Chiều muộn 11.4, đường về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (P.Tân Phú, TP.Thủ Đức) thông thoáng và không còn cảnh tắc đường như mọi khi. Thế nhưng, ở bệnh viện - nơi không ai muốn đến này lại rất đông đúc. Ở đây có hàng trăm bệnh nhi ung thư đang vật lộn với tử thần và chống chọi với số phận nghiệt ngã. Với các em, mỗi ngày trôi qua như dài bất tận.
Dãy ghế phía trước khoa Nội 3 (khoa Nhi), người thì ngồi nghỉ, ánh mắt bần thần đầy ưu tư, người thì đang ngả lưng ngủ thiếp mặc tiếng còi xe cấp cứu chốc chốc chạy vào sảnh bệnh viện.
Chúng tôi vào thăm phòng nội trú 410, những người mẹ của các bệnh nhi đang ngồi quây lại với nhau tâm sự. Câu chuyện đứt quãng xen kẽ các cuộc điện thoại của họ hầu như chỉ xoay quanh những đứa con, bác sĩ và công đoạn điều trị cho con.
“Con mình đứt ruột đẻ ra mà bị ung thư, tôi đau đớn lắm”
Ở đây chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc Thuy (34 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) với dáng vẻ bải hoải, mắt thâm quầng và con gái Nguyễn Hoàng Anh (9 tuổi). Nhìn Anh với nụ cười thường trực, không ai nghĩ em đang mắc bệnh ung thư.
Lúc trước, chị Thuy bán vé số, hàng rong và làm mướn để mưu sinh. Ngã rẽ cuộc đời chị gặp người đàn ông duyên phận của đời mình. Lần lượt 2 đứa con ra đời (con trai lớn 15 tuổi và Anh là con út), nhưng tưởng có chồng con, cuộc đời chị tươi sáng hơn…
Ánh mắt đăm chiêu nhìn ra hành lang bệnh viện, ký ức đưa chị về năm 2022, chị chia tay người chồng không hôn thú. Từ ngày dứt áo ra đi, người chồng không qua lại thăm nom, hỏi han hay trợ cấp cho các con. Một mình chị Thuy chật vật nuôi 2 đứa con ăn học và mẹ già đang chạy thận 3 ngày/tuần.
Tháng 3.2023, thấy Anh có khối u ở đùi trái, kèm theo đau nhức khi sờ nắn, chị Thuy nghĩ là khối u bình thường nên không mang con đi thăm khám. 3 tháng sau, khối u tăng kích thước, nên chị đưa con đến Bệnh viện Bình Thạnh (TP.HCM) chữa trị. Ở đây, bác sĩ chẩn đoán u lành tính và cấp thuốc cho về nhà.
Thấy bệnh của con không thuyên giảm, nên chị đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) với mong muốn tìm bác sĩ giỏi chấm dứt cơn đau dai dẳng của con. Sau khi mổ sinh thiết, bác sĩ báo hung tin: Ung thư sarcoma mô mềm (dạng hốc) ác tính hiếm gặp và chuyển về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 để tiếp tục điều trị.
Đôi mắt đượm buồn, chị Thuy kể ngày nghe hung tin, bác sĩ chưa dứt lời, chị chạy ào ra góc hành lang cố trấn tĩnh. Chị cảm giác lúc đó có một thứ gì đó va vào đầu chị, tạo nên một âm thanh thật khủng khiếp rồi vỡ tung. Đầu óc chị trở nên trống rỗng, còn tim như có ai bóp nghẹt.
“Tôi tá hỏa, khóc nhiều lắm, cả tuần lễ cũng không ngơi được. Con mình đứt ruột đẻ ra mà bị ung thư, tôi đau đớn lắm", chị nhớ lại thời khắc khủng khiếp mình đã trải qua.
Hơn 1 năm qua là những tháng ngày chị Thuy mệt mỏi, đau đớn, hết hy vọng lại tuyệt vọng. Chị chia sẻ, đứa con lớn của chị bị khuyết tật trí tuệ nên chị hy vọng nhiều vào đứa con út. Chị vẫn nhớ ngày sinh Anh ra, đứa trẻ dễ thương, kháu khỉnh. Chị đã hạnh phúc biết nhường nào nhưng niềm vui đó chẳng kéo dài được bao lâu.
Đưa mắt nhìn về phía Anh, giọng chùng xuống, chị Thuy nghẹn ngào: “Từ ngày con đổ bệnh khiến tôi bị tuột dốc. Nhiều khi tôi suy nghĩ tiêu cực và định ẵm con cùng chết để giải thoát”.
Nhưng sự lạc quan, mạnh mẽ của con giúp chị Thuy cũng dần thông suốt. Chị vững vàng hơn và chị nhận ra phải "quẳng gánh lo đi mà sống".
“Tôi nghĩ mỗi người có một số phận, tạo hóa đã tạo ra vậy rồi thì mình phải chấp nhận. Tôi phải cố gắng mạnh mẽ để làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình”, chị nói với giọng đứt quãng, nặng nhọc.
