còn cách nào khác, lại ôm con vào lòng.

tin liên quan

Góc phụ huynh: Có nên dạy con bằng đòn roi?
Vợ chồng tôi có thói quen dạy con bằng đòn roi. Cho tôi hỏi việc dạy con bằng đòn roi, la mắng có nên không, và có thể gây những hệ lụy gì cho con? (một phụ huynh sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM)

“Cha mẹ ngoảnh lại để con khôn”

Trước những sai lầm của con cái, hầu hết các bậc cha mẹ hoặc là ruồng rẫy, mắng chửi con, hoặc là nhu nhược chiều theo ý con. Cả hai cách trên đều khiến con sa lầy vào con đường lầm lỗi.

Tiến sĩ tâm lý Võ Văn Nam (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích: “Ở lứa tuổi 14, 15 trở lên, nhận thức lý tính hình thành nhưng yếu ớt so với cảm tính, chưa phân biệt được đúng sai. Trước đây còn nhỏ, cha mẹ nói gì con cũng nghe lời, vì lúc đó giá trị gia đình là quan trọng nhất đối với con. Nhưng khi lớn lên, cha mẹ không còn là giá trị tuyệt đối của con nữa. Con cái sẽ thích ra ngoài xã hội kết giao bạn bè. Lúc này, bạn bè lại trở thành quan trọng, lời nói của bạn bè trở nên có sức thuyết phục hơn cha mẹ, vì dễ chia sẻ cảm thông”.

Chính vì lẽ đó, theo tiến sĩ Nam, đây là lứa tuổi dễ sa ngã và mắc sai lầm nhất. Cha mẹ lúc đó cần phải tăng cường nhận thức lý tính cho con. “Cha mẹ ngoảnh đi con sẽ dại, cha mẹ ngoảnh lại để con khôn. Phải theo dõi sát sao những biểu hiện của con. Nếu phát hiện con sai trái, không nên la mắng, đánh đập hay ngăn cản, mà trước tiên hãy lắng nghe, phân tích đúng sai và những hậu quả của việc làm đó. Phải dùng lý lẽ phù hợp với nhận thức của con để cảm hóa chứ không nên áp đặt. Phải chia sẻ, đồng cảm và thấu hiểu, con mới không có tâm lý sợ hãi dẫn đến chống đối và làm ngược lại với mong muốn của cha mẹ”, ông Nam nhận định.

Tiến sĩ Nam cho rằng, muốn con lớn lên thì cha mẹ phải khom mình xuống. Nếu con đang mấp mé nơi miệng vực thì phải lập tức giữ con lại và di chuyển con rời xa cái vực càng xa càng tốt, bằng tất cả tình yêu, sự bao dung, đồng cảm, sẻ chia đúng cách của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.