Tại sao tượng này được dựng ở Mexico? Và tại sao với một con mèo?
Con đường của thiên tài
Yuri Valentinovich Knorozov sinh năm 1922 tại Kharkov, trong một gia đình kỹ sư đông con. Năm 1948, ông tốt nghiệp khoa sử Đại học Tổng hợp Matxcova. Ông quan tâm đến lịch sử của phương Đông cổ đại, đam mê các lĩnh vực dân tộc học và ngôn ngữ học. Từ năm 1953 cho đến cuối đời, ông làm việc tại Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô mang tên N.N. Miklouho-Maclay.
Knorozov đi vào lịch sử khoa học với tư cách là người giải mã được chữ viết của người Maya - một dân tộc bí ẩn sống ở vùng Trung Mỹ thời tiền Columbus. Ông bắt đầu quan tâm đến chủ đề này từ khi còn là sinh viên. Năm 1952, ông đăng bài báo đầu tiên về vấn đề giải mã chữ viết Maya. Năm 1955, ông bảo vệ luận án tiến sĩ, được đặc cách bỏ qua cấp độ phó tiến sĩ. Cùng lúc đó, ấn phẩm khái quát của ông về việc giải mã chữ viết của người Maya ra mắt. Vì những công trình nghiên cứu này, Knorozov đã được trao Giải thưởng Nhà nước của Liên Xô. Ông cũng được trao tặng Huân chương Vàng của Tổng thống Guatemala và Huân chương Đại bàng Aztec của nhà nước Mexico. Tuy nhiên, ông chỉ đặt chân đến Mexico và Guatemala sau khi Liên Xô tan rã. Knorozov qua đời năm 1999 tại St.Petersburg.
Hành trình giải mã chữ viết của người Maya
Người Maya từng định cư khắp vùng Trung Mỹ. Những bản ghi chép sớm nhất, trong đó hệ thống ký hiệu của họ được sử dụng, đã có từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, và những bản ghi chép mới nhất tồn tại từ thời đại Columbus phát hiện ra châu Mỹ. Từ thế kỷ 18, người châu Âu đã cố gắng giải mã chữ viết Maya, nhưng những nỗ lực của họ đã không thành công. Các nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn khi coi chữ viết của người Maya là một loại chữ tượng hình, mà không hiểu cấu trúc và tính năng của nó. Trong thập niên 1950, trường phái Maya học do nhà khoa học lỗi lạc người Mỹ Eric Thompson đứng đầu. Không đạt được kết quả nào, ông tuyên bố chữ viết của các bộ lạc da đỏ là không thể đọc được, vì theo ý kiến của ông, không có hệ thống nào trong đó, mà chỉ có các ký hiệu riêng biệt - riêng cho từng trường hợp và không được kết nối theo bất kỳ cách nào.
Lần nọ, trên một trong những tạp chí khoa học châu Âu, Knorozov tình cờ đọc được một bài báo có tên là "Giải mã các chữ cái của người Maya - Một vấn đề không thể giải quyết". Yuri Valentinovich chân thành nghĩ rằng đối với khoa học chân chính thì không có vấn đề nào không thể giải quyết được. Và ông đã bắt tay nghiên cứu để rồi chứng minh điều này một cách xuất sắc, vén bức màn bí ẩn về chữ viết cổ của người da đỏ.
|
Knorozov đã thành công trong một công việc mà không ai làm được, bởi ông đã áp dụng phương pháp thống kê vị trí phân tích văn bản do ông sáng tạo ra. Ông đã cẩn thận nghiên cứu các bản sao những bản chữ viết của người Maya được lưu giữ trong thư viện Lenin, và đi đến kết luận rằng chữ viết của người Maya không phải là chữ tượng hình, và không phải là chữ cái, mà là âm tiết. Ông đưa ra kết luận như vậy trên cơ sở đếm và xem xét kỹ lưỡng các dấu hiệu lặp lại. Cũng tại Thư viện Lenin, Knorozov đã tìm được cuốn sách "Báo cáo về các vấn đề ở Yucatan" của Giám mục Diego de Landa, viêt từ thế kỷ 16, trong đó vị giám mục uyên bác ghi lại một số ký hiệu chữ viết của người Maya; những người da đỏ bản địa vẫn còn sống tại thời điểm đó đã giải thích cho ông ý nghĩa của những ký hiệu này. Dựa trên phân tích của mình và thông tin từ cuốn sách của de Landa, Knorozov đã có thể giải mã 75% dấu hiệu chữ viết của người Maya.
Con mèo đã có đóng góp gì?
Knorozov là một người khá kiệm lời và dè dặt. Nói chung, ông không mấy quan tâm đến các vấn đề nằm ngoài khoa học. Bạn bè nhớ lại ngôi nhà của “chuyên gia Maya học”: một căn phòng trông giống như hộp đựng bút chì, chứa đầy sách.
|
Tuy nhiên, ông cũng có một niềm đam mê khác: mèo. Knorozov rất thích những con vật này, biết tên tất cả những con mèo của bạn bè mình, và khi gặp nhau, ông luôn hỏi thăm sức khỏe của chúng. Trong bức ảnh nổi tiếng nhất, Knorozov được chụp cùng con mèo Xiêm yêu quý của mình là Aspid (tên ở nhà - Asya). Hoàn toàn nghiêm túc, ông gọi mèo Asya là đồng tác giả của mình, bởi theo ông nói chính việc quan sát Asya dạy mèo con bắt chuột đã dẫn ông đến một ý tưởng mà sau này đã hình thành cơ sở cho bài báo xuất sắc của ông "Về phân loại tín hiệu".
Bản thân Knorozov coi việc giải mã chữ viết Maya chỉ là một ví dụ về công việc lý thuyết giao tiếp của ông. Theo quan điểm của nhà khoa học, giao tiếp (cả giao tiếp bằng tiếng nói và bằng chữ viết) được xây dựng dựa trên hệ thống “tín hiệu – ‘thông điệp’, và tín hiệu – ‘nhận thông điệp’”. Và vì Asya đã tham gia vào việc phát triển ý tưởng này, nên Yuri Valentinovich muốn chỉ định nó là đồng tác giả. Nhưng điều này, tất nhiên, được coi là một sự lập dị của thiên tài, và tất nhiên, Asya đã không được chấp nhận là đồng tác giả, điều này khiến Knorozov rất tức giận. Tuy nhiên cuối cùng thì con mèo cũng được vinh danh trong bức tượng nhà khoa học kiệt xuất…
Bình luận (0)