“Số phận của tôi sao ngặt nghèo quá”
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thuy lộ ra vẻ mệt mỏi, khuôn mặt nhợt nhạt, những giọt mồ hôi lấm tấm rịn đầy trên trán. Hỏi ra mới biết, gần đây chị đau dai dẳng ở vùng chậu và vùng thắt lưng. Đi thăm khám thì bác sĩ báo bị u nang buồng trứng. Hiện tại chị vẫn chưa biết xoay đâu ra tiền để phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Từ ngày cùng con chiến đấu với bệnh ung thư, chứng kiến cảnh con đang rên rỉ vì đau đớn, chị Thuy đã chẳng hề bận tâm đến sức khỏe của mình nữa. Chị chỉ mong có thể chia sẻ được phần nào nỗi đau cho con.
Chị Thuy nói, gia đình chị “nghèo bền vững", không có đất đai, nhà cửa nên chị ở nhờ nhà em trai. Từ ngày tai họa ập đến, gánh nặng tài chính đè nặng lên vai chị Thuy. Để có tiền, chị làm đủ nghề từ giúp việc đến bán trái cây online. Trung bình mỗi ngày chị kiếm được 150.000 - 200.000 đồng, có ngày không kiếm được đồng nào.
Dù cật lực kiếm tiền nhưng không được bao nhiêu để lo cho 3 người bị bệnh. Chị nói tiền thuốc chống ung thư cho Anh tốn 10 triệu đồng/toa và tiền thuốc 900.000 đồng/tháng cho đứa lớn. Còn tiền chạy thận và thuốc cho mẹ, chị tốn hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, chị Thuy bán hết những gì có thể bán được và chạy vạy đủ đường… Đến nay các khoản nợ lên tới 100 triệu đồng.
Tính ra cũng hơn 1 năm bám trụ tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2, chị Thuy đã kiệt quệ cả về tài chính và sức lực. Nhưng bệnh ung thư của Anh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Con đường chữa bệnh cho con còn dài đằng đẵng nhưng chị lại không biết bấu víu vào đâu để có tiền tiếp tục điều trị cho con.
Giấu nỗi buồn đong đầy trong mắt, chị Thuy thổn thức: “Số phận tôi sao ngặt nghèo quá. Nhìn mẹ và con đang đau đớn vì bệnh tật khiến tôi xót xa lắm. Bây giờ tôi không biết phải xoay xở đâu ra tiền để tiếp tục lo cho 3 người bệnh”.
Cực khổ là thế, nhưng khi chúng tôi hỏi chị có ý định bỏ cuộc khi số tiền nợ đang ngày một tăng? Chị Thuy ngập ngừng chưa thể trả lời ngay. Mãi chị mới nói: “Nhiều khi tôi cũng nản lắm nhưng cũng ráng chữa cho mẹ và con, không bỏ được. Nhưng nếu đến ngày tôi không còn “đường thở" để lo liệu nữa thì tôi bắt buộc phải chấp nhận từ bỏ".
Theo nhiều người thân đang cùng con điều trị ung thư ở bệnh viện, họ hay nói vui đây là căn bệnh “nhà giàu” mà những người nghèo hay gặp phải. Tiền bạc tích cóp, của cải cũng dần “đội nón ra đi", giàu cũng hóa nghèo, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Chúng tôi được sự đồng ý của chị Thuy trong việc sử dụng hình ảnh cho bài viết, như là một sự chia sẻ và cổ vũ tinh thần cho mẹ con chị vượt qua những tháng ngày gian nan chống chọi bệnh tật nan y.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi mong bạn đọc có lòng chia sẻ với nhân vật trong cơn ngặt nghèo, có thể liên hệ chị Nguyễn Thị Ngọc Thuy (mẹ của em Nguyễn Hoàng Anh) qua số điện thoại 0564527282.
Số tài khoản Nguyễn Thị Ngọc Thuy 0564527282- Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (Ngân hàng OCB).
“Tôi không dám khóc trước mặt con"
Tay Anh đang truyền hóa chất chống ung thư, nhưng lúc nào em cũng hiếu động với nụ cười lấp lánh trong mắt. Nhìn dáng vẻ thơ dại, say mê vẽ tranh của em khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Hơn 1 năm điều trị ung thư, da thịt của Anh “tiêu hết trơn" bởi kim tiêm, hóa chất… Chị Thuy kể, Anh thích tóc dài, thích được kẹp tóc làm điệu, nhưng từ ngày truyền thuốc chống ung thư vào người khiến tóc em rụng dần từng mảng.
Ngày chị Thuy dẫn Anh xuống sảnh bệnh viện cạo tóc, con khóc, mẹ cũng khóc! Anh trách mẹ: "Sao mẹ lại cạo tóc của con"?, người mẹ khựng lại và chỉ biết im lặng. Để lưu giữ hình ảnh của con, chị đã dùng tóc của Anh để nối vào tóc của mình.
