Còn nể nang khi giám sát cán bộ đảng viên tại khu dân cư

29/03/2012 09:49 GMT+7

(TNO) Thiếu những quy định, cơ chế cụ thể cộng với tâm lý nể nang, sợ bị trù dập là những nguyên nhân chính khiến cho việc thực hiện Quy chế “Mặt trận tổ quốc (MTTQ) giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” gặp rất nhiều khó khăn.

(TNO) Thiếu những quy định, cơ chế cụ thể về phạm vi, đối tượng, chế tài thực hiện giám sát cộng với tâm lý nể nang, sợi bị trù dập là những nguyên nhân chính khiến cho việc thực hiện Quy chế “Mặt trận tổ quốc (MTTQ) giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư” gặp rất nhiều khó khăn, kết quả hạn chế.


Các đại biểu dự hội nghị sáng 29.3 - Ảnh: N.M

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 05/2006 giữa Chính phủ và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về việc ban hành quy chế nói trên tại hội nghị sáng nay 29.3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, qua 4 năm triển khai thực hiện, 5 tỉnh, thành phố làm điểm đã nhận được hơn 3.100 đơn giám sát và ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân.

Nội dung đơn thư phần lớn tập trung phản ánh, phát hiện những vi phạm về quản lý đất đai, liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), quản lý trong xây dựng; biểu hiện tham nhũng… Số còn lại đề cập đến tư cách, phẩm chất đạo đức, thái độ đảng viên, cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở trong việc tiếp xúc giải quyết công việc của dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu qua thực hiện quy chế này, ông Dĩnh đã nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện mà trước hết là trình độ năng lực của đội ngũ làm công tác mặt trận ở cơ sở còn hạn chế.

“Ở một số nơi, Ủy ban MTTQ cấp xã và Ban công tác mặt trận còn lúng túng trong việc phân công, phối hợp trách nhiệm thực hiện các hoạt động giám sát. Có nơi, Ủy ban MTTQ cấp xã và tổ chức thành viên còn có thái độ nể nang, e ngại, chưa tin tưởng cao vào hiệu quả giám sát, thậm chí còn có tư tưởng ngại va chạm, sợ bị trù dập, trả thù, vì vậy có nơi sự việc vi phạm đã rõ ràng nhưng Ủy ban MTTQ cấp xã chưa dám kiến nghị”, ông Dĩnh dẫn chứng.

Tồn tại khác cũng được chỉ ra là sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên còn thiếu sự chặt chẽ, chưa thực sự phát huy được vai trò các tổ chức thành viên trong việc thực hiện Quy chế giám sát. Theo ông Dĩnh, tính đến thời điểm này, phần lớn số đơn thư, ý kiến phản ánh về các vụ việc cụ thể chủ yếu là do nhân dân, do Ban công tác mặt trận và Ban thanh tra nhân dân phát hiện, kiến nghị, số do các tổ chức thành viên phát hiện và kiến nghị rất ít.

Đơn cử, so với các nơi làm điểm khác, TP.Hà Nội được coi là có kết quả hơn cả, tuy nhiên số vụ việc do các tổ chức thành viên phản ánh, kiến nghị cũng chỉ là 122/1.292 vụ việc, đạt 10,5%.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề xuất cần quy định rõ “biện pháp xử lý người có thẩm quyền giải quyết nhưng thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết, trả lời các kiến nghị của MTTQ và nhân dân”.

Đại diện MTTQ các tỉnh, thành phố phát biểu thảo luận sau đó cũng đều kiến nghị tương tự.

Được biết, Quy chế MTTQ giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư được áp dụng thí điểm ở 209 xã, phường, thị trấn tại TP.Hà Nội, TP.HCM, Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang.

Bảo Cầm

>> Mặt trận Tổ quốc VN kiến nghị gì với Thủ tướng về vụ Tiên Lãng?
>> Tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên về phẩm chất, đạo đức, lối sống
>> TP.HCM: Giám sát cán bộ ở nơi có nhiều khiếu kiện đất đai
>> TP.HCM: Thí điểm giám sát cán bộ, đảng viên tại 40 phường, xã

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.