Câu chuyện về những đứa trẻ chưa một lần biết mặt cha
Lần này, đối tượng trao học bổng được mở rộng ra cho cả những em nhỏ đến tuổi đi nhà trẻ. Trong số đó, có những em bé chưa chào đời thì đã mồ côi cha.
Ngoặt ngoẹo trên tay mẹ là chị Nguyễn Thị Lài (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), cậu bé Hà Phước Hậu cứ khóc trước ánh mắt của người lạ. Khi cha mất, cậu bé Hậu vẫn còn nằm trong bụng mẹ, mới thành hình được 3-4 tháng.
Chính vì chấn động kinh hoàng mất đi người chồng đầu ấp tay gối trong cơn bão Chanchu hồi tháng 5.2006, đã ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Cậu bé Hậu sinh ra với khuyết tật ở chân và tay đều bị quặt quẹo. Chị Lài tâm sự: từ khi sinh ra được 10 ngày đến nay, không tháng nào không có mặt tại bệnh viện để điều trị. Mà nhà thì túng thiếu, trụ cột gia đình đã mất, mình chị vừa suốt ngày ôm con trẻ, vừa nuôi cha mẹ chồng già yếu, bệnh tật nên không làm được việc gì để mưu sinh.
Có được chút tiền hỗ trợ nào là mang con đi điều trị, với hy vọng cậu bé Hậu biết đứng, biết đi. Nhìn gương mặt thông minh sáng láng của em, nhưng đôi chân và đôi tay không co duỗi, không đứng được trên đất, không ai không chạnh lòng. Nhận số tiền 5 triệu đồng từ Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình, chị Lài lại hy vọng: “Lần này có tiền nhiều, chắc điều trị dài hơi hơn, mong là có tiến triển tốt cho cháu!”.
Một trường hợp thương tâm khác là chị Trương Thị Hải (Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng), mẹ của cậu bé Nguyễn Văn Hoàng. Chị kể: khi chồng chị là anh Nguyễn Văn Hưng mất, thì chị mang thai Hoàng mới được hơn 7 tháng. Lúc nghe tin anh mất, không còn thiết gì nữa, nhưng nghĩ đến đứa trẻ thơ trong bụng, vẫn phải cố gắng vững chãi mà sống. Bây giờ, hằng ngày, chị ra chợ buôn gánh cá nhỏ, đủ để cho con đi học nhà trẻ. “Nó mới chào đời đã mồ côi cha, vì rứa mà bù đắp được gì cho nó, tui đều làm, không từ nan điều gì khó khăn hết!”. Nói rồi, chị vuốt ve cuốn sổ tiết kiệm vừa nhận, bảo: “Để dành cho nó, khi nào vô lớp 1 lo liệu quần áo, sách vở, tiền học”.
Rất nhiều cái tên, những đứa bé được sinh ra sau ngày xảy ra cơn bão như bé Nguyễn Bảo Thị Ngọc và Trần Văn Hùng (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Nguyễn Ngọc Trí (Bình Hải, Thăng Bình), Lê Đình Dương (Thanh Khê, Đà Nẵng)... Tất cả các em nhỏ này đều được nhận học bổng, nhằm hỗ trợ cho những người nuôi dưỡng, tạo cho các em điều kiện sống và học tập tốt hơn.
"Con sẽ trở thành cô giáo dạy cho trẻ em nghèo"
Có rất nhiều hình ảnh cảm động tại 2 buổi trao học bổng ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Cầm 4 cuốn sổ tiết kiệm, dành cho 4 chị em để có tiền đeo đuổi việc học, cô bé Nguyễn Thị Kiều (16 tuổi, học lớp 10, trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đỏ hoe mắt vì xúc động. Từ ngày mất cha, cô bé Kiều trở thành người cùng mẹ gánh vác mọi công việc nhà từ lớn đến nhỏ.
Gánh cá của mẹ em là chị Trần Thị Sáu không lúc nào đủ để chi tiêu cho những chi phí trong gia đình 5 miệng ăn. Tốt nghiệp lớp 9 năm học 2007-2008 với số điểm cao, nhưng Kiều xin mẹ cho em nghỉ học, đi làm công nhân kiếm tiền giúp mẹ. Nhưng mẹ Kiều quyết tâm, dù khó khăn, khổ cực đến mấy cũng cho chị em Kiều ăn học đến nơi, đến chốn vì đó là tâm nguyện của người cha đã khuất. Số tiền học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên 1 triệu đồng những năm học trước đã là một cứu cánh cho mẹ con Kiều, hỗ trợ ngay đúng thời điểm khó khăn.
Lần này, với 4 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền là 20 triệu đồng, sẽ giúp cho mẹ con Kiều vững chãi, giúp 4 chị em Kiều có thể tiếp tục đeo đuổi việc học chữ mà bớt âu lo. Kiều tự tin bảo: “Em nói với mẹ rồi, con sẽ học hành thật nỗ lực, để tốt nghiệp, học tiếp ngành sư phạm, rồi về làm cô giáo, dạy cho học sinh nghèo, để không ai ở quê mình phải thất học, bỏ học vì nghèo nữa!”. Tâm nguyện của cô học sinh bé nhỏ thật đáng quý.
Đối với nạn nhân bão Chanchu, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã là động lực hậu thuẫn cho các gia đình, động viên cho 17 em học sinh bỏ học quay lại trường. Và cũng từ sự hỗ trợ của quỹ, 20 em đã vào được đại học, cao đẳng...
Học bổng Nguyễn Thái Bình phần dành cho con nạn nhân bão Chanchu do Báo Thanh Niên phối hợp với Sở GD-ĐT, Hội LHTN TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thực hiện… đã được khởi động từ năm học 2006-2007. Ngay trong năm đầu, quỹ đã trao tổng cộng 232 suất với tổng số tiền 239 triệu đồng; năm học 2007-2008 trao tổng cộng 240 suất với tổng số tiền 248 triệu đồng. Năm học này, toàn bộ số tiền (bao gồm tiền gửi ban đầu và lãi suất) được trao thành sổ tiết kiệm, mỗi học sinh được nhận một sổ tiết kiệm 5 triệu đồng. Tổng số 333 học sinh được trao đợt này với tổng số tiền 1,665 tỉ đồng. |
Diệu Hiền
Bình luận (0)