Chị Thuy cho rằng đến tận bây giờ nỗi ám ảnh những ngày cùng con chiến đấu với ung thư vẫn còn trong chị. Chị kể nhiều hôm về, Anh bị xuất huyết dẫn đến máu mũi và máu miệng chảy ra nhiều. Nỗi đau giằng xé khiến Anh không còn sức. Nhưng ánh mắt Anh vẫn dáo dác tìm mẹ, trong khi con ngươi đỏ ngầu vì những mạch máu vỡ. Trong mơ màng, em cố nắm tay mẹ thều thào: “Con sợ lắm mẹ ơi, con không muốn chết…”.
Mỗi lần vô thuốc chống ung thư là mỗi lần Anh mệt rã rời, cứ ăn lại nôn, đêm lại vật vã với những cơn đau nhức. Những lần đó, chị Thuy cố kìm nén không khóc trước mắt con. Chị phải đợi đến tận khuya khi con ngủ mới lén vào nhà vệ sinh, nhìn lên chiếc gương lấm tấm vết ố rồi khóc.
Hoàng Anh khao khát sống
Anh là đứa trẻ hiểu chuyện, em biết rõ về căn bệnh ung thư của mình. Nhưng thật ngạc nhiên khi em dũng cảm đương đầu, quyết tâm chiến đấu với bệnh tật bằng một niềm lạc quan hiếm thấy. Trong trái tim Anh, khát vọng chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác để trở về với cuộc sống, với những ước mơ… thật mãnh liệt.
Mong muốn của Anh là gì? Tôi hỏi. Em nhoẻn miệng cười ngây thơ với một đôi môi khô nứt nẻ trắng bệch và khuôn mặt phù nề tích nước. Anh nói: “Con muốn nhanh hết bệnh để được xuất viện và đi học”. Anh hiện đang học lớp 2, nhưng từ ngày phát bệnh Anh phải bỏ học để vào viện.
Còn ước mơ của Anh là được làm đầu bếp để nấu đồ ăn ngon cho mẹ và kiếm tiền nuôi mẹ. Hỏi ra mới biết vì sao Anh muốn làm đầu bếp. Vì không có tiền nên mẹ con chị Thuy phải ăn cơm từ thiện cho qua bữa.
Nghe cô bé nói chuyện ước mơ trong niềm thơ ngây con trẻ, cả chúng tôi và mẹ em bỗng thấy quặn lòng. Ước mơ thật giản dị và hồn nhiên…
Hơn 400 ngày cùng con điều trị ung thư, chị Thuy không rời khỏi con dù chỉ trong chốc lát. Vẫn như bình thường, chị ngồi xoa bóp tay chân cho Anh, chốc chốc lại thì thầm những câu nói đầy hy vọng vào tai con, với mong muốn có thể làm dịu bớt cơn đau của Anh.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Thuy bảo không khóc được nữa bởi những khổ đau chị đã quen và chai sạn rồi. Nhìn con từng ngày đau đớn sau các đợt hóa trị thì chị phải mạnh mẽ, cứng rắn để còn là chỗ dựa vững chắc cho Anh.
Ngoài trời bóng tối đậm đặc dần và ngọn đèn đường ở giữa khu phòng bệnh trẻ em với các khu điều trị ung thư thêm sáng tỏ. Chúng tôi tạm biệt mẹ con chị Thuy, 2 mẹ con khách sáo tiễn chúng tôi đến thang máy bệnh viện. Nhìn Hoàng Anh khao khát sống, cố gắng chiến thắng thử thách cuộc đời, chắc ai cũng sẽ cầu mong em vượt qua nỗi đau bệnh tật và hạnh phúc, phước lành về sau…
Sarcoma mô mềm là gì?
Theo GS-TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, thông tin sarcoma mô mềm là ung thư biểu mô liên kết. Nhóm thứ nhất xuất phát từ các tế bào của biểu mô liên kết có nguồn gốc trung mô trừ xương, tạng, võng nội mô. Nhóm thứ hai xuất phát từ các tế bào của mô thần kinh ngoại vi.
Sarcoma mô mềm là bệnh ung thư tương đối hiếm gặp, chiếm khoảng 15% các ung thư ở trẻ em. Tuy nhiên, đây là nhóm ung thư rất phức tạp, đa dạng và dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Các triệu chứng của bệnh ung thư phụ thuộc vào vị trí bắt đầu của sarcoma và có thể bao gồm các cục u (gây đau hoặc không gây đau), sưng tấy hoặc các vấn đề về ruột.
Theo chuyên gia ước tính, tỷ lệ sống sót sau 5 năm khi bệnh khu trú là 81%, khi lan đến khu vực lân cận là 56% và khi đã di căn xa thì chỉ còn 15%. Tính chung tất cả các giai đoạn, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 65%.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên khám sức khỏe định kỳ đều đặn 1 đến 2 lần mỗi năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe.
Bình luận (